Chất lượng của thị phần

Thị phần môi giới luôn được coi là thước đo quan trọng để đánh giá thương hiệu, vị thế và cả hiệu quả hoạt động của công ty chứng khoán (CTCK) và thường tỷ lệ thuận với nhau. Song trên thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. 

Những người làm trong ngành CK vẫn thường nói với nhau về trường hợp của một CTCK có thị phần lớn với sự dè dặt. CTCK này đã “bằng mọi giá”, trong đó có cả việc hạ phí về mức rất thấp, dẫn đến lợi nhuận thấp, chỉ để chiếm bằng được thị phần. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, đây là chiến lược của CTCK hàng đầu nói trên mà khi đã tham gia cuộc chơi thì “người chơi” phải chấp nhận thay vì kêu ca hay dè bỉu đối thủ. Và câu chuyện này cũng gợi mở về những biến thể mới trong cuộc chiến thị phần thời gian tới. 

Từ lâu nay, việc CTCK không “kiếm tiền” từ thu phí giao dịch đã trở nên phổ biến, thay vào đó CTCK tìm kiếm lợi nhuận từ việc cho khách hàng vay ký quỹ (margin) để giao dịch. Như vậy thị phần cao, đồng nghĩa khả năng CTCK có thể cho vay nhiều hơn và có lãi lớn hơn. Tuy nhiên, theo thời gian lãi suất margin cũng theo chiều hướng giảm dần, thay vì “vắt” ở ngưỡng 14 - 15%/năm như những năm trước thì giờ lùi về khoảng 10%/năm.

Như vậy, nguồn lãi cho vay margin cũng khó có cơ hội tạo ra những yếu tố đột biến như những năm trước, lúc này tất nhiên sẽ cần những giải pháp mới. 

Hiện tại, mặt trận mới được một số CTCK nhắm đến là tư vấn, bảo lãnh phát hành với những cuộc đấu gay gắt hơn. Các thương vụ bảo lãnh phát hành ngày một lớn hơn nên CTCK nào muốn thắng phải có một hồ sơ năng lực đủ lớn mạnh và toàn diện. 

Đơn cử trường hợp của CTCK trực thuộc một tập đoàn tài chính lớn vốn có thế mạnh trong mảng tư vấn, bảo lãnh phải tính bằng thập kỷ, nhưng giờ đã lép vế trước những “thế lực mới” khi cạnh tranh trong các thương vụ tính bằng nghìn tỷ đồng trở lên. Một trong những nguyên nhân khiến CTCK này sa sút chính là thị phần nhiều năm chỉ ở mức thường thường bậc trung, không có nhiều cải thiện. Trong khi đó, phía doanh nghiệp đặt hàng CTCK tư vấn bảo lãnh phát hành cũng cần phải có những tên tuổi mà nhiều người biết để vừa làm hài lòng cổ đông, vừa có cả những lợi ích về sau như mở thêm tài khoản cho nhân viên hay nhà đầu tư mới… 

Điều này dẫn đến việc những CTCK muốn cạnh tranh ở mảng tư vấn, bảo lãnh phát hành, một nghiệp vụ tưởng chừng như tách biệt hẳn với môi giới, cũng phải tìm cách để có thị phần với quy mô đủ hoành tráng để thu hút khách hàng. Và thậm chí, khi giành được một thương vụ lớn, dẫn đến sau thương vụ này có thêm nhiều tài khoản thì đôi khi CTCK cũng không thu được bao nhiêu phí hay margin vì nó nằm trong một “gói ưu đãi” khách hàng với mức phí rất thấp. 

Không phải vô cớ, giá trị giao dịch của thị trường CK những tháng qua rất lớn, nhưng mức độ phản ánh vào giá của cổ phiếu CTCK lại khá chậm chạp.

Nghĩa là những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm hiểu rằng, thanh khoản lớn, CTCK có lợi, nhưng lợi ích không nằm ở ngắn hạn từ việc thu phí hay lãi tăng để có câu chuyện tăng trưởng. Thị phần của CTCK giờ nằm trong một tổng thể rất phức tạp và để đánh giá chất lượng cần cái nhìn về cả một chiến lược, quá trình kinh doanh của CTCK.