Cổ phiếu chờ chính sách

Kết thúc nửa đầu năm 2019, báo cáo tài chính của Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, mã cổ phiếu (CP) LAS, ghi nhận, doanh thu thuần đạt 1.530 tỷ đồng, giảm 17,3% so cùng kỳ 2018; lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 16,5 tỷ đồng, giảm 82,1% - cũng là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo LAS, kết quả kinh doanh đi xuống là do thị trường (TT) phân bón trong nước bão hòa, trong khi áp lực cạnh tranh với phân bón nhập khẩu gia tăng, khiến việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Sản lượng tiêu thụ giảm khiến tồn kho tăng cao, nên LAS phải giãn nợ, lùi thời gian thanh toán cho khách hàng, dẫn đến tăng khoản phải thu và phải tăng vay nợ để bổ sung vốn lưu động.

Tính đến cuối quý II-2019, vay nợ ngắn và dài hạn đạt 1.196 tỷ đồng, tăng 18,2% so đầu năm và chiếm 38,3% nguồn vốn. Kết quả, lãi vay trong nửa đầu năm 2019 tăng 77,6% so cùng kỳ 2018. Trong bối cảnh TT còn nhiều khó khăn, cộng với kết quả khiêm tốn trong nửa đầu năm, khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2019 của LAS tiếp tục bị đặt dấu hỏi, bởi năm 2018, LAS cũng đã không đạt mục tiêu đề ra.

Tương tự, Công ty CP Phân bón Bình Ðiền (BFC) cũng trải qua nửa đầu năm 2019 không mấy khả quan với doanh thu giảm 9,7% và LNTT giảm 86% so cùng kỳ 2018. Với kết quả này, BFC mới hoàn thành 8,5% kế hoạch lợi nhuận năm (290 tỷ đồng).

Trong nhóm doanh nghiệp (DN) này, doanh thu của Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) có phần khả quan hơn khi tăng 5,9% so cùng kỳ 2018, đồng thời chi phí tài chính giảm 54% nhờ thanh toán trước hạn 50 triệu USD khoản vay dài hạn. Nhưng do tốc độ tăng giá vốn nhanh hơn tốc độ tăng doanh thu (đạt 19,71%) nên LNTT giảm 25,6% xuống 325,1 tỷ đồng.

Với Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (DPM), ngoài yếu tố TT, trong nửa đầu năm nay, DPM đã phải dừng sản xuất để bảo dưỡng định kỳ trong hơn hai tháng, đến đầu tháng 5-2019 mới hoạt động trở lại… dẫn đến doanh thu giảm 26,7% và lãi ròng hợp nhất giảm 78,1%, chỉ đạt… 102 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh gặp khó khăn đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị giá của nhiều CP ngành phân bón trên TT chứng khoán. Ðơn cử, từ đầu năm đến nay, thị giá LAS đã giảm hơn 30%, vốn hóa TT cũng đã “bốc hơi” gần 50%. Tương tự, vốn hóa của BFC giảm hơn 40%, còn DPM giảm 30%, DCM giảm 20%...

Theo giới chuyên gia, CP ngành phân bón đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng đó là trong ngắn hạn, còn về dài hạn, nhóm CP này vẫn được đánh giá có nét hấp dẫn riêng. Trong bối cảnh triển vọng kinh doanh chưa sáng, các DN phân bón đang chờ đợi sự thay đổi về chính sách để có thể giảm bớt khó khăn, nhất là câu chuyện sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Việc sửa đổi Luật Thuế GTGT được kỳ vọng sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp cuối năm nay để có thể sớm hỗ trợ, tạo sức cạnh tranh cho các DN phân bón trong nước. Và thực tế, giá CP của các DN ngành này đang ngóng cú huých đủ lớn về chính sách.