Còn nghi ngờ, còn tăng

Khi VN Index hướng đến ngưỡng lịch sử 1.200 điểm, cũng là lúc câu hỏi “chứng khoán còn tăng đến khi nào?” xuất hiện ngày một nhiều.

Sức mạnh dòng tiền

Quy luật “còn nghi ngờ, còn tăng” vốn phổ biến trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhưng để dự báo những kịch bản của VN Index lần này, các nhà đầu tư (NĐT) cần phải quan tâm những biến số và hai trong số đó chính là Covid-19 và nhóm NĐT mới (thường được gọi là F0). 

Có một thực tế rất rõ ràng là nhóm F0 đang ở thế chủ động của “cuộc chơi” hiện nay khi xét về dòng tiền thì nhóm này “lấn lướt” cả NĐT nước ngoài lẫn nhóm NĐT kỳ cựu. Điều này có thể được lượng hóa bằng thống kê từ năm 2018 trở về trước, khi thị trường sôi động thường thanh khoản ở mức 5.000 tỷ đồng/phiên, còn hiện nay lên đến khoảng 15.000 tỷ đồng/phiên, nghĩa là dòng tiền mới gia nhập đã tăng tính bằng “lần” so thanh khoản thường xuyên của TT cách đây chưa lâu.

Sức mạnh dòng tiền cũng là chỉ báo quan trọng không kém diễn biến của VN Index. Dòng tiền lớn nghĩa là nền tảng TT vững vàng, những biến động ngắn hạn sẽ không thể bẻ quặt xu hướng dài hạn được. Nói đến đây sẽ thấy rằng mấu chốt quan trọng nhất của thị trường chính là dòng tiền vẫn được duy trì và gia tăng. Như vậy, xu hướng chung của TTCK vẫn là tích cực, nên không phải vô cớ một số CTCK đã đưa ra những dự báo về VN Index tăng khá “sốc” trong năm 2021.

Hồi đầu năm 2020, Bộ phận phân tích của Công ty CK BIDV (BSC) đã đưa ra nhận định có thể khiến một số người “cười mỉm”, đó là VN Index có vùng trọng tâm 1.100 điểm. Cho đến giữa năm thì không ai có thể tin rằng nhận định này có thể trở thành hiện thực, nhưng kết quả cuối năm lại cho thấy BSC đã đúng.

Lường trước điều “không ngờ”

Covid-19 và NĐT F0 chính là những điều không ngờ của TTCK năm 2020 với những tác động sâu rộng. Nếu như Covid-19 gây nên sự suy thoái và những thay đổi đan xen thì NĐT F0 lại khiến cho dòng tiền của TT mạnh lên bất ngờ.

Nếu những ai đã từng tham gia TTCK giai đoạn 2006 - 2007 thì giờ đây nhìn lại cách thức giao dịch, suy nghĩ của nhóm NĐT F0 sẽ ít nhiều thấy lại chính bản thân mình. Nhưng NĐT F0 hiện nay cũng khác NĐT F0 của 10 - 15 năm trước khi mức độ nhạy bén trong việc tiếp cận, xử lý thông tin đã khác hẳn và bối cảnh TT hiện nay cũng đã ở tầm vóc lớn hơn rất nhiều. Đơn cử như việc 15 năm trước, để tiếp cận công cụ phân tích kỹ thuật là vô cùng khó khăn thì hiện nay, thậm chí NĐT có thể thuê cả phần mềm để giao dịch.

Những yếu tố nêu trên sẽ tạo ra những biến động ngắn hạn rất khó đoán định. Trong khoảng ba tháng qua đã có rất nhiều NĐT kỳ cựu, kể cả NĐT lớn bị “mất hàng”, bán quá sớm để rồi phải mua lại với giá cao hơn. Nhóm NĐT F0 có thể kém về thâm niên tham gia TT, nhưng cũng có “sức mạnh” và vị thế không kém nhóm kỳ cựu. Đối với yếu tố Covid-19, riêng tại Việt Nam, câu chuyện sẽ xoay quanh việc kinh tế phục hồi như thế nào và những ngành nghề sẽ được hưởng lợi và đây sẽ là câu chuyện dài cho đến khi nào vaccine được phổ biến và thế giới đẩy lùi được dịch bệnh.

Nói tóm lại, TT vẫn sẽ còn tăng trong trung và dài hạn nhờ những yếu tố nền tảng tích cực của kinh tế Việt Nam, nhưng trong ngắn hạn, sự phân hóa, chọn lọc sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.