Công cụ & thời điểm

Đối với nhiều nhà đầu tư (NĐT), việc VN Index có chinh phục 1.000 điểm hay không đôi khi chỉ mang yếu tố… tinh thần hơn là tác động trực tiếp đến hiệu quả đầu tư. Bởi, thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay có quá nhiều công cụ để dù TT có tăng hay giảm, nhiều người vẫn có thể thu được lợi nhuận.

Hiện nay, nếu không mua cổ phiếu (CP) thì NĐT có thể mua chứng quyền có bảo đảm (CW) của CP, trường hợp CP lên thì giữ CP hay chứng quyền đều có lãi. Khi TTCK điều chỉnh, nắm giữ CP nhiều khả năng thua lỗ nên NĐT chuyển sang “short” (mở vị thế bán) hợp đồng tương lai (HĐTL) để tìm kiếm lợi nhuận. Ở đây không bàn sâu về việc kiếm tiền thế nào với các công cụ, nhưng có một điều chắc chắn rằng với nhiều “đồ chơi” như hiện nay, NĐT sẽ cảm thấy tự tin hơn hẳn và mức độ bám sàn sẽ cao hơn.

Mới đây, Công ty chứng khoán (CTCK) SSI phát hành thêm 10 mã chứng quyền mới với tổng khối lượng 13 triệu, dựa trên các mã CP cơ sở là REE, VNM, VIC, VJC, VHM, FPT, MBB và HPG. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nghiệp vụ, truyền thông từ phía HoSE và sự hưởng ứng của các CTCK, chỉ sau vài tháng có mặt trên TT, CW hiện đã thiết lập được chỗ đứng của mình và trở thành một sản phẩm được NĐT ưa chuộng. NĐT không nhất thiết phải mua CP rồi mua CW mà hoàn toàn có thể mua CW để tìm kiếm cơ hội sinh lời. Diễn biến của CW có những nét tương đồng CP nói riêng, TTCK nói chung, nhưng cũng sẽ có những nét riêng biệt và vì vậy, việc lên xuống của TT chưa chắc đã ảnh hưởng đến NĐT nắm giữ CW.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho VN Index chưa chinh phục ngưỡng 1.000 điểm cũng vì điều này. Dòng tiền thay vì tập trung vào CP để chờ đợi chỉ số đi lên thì có thể tìm kiếm những cơ hội sẵn có khác. Điều này dẫn đến việc khi VN Index chạm ngưỡng 1.000 điểm, có người hồ hởi, nhưng cũng có NĐT tập trung cho những mục tiêu khác. Hệ quả là dòng tiền bớt nóng, không dồn dập để đẩy VN Index vượt ngưỡng 1.000 điểm. Cũng từ đây, có thể dẫn đến xu hướng “short” HĐTL để đón đầu từ chuyện VN Index và VN30 Index quay đầu giảm trở lại. Dòng tiền từ chứng khoán cơ sở lại chảy sang phái sinh.

Tuy nhiên, với việc phái sinh có tỷ lệ đòn bẩy cao, chỉ cần các chỉ số giảm khoảng 2 - 3% đủ để đem lại lợi nhuận thực 8 - 10% (do sử dụng đòn bẩy) thì lập tức những người đã short chuyển sang “long” (mở vị thế mua). Lúc này, dòng tiền có thể quay trở lại chứng khoán cơ sở để mua vào CP, đón đầu xu hướng tăng trở lại. Hệ quả có thể thấy rất rõ là VN Index vài tháng qua thường biến động trong phạm vi hẹp với biên độ dao động 15 - 20 điểm là tối đa.

Cũng chính vì vậy, TT dường như đang ở trạng thái rất cân bằng. Cơ hội thực tế không dồn về cho một kênh nào mà sẽ chia đều, luân chuyển thông qua nhiều kênh. Mấu chốt ở đây là NĐT sẽ sử dụng công cụ nào cho phù hợp từng thời điểm của TT để kiếm lời.