Cái giá của sự minh bạch

Việc một số công ty chứng khoán (CTCK) công bố báo cáo tài chính quý III-2019 với những số liệu về việc nhận thế chấp cổ phiếu (CP) FTM để cho nhà đầu tư (NĐT) vay ký quỹ (margin) đồng nghĩa với khả năng các đơn vị này là “nạn nhân” của việc FTM giảm sàn 30 phiên liên tiếp.

Giả định thận trọng (thực tế thì không được như vậy), CTCK cho NĐT vay margin FTM với tỷ lệ 20%, nghĩa là NĐT bỏ ra tám đồng sẽ được vay thêm hai đồng để mua FTM. Nếu FTM giảm sàn 30 phiên, tương đương tỷ lệ gần 90% và CTCK không thể giải chấp thì mức độ thiệt hại như sau: NĐT mất trắng vốn, còn CTCK cũng thiệt hại phân nửa số tiền cho vay. Tính sơ sơ CTCK nhận thế chấp khoảng một triệu FTM với giá 20.000 đồng/CP, và cho vay 20%, như vậy với khoảng bốn tỷ đồng thì tài sản hiện cũng tạm bốc hơi khoảng hai tỷ đồng, nhưng cũng phải nhắc lại rằng, con số thực tế có thể cao hơn giả định thận trọng này.

Báo Thời Nay đã từng có những bài viết cảnh báo về ảnh hưởng nghiêm trọng của CTCK trong vụ việc FTM. Nhưng đáng ngạc nhiên là thiệt hại mới chỉ có thể lượng hóa ít ngày nhờ báo cáo tài chính quý III-2019, dù rằng FTM đã lao dốc từ hai tháng trước. Còn nhớ vào thời điểm đó, dân chứng khoán đã nói về một danh sách các CTCK nạn nhân của FTM, nhưng danh sách này chỉ có tính chất tham khảo nội bộ chứ không phải chính thức. Thiệt hại liên quan cả kinh tế cũng như vấn đề quản trị nhưng tuyệt nhiên không một CTCK nào công bố thông tin và sự im lặng này là không phù hợp trong xu hướng minh bạch thông tin những năm qua.

Cần ghi nhận nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong việc yêu cầu các CTCK phải chi tiết hóa các khoản mục trên báo cáo tài chính để dù muốn hay không thì CTCK cũng phải “bạch hóa” những thiệt hại liên quan FTM. Nhưng sớm hay muộn cũng phải công bố thì tại sao các CTCK không mạnh dạn công bố sớm hơn thay vì kéo dài đến thời điểm này và ngay cả những CTCK không thiệt hại gì cũng không nói gì để trấn an NĐT và cổ đông (CĐ)?

Lý do đầu tiên nằm ở việc các CTCK e ngại về một hiệu ứng dây chuyền từ FTM có thể lan sang chính mình, mà ở đây là giá CP của mình bị ảnh hưởng. Nhưng công bố sớm, lượng hóa được ảnh hưởng thì tác động đến giá CP cũng sẽ diễn ra trong thời gian rất ngắn. Cái được của CTCK chính là việc minh bạch, công bố thông tin kịp thời và nhanh chóng nhận sai về mình để sửa.

Lý do kế tiếp cũng do… e ngại, các CTCK không “dính” FTM thì lại lo có khi về lâu dài mình cũng gặp rủi ro ở CP khác, nên hiện tại không dám “nói hay, nói tốt” về mình để sau này đỡ bị chê cười. Nhưng cũng cần rạch ròi việc này là nếu CTCK mạnh dạn công bố không bị ảnh hưởng bởi FTM thì cũng sẽ buộc các CTCK này phải duy trì, phát huy sự chặt chẽ trong hoạt động về sau.

Như vậy, ngoài những quy định của UBCKNN, chính các NĐT, CĐ của CTCK phải có trách nhiệm trong việc tạo ra áp lực, buộc CTCK phải công bố thông tin, giải trình khi cần thiết. Dường như nhiều NĐT vẫn thích nghe tin đồn, ước đoán hơn là thực thi quyền lợi của CĐ, NĐT nên thông tin về FTM giai đoạn đầu mới bị “tắc” và chỉ ở mức độ ước đoán như vậy.