Cơ hội và rủi ro

Hiện, có tới 54 doanh nghiệp (DN) niêm yết dự kiến phát hành thêm 4,2 tỷ cổ phiếu (CP) để huy động gần 44.700 tỷ đồng. Đây là cơ hội, song nhà đầu tư (NĐT) cũng cần cẩn trọng khi đầu tư vào cổ phiếu (CP) phát hành thêm.

Khi thị trường chứng khoán (TTCK) ở giai đoạn mới thành lập, cứ DN công bố phát hành thêm CP là NĐT lại hồ hởi tham gia, bởi đây luôn là cơ hội hiếm để gia tăng lợi nhuận. Điều này tạo điều kiện rất tốt để DN phát hành thành công.

Nhưng sau này, TTCK vào giai đoạn thăng trầm, việc tăng vốn không còn dễ dàng như trước, mà có sự phân hóa rõ rệt. Có nhiều DN phát hành thành công, nhưng cũng có không ít DN không thể huy động vốn, một phần nguyên nhân nằm ở tính minh bạch trong sử dụng vốn sau khi phát hành. Lịch sử TTCK đã ghi nhận những vết đen trong việc tăng vốn, mà cổ đông (CĐ) bên ngoài là những người chịu mất mát lớn. Bởi dòng tiền từ phát hành CP khi chảy về DN đã không được sử dụng đúng mục đích ban đầu, rồi dần hao hụt, teo tóp. Trong đó, có những cái tên tai tiếng như: KSA, FIR, FTM, VHG...

Năm 2021, TTCK được nhận định vẫn diễn biến tích cực và nhiều DN đang tận dụng cơ hội này để triển khai kế hoạch phát hành CP. Đây là thời điểm rất thích hợp để các DN tăng vốn, bởi TTCK đang ở đỉnh cao nhất trong lịch sử, số lượng NĐT tham gia đông đảo, đặc biệt quy mô giao dịch chưa bao giờ lớn như vậy. Tính sơ bộ đến thời điểm này, đã có đến 54 DN xin tăng vốn và chắc chắn con số này chưa dừng lại, bởi mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) mới đang bắt đầu.

NĐT có lẽ cần chuẩn bị tâm thế mới với chính những CP mình đang sở hữu, nếu như DN xin ý kiến tăng vốn trong kỳ ĐHCĐ này, đặc biệt là những NĐT mới tham gia TT.

Thực tế, DN có nhiều cách để tăng vốn, trong đó có ba cách chính: phát hành cho CĐ hiện hữu, phát hành riêng lẻ và phát hành trái phiếu chuyển đổi. Với cách thứ nhất, tất cả NĐT đều bình đẳng như nhau, họ sẽ nhận được quyền mua vào ngày giao dịch không hưởng quyền.

Tuy nhiên, NĐT cần đặc biệt lưu tâm khi DN phát hành CP cho CĐ hiện hữu. Trước khi có quyết định này, DN sẽ xin ý kiến tại ĐHCĐ và ủy quyền cho lãnh đạo lựa chọn thời điểm phát hành để bảo đảm khả năng thành công và có lợi nhất cho DN.

Với cách tăng vốn này, NĐT cần phải nghiên cứu kỹ hồ sơ phát hành với tất cả các thông tin trong bản cáo bạch. Cần phải tìm hiểu DN huy động vốn làm gì, phân bổ nguồn vốn đó ra sao, tại sao lại phân bổ như vậy?

Trên TT, từng có những “cá mập” đi mua lại một DN “xác sống”, sau đó “thổi” thông tin về dự án đang được triển khai, kèm theo là kế hoạch phát hành CP tăng vốn rất lớn. Để rồi, sau khi tăng vốn, DN dần teo tóp, thậm chí biến mất như trường hợp: CDO, DHM, DST, HKB...

Mặt khác, NĐT cũng cần đánh giá kỹ càng với những lần DN tăng vốn trước đó (nếu có), hoặc quan tâm hơn về việc sử dụng vốn trong quá khứ. Thông thường, DN minh bạch sẽ có giải đáp thỏa đáng với những chất vấn của CĐ, thay vì né tránh, vòng vo. Tuy nhiên, có không ít DN yếu kém vẫn thành công khi phát hành thêm CP. Đó là bởi nhiều NĐT nhỏ lẻ chỉ tính toán hơn thiệt trong ngắn hạn. Hãy nhìn lại bài học từ các đợt tăng vốn của VHG, DHM, DST… sẽ thấy.

Rất nhiều đợt tăng vốn đình đám đã trở thành bài học đắt giá, nhưng không ít NĐT, ngay cả NĐT “gạo cội” vẫn mắc phải sai lầm. Đơn giản chỉ là do họ quá tự tin rằng mình không dễ bị lừa, vì có quá đủ kinh nghiệm.