Chờ thời

Trong nhiều năm qua, việc một công ty chứng khoán (CTCK) đổi chủ rồi đổi tên đã quá quen thuộc, nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng: rất ít đơn vị có thể “đổi vận”.

Ba chìm bảy nổi

Giai đoạn 2009 - 2011, dân chứng khoán bỗng chú ý đến cái tên CTCK Mê Kông với một loạt hoạt động rầm rộ, đáng chú ý nhất chính là việc đầu tư khá mạnh tay vào đội ngũ nghiên cứu phân tích. 

Năm 2010, CTCK này thậm chí còn nhận được giải thưởng “Nhóm phân tích xuất sắc nhất Việt Nam” do một hãng tin tài chính nước ngoài bình chọn. Nhưng cũng từ giai đoạn này, thị trường biến động mạnh, phân hóa và bước vào một đợt tái cấu trúc, sàng lọc toàn diện và CTCK Mê Kông bắt đầu… đuối. Cuối năm 2017, CTCK Mê Kông đổi tên thành Chứng khoán HFT, một cái tên vô cùng lạ lẫm, nhà đầu tư (NĐT) không quan tâm, công chúng cũng không biết. 

Đến cuối tháng 5-2019, HFT một lần nữa đổi chủ sau khi được Hanwha Investment & Securities Co., Ltd (Hàn Quốc) mua lại và nắm giữ hơn 90% cổ phần, rồi có tên mới là PineTree. Điều này thật ra không bất ngờ vì nằm trong làn sóng vốn đầu tư gián tiếp (FII) của xứ sở kim chi đổ vào Việt Nam qua kênh thị trường chứng khoán (TTCK). Đã có những CTCK vốn từ Hàn Quốc thành công như KIS Việt Nam và thời gian gần đây ghi nhận sự nổi lên Chứng khoán Mirae Asset. Nhưng có một điều chắc chắn là may mắn và thành công không dành cho số đông. Sau hơn một năm đổi chủ, Chứng khoán PineTree vẫn thuộc nhóm CTCK “lạ”, để NĐT biết được tên đã khó chứ chưa nói đến việc có thị phần. 

Hướng đi nào?

Vấn đề đặt ra là nhiều người có thể nhìn ra những kết cục không trọn vẹn cho một số hoạt động chuyển nhượng CTCK, nhưng tại sao những chủ sở hữu vẫn thực hiện? 

Đầu tư tất nhiên phải có rủi ro và việc tham gia ngành chứng khoán vốn ngày một phân hóa, đòi hỏi đẳng cấp, vị thế, tên tuổi, nếu không đạt được thì thất bại cũng là điều dễ hiểu. Nhưng điều cần nhấn mạnh ở đây là “con đường sống” của CTCK vẫn có, dù rất khắc nghiệt. Nhìn lại một thương vụ chuyển nhượng CTCK được thực hiện gần đây có liên quan đến cựu CEO của một CTCK thuộc top 10. Những người trong ngành chứng khoán nhận định, có thể vị CEO này sẽ ứng dụng những thế mạnh của mình trong việc ứng dụng công nghệ để triển khai giao dịch về cho CTCK mới.

Thực tế hiện nay có nhiều “mảng miếng” so với cách đây một thập kỷ để CTCK “lấy tiếng” hoặc có “miếng ăn”. Thị trường của hợp đồng tương lai hoặc chứng quyền, tức những sản phẩm mới đã đưa cuộc cạnh tranh giữa các CTCK kỳ cựu và mới nổi vào thế ngang bằng hơn, từ đó tạo ra nhiều “ngôi sao” mới hơn. Hơn nữa, lợi thế về mặt công nghệ cũng ít nhiều giúp các CTCK mới tạo ra lợi thế trong việc thu hút khách hàng. Chẳng hạn, với nhóm khách hàng mới tham gia thị trường, trẻ tuổi, chỉ cần CTCK chứng tỏ uy tín, chuyên nghiệp, có phần mềm giao dịch hiện đại, bắt mắt và “bắt trend” được sở thích thì có thể chinh phục thành công. 

Các CTCK cũng có thể nhìn vào trường hợp của Mirae Asset để lấy động lực khi CTCK này dù xuất hiện khá sớm tại Việt Nam, nhưng lại im lặng một thời gian dài rồi bỗng nhiên tích cực trở lại trong khoảng vài năm gần đây.

Nghĩa là nếu có CTCK nào đó xây dựng được thương hiệu, hệ thống tốt, có uy tín thì việc “chờ thời” để “phất” về dài hạn cũng là điều đáng để chờ đợi và đầu tư.