Chỉ báo “full margin”

Trong ngắn hạn, cung - cầu trên thị trường (TT) chứng khoán thường quyết định biến động của giá cổ phiếu (CP). Vậy nên việc quan sát dòng tiền cho vay ký quỹ (margin) đối với CP sẽ giúp nhà đầu tư (NĐT) tránh được rủi ro cũng như xác định cơ hội cho bản thân.

Cùng với nhóm dầu khí, CP ngành dệt - may hiện là những món hàng “hot” trên TT với những cái tên tiêu biểu: TCM, STK, MSH… Tuy nhiên, trong những ngày qua thì TCM có phần đuối sức, còn STK và MSH lại tăng khá “bốc”. Một trong những nguyên nhân khiến đà tăng của TCM bị chững lại là bởi CP này có thanh khoản lớn, nhưng lại tăng giá mạnh trong một thời gian dài.

Thông thường, để CP tăng mạnh sẽ phải có dòng tiền margin. Thanh khoản của TCM lại lên đến hàng triệu CP mỗi phiên nên cũng đòi hỏi dòng tiền cực lớn. Dòng tiền này không chỉ đến từ một vài mà sẽ từ nhiều công ty chứng khoán (CTCK) khác nhau. Hiện tại, CTCK phải tuân thủ những quy định, ràng buộc liên quan cho vay margin nên dòng tiền này sẽ là hữu hạn, tức là CTCK sẽ chỉ cho vay margin một CP nào đó cho đến khi chạm ngưỡng (còn gọi là full magargin) là phải dừng lại, đồng nghĩa với đà tăng thường rất khó tiếp tục.

Diễn biến của những CP ở trạng thái “full margin” thường có chung một kịch bản. Khi không còn được margin tiếp sức, ít nhất CP sẽ có khoảng 2-3 phiên đi ngang, lúc này tâm lý những người mua giá cao, sử dụng margin bắt đầu bồn chồn và chỉ cần thêm 1-2 phiên không tăng nữa, lực bán ra sẽ xuất hiện. Dù vậy, giá CP lúc này chưa giảm mạnh, chỉ tối đa khoảng 5%, vì sau khi NĐT bán ra, CTCK sẽ thu về dòng tiền margin để cho khách hàng khác vay tiếp và mua vào, giá CP có thể tăng nhẹ trở lại, nhưng vì lượng margin cũng chỉ có hạn, nên CP cũng chỉ tăng tối đa 5% rồi dừng. Khoảng thời gian này có thể kéo dài trong khoảng 10-15 phiên, sau đó nếu thấy giá CP không tăng, số lượng NĐT bán ra trong “vòng 2” này nhiều khả năng sẽ tăng và đẩy giá CP giảm khoảng 10%. Dòng tiền margin của CTCK thu về nhiều hơn, nhưng NĐT bắt đầu e ngại trong việc sử dụng, vì thấy giá giảm mạnh, trong khi cửa tăng trở lại không dễ.

Lúc này, dòng tiền margin dành cho CP bắt đầu giảm xuống và giá CP lại đi ngang nhưng vẫn theo xu hướng tiếp tục giảm. Mọi chuyện chỉ có thể thay đổi nếu xuất hiện lực đẩy (catalyst) cho CP như thông tin về hoạt động kinh doanh, hoặc một tổ chức nào đó quyết định mua khối lượng lớn. Còn không, việc CP có thể điều chỉnh tầm 10-20% sau khi đã “full margin” là chuyện bình thường.

Vậy NĐT sẽ làm cách nào để nhận biết CP đã ở trạng thái “full margin”?

Chưa một CTCK nào công bố chính thức về điều này vì quy định không bắt buộc, nên muốn biết, NĐT phải hỏi hoặc tự kiểm chứng. Cách đơn giản nhất chính là thử giao dịch xem tổng giá trị mua có còn vượt qua được số vốn thực có hay không.

Các NĐT cũng có thể mở nhiều tài khoản tại nhiều CTCK hoặc thiết lập mối quan hệ rộng rãi với các môi giới để có thể tham khảo thông tin. Việc này có vẻ phức tạp, nhưng nếu không làm thì nguy cơ mua CP ở trạng thái “full margin”, lúc giá đỉnh để rồi phải cắt lỗ, hoặc lỡ mất cơ hội còn “mệt” hơn nữa.