Chuyện lạ mà quen

Việc một số doanh nghiệp (DN) niêm yết thuần túy chỉ lo sản xuất, kinh doanh bỗng nhiên có hoạt động đầu tư chứng khoán (CK), được phản ánh trên báo cáo tài chính quý III - 2020 đã khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT), nhất là những người có thâm niên phải suy nghĩ. 

Cũng “lướt” như ai

Đầu quý III năm nay, giá trị đầu tư chứng khoán của Vĩnh Hoàn (VHC), một DN chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra hàng đầu, được nhiều quỹ đầu tư yêu thích, rơi vào khoảng 193 tỷ đồng. Danh mục của VHC tại thời điểm này có những cổ phiếu (CP) “hot” thuộc các nhóm đầu ngành thép, công nghệ hay bán lẻ như: HPG, FPT, MWG… Đến cuối quý III - 2020, giá trị danh mục của VHC giảm xuống 118 tỷ đồng và theo chi tiết trong báo cáo tài chính của DN này thì MWG đã được chốt lãi, bổ sung thêm một CP đầu ngành sữa là VNM. 

Theo báo cáo tài chính của SBT cho khoảng thời gian từ ngày 1-7 đến 30-9-2020 thì giá trị CK kinh doanh của đơn vị này đạt gần 416 tỷ đồng và có sự cơ cấu danh mục đầu tư như bán bớt VCI, tăng mua VNM và SAB. Đối với những NĐT mới gia nhập thị trường (TT) vài năm thì đây rõ ràng là động thái “lạ” khi lần đầu tiên được chứng kiến một số DN “lướt” CP. Nhìn ở góc độ hiệu quả thì nếu DN có vốn trong khi TTCK có diễn biến thuận lợi thì tại sao lại không “tranh thủ” xoay vòng để tìm kiếm hiệu quả, nhất là trong một năm 2020 có nhiều biến động và rủi ro. 

Gợi nhớ một thời

Tuy nhiên, với những ai có thâm niên trên chục năm tham gia TTCK, nhất là đã trải qua giai đoạn từ 2006 - 2008, hẳn sẽ “nhíu mày” trước hoạt động đầu tư CK của DN. Cần nhắc lại là trong giai đoạn bùng nổ của TTCK năm 2006, hiện tượng DN sản xuất nhưng rót thêm tiền cho đầu tư CK cũng xuất hiện, ban đầu cũng lãi lớn, rồi rất lớn, sau đó chuyển qua lỗ nặng vào năm 2008. Từ một DN thận trọng như REE, cho đến một DN lão luyện như SAM đều lỗ, thậm chí sự sa đà này còn khiến cho SAM mất dần vị thế trên sàn. 

Trở lại câu chuyện đầu tư của các DN trên sàn hiện nay, có thể tình thế đã khác xưa. Theo đó, những bài học kinh nghiệm của hơn một thập kỷ trước đã được đúc rút và có thể những sai lầm cũng sẽ được hạn chế thấp nhất. Nhưng có một điều chắc chắn, không bao giờ DN có thể dự báo được đó chính là diễn biến của TT. Trừ việc… không đầu tư, còn khi đầu tư chắc chắn sẽ có rủi ro. Vả lại, khi đầu tư CK, nếu thuận lợi sẽ tạo ra một khoản thu nhập, vậy thì khi DN ngưng đầu tư thì việc bù đắp một khoản khác cũng sẽ là thách thức. Chưa kể đến một vấn đề là tính chất nhất quán trong chiến lược hoạt động. 

Đầu tư tài chính, dù ít hay nhiều cũng sẽ đòi hỏi một sự tập trung để phát huy hiệu quả, liệu điều này có ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh cốt lõi, các hoạt động truyền thống của DN?