Câu chuyện phục hồi

Phục hồi sau những biến cố đặc biệt như trong giai đoạn hiện nay đang là chủ đề “hot” nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK). Nhưng nếu muốn tìm kiếm được lợi nhuận từ câu chuyện phục hồi của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư (NĐT) cần có sự lựa chọn đúng đắn. 

Phải có tính thực tế, xác thực

Sẽ có nhiều DN phục hồi, nhưng không phải cổ phiếu (CP) nào cũng sẽ tăng mạnh, đó là điều chắc chắn, sự bùng nổ sẽ chỉ đến với những câu chuyện có tính khác biệt. Vậy đâu là mô tuýp phổ biến cho câu chuyện phục hồi và có thể tạo ra sức hút trên TTCK? 

Điều đầu tiên là phải có tính thực tế, xác thực chứ không phải bánh vẽ, TTCK hiện tại có dòng tiền dồi dào, nhưng không còn dễ dãi để có thể “chảy” vào bất kỳ CP nào, nhất là những CP có yếu tố bơm thổi. Đơn cử như nhóm CP nông nghiệp, trong đó có nhiều CP đã giảm về vùng giá thấp và chỉ mới phục hồi trong thời gian gần đây. 

Tuy nhiên, cũng chính trong nhóm nông nghiệp này, vẫn có những CP “hạng hai” không thể chinh phục được NĐT như tốp đầu như: HAI, TSC… dù trong lịch sử cũng đã có giai đoạn bùng nổ. Cũng phải nói thêm, nhóm CP nông nghiệp xưa nay vốn được xem là khá “lành” nên bây giờ NĐT cũng thích đặc tính này mà giải ngân, nếu có những yếu tố có thể tạo ra giá “ảo” thì sẽ khó có thể chinh phục được số đông. Hay một nhóm ngành khác mà sự phân hóa cũng rõ rệt chính là công nghệ, sự nổi trội nằm ở FPT, CMG… trong khi ITD, ELC lại không được ấn tượng như vậy.

Bền bỉ quan trọng

Ngoài tính thực tế, sự liên tục, bền bỉ của DN trong một chặng đường phục hồi cũng được đặc biệt chú ý. Nhiều người sẽ nghĩ đến các DN lớn, quy mô đầu ngành tất nhiên có lợi, thật ra đây mới chỉ là điều kiện cần. DN lớn, quy mô đầu ngành nhưng nếu xoay trở kém hoặc không có cách thức chuyển tải phù hợp thông tin đến với các NĐT, đặc biệt là NĐT tổ chức, sẽ có thể đánh mất lợi thế. 

Cũng cần nhắc lại rằng, một trong những yếu tố tạo nên giá trị của những DN nằm trong nhóm VN30, không chỉ ở quy mô về kinh doanh, vốn hóa mà còn là kỹ năng quan hệ nhà đầu tư (IR), quy trình về minh bạch thông tin… Nói cách khác, DN trong một giai đoạn phục hồi, chuyển hướng kinh doanh, ngoài chuyện tập trung cho chuyên môn, học cách thích nghi với trạng thái “bình thường mới” còn phải học cả việc truyền thông về hoạt động của mình. 

Trên chặng đường phục hồi, DN sẽ trải qua nhiều “pha” thay vì một chiều thẳng đứng, chẳng hạn như tại điểm đáy và bắt đầu cải thiện hoạt động, có kết quả tích cực hơn lúc khó khăn. Giai đoạn tiếp theo là sau khi chuyển hướng, hoặc phục hồi thì có thêm những thành quả, thách thức như thế nào. Và giai đoạn cuối chính là khi phục hồi và ở vị thế, hoạt động mới thì DN duy trì, thích nghi và xử lý những thách thức còn lại trước đây có ổn thỏa không? 

Đó còn chưa kể đến những thách thức trong giai đoạn này liên quan đến vốn, đến các yếu tố cạnh tranh, rủi ro tiềm ẩn và kế hoạch để dự phòng rủi ro. Sự bền bỉ trong việc phát ra thông điệp phục hồi là quan trọng, mà ở đây đôi khi DN vì quá tập trung cho kinh doanh, vận hành mà bỏ lỡ, thì điều đó cũng sẽ không tạo nên sự hấp dẫn cho CP và nếu xảy ra sẽ rất đáng tiếc.