Chạy theo sóng nhóm, ngành

Thời gian vừa qua, thị trường (TT) đã chứng kiến một số nhóm, ngành tạo sóng, như nhóm vật liệu xây dựng (VLXD), nhưng theo các chuyên gia, không phải doanh nghiệp (DN) nào trong ngành cũng tốt.

Chỉ số VN Index đang chạm vùng cản mạnh tại ngưỡng 856 điểm. Đúng như dự báo tuần trước, TT đang có phần giao dịch giằng co tại đây để quan sát thêm về tình hình dịch bệnh. TT đã có sự phân phối đỉnh sau khi có đợt phục hồi đáng kể hơn 70 điểm kể từ vùng đáy 780.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) nhận định, dù có vài phiên rung lắc, nhưng TT vẫn duy trì giao dịch ổn định ở mức khá, cho thấy dòng tiền vẫn ở lại TT. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhưng nhiều DN vẫn có mức tăng trưởng tốt tạo sự kỳ vọng cho nhà đầu tư (NĐT). Các yếu tố kỹ thuật cho thấy khi càng gần vùng đỉnh cũ 860 - 880 điểm thì áp lực bán càng mạnh hơn. TT tuần này sẽ tiếp tục phân hóa mạnh khi hầu hết các DN đã công bố báo cáo quý II, vì vậy NĐT sẽ hướng trọng tâm vào nhóm cổ phiếu (CP) có câu chuyện riêng như tăng vốn, chia cổ tức hay các hoạt động mua bán, sáp nhập, thoái vốn. Việc rung lắc điều chỉnh sẽ tạo cơ hội nhiều hơn cho NĐT để tích lũy CP.

Khi các dòng CP blue chip trụ chính đi ngang thì các nhóm CP tầm trung và penny sẽ thay phiên nhau tạo sóng điều tiết TT. Những đợt sóng ngành ngắn như nhóm bất động sản khu công nghiệp, VLXD, bán lẻ… tạo sự hưng phấn cho NĐT giúp xoay vòng vốn chứng khoán nhanh hơn thay vì đầu tư trung và dài hạn. Các nhóm VLXD trên sàn hiện nay khá đa dạng với nhiều DN đầu ngành lớn như dạng VCG, HPG, HSG…, nhưng cũng có nhiều DN tầm trung và nhỏ. Hoạt động kinh doanh rất đa dạng mà đợt dịch Covid-19 kéo dài cũng ảnh hưởng rất nghiêm trọng những DN nhỏ có vốn thấp nhưng nợ vay cao, nên rất khó khăn xoay vòng vốn.

Có những phiên chỉ vì một thông tin tốt nào đó về ngành xuất hiện thì đồng loạt tất cả CP thuộc nhóm ngành đó tăng mạnh. Việc đua theo mua giá cao ở những CP chất lượng kém nhưng ăn theo ngành sẽ khá nguy hiểm, vì sự tăng trưởng chỉ kéo dài vài phiên. Cách hiệu quả nhất là trong một nhóm ngành chỉ nên chọn từ 3 - 5 CP tốt nhất để theo dõi và chờ cơ hội mua khi giá điều chỉnh sẽ an toàn hơn là mua theo xu hướng.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, nhóm CP ngành ngân hàng hiện tại vẫn chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất và cũng là nhóm ngành có tầm ảnh hưởng hàng đầu trong điều hành vĩ mô, vì vậy NĐT luôn có sự quan tâm đặc biệt hơn hẳn các nhóm ngành khác. Dịch Covid-19 rõ ràng đã tác động rất lớn đến ngành này và làm chậm lại đà tăng trưởng của hầu hết các ngân hàng trong năm nay. 

Với các nhóm, ngành khác, những thông tin tích cực về vaccine đang tạo một sự hưng phấn nhất định lên TT và có thể tạo một đợt hồi phục ngắn trong thời gian tới. Ở vùng giá hiện tại, nếu so sánh với hoạt động DN năm nay cho thấy định giá nhiều CP hiện tại không hẳn là hấp dẫn do chất lượng tài sản suy giảm và lợi nhuận cũng khó đạt kế hoạch đề ra. TT sẽ có thêm vài nhịp rung lắc để tạo một mặt bằng giá hấp dẫn hơn cho năm sau. 

Nói vậy không có nghĩa TT đang đi vào xu hướng đi xuống (downtrend), mà là đang rất gần điểm hồi phục và tăng trưởng trở lại. Việt Nam vẫn đang là điểm sáng kinh tế toàn cầu trong năm nay nhờ khả năng chống dịch hiệu quả và là điểm đến chuyển dịch đầu tư của nhiều tập đoàn kinh tế lớn. Vì vậy, việc đầu tư CP đón đầu trong thời điểm hiện tại là thích hợp nhất so các kênh đầu tư khác.