Bi kịch

Giới đầu tư chứng khoán hay gọi những đại hội cổ đông (ĐHCĐ) có mâu thuẫn là có “kịch” hoặc “phim hay”. Nhưng tiếc thay, đây lại là bi kịch, hay những bộ phim buồn cho cả “đạo diễn”, “diễn viên” và khán giả.

Khi doanh nghiệp (DN) xảy ra mâu thuẫn giữa các CĐ, nhất là CĐ lớn, thì gần như hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ rất khó tăng trưởng, khá nhất là duy trì được sự ổn định, còn tệ hơn sẽ là sa sút, thậm chí tụt hậu nếu xung đột kéo dài. Cũng nên biết rằng, đã là CĐ lớn, mức độ tương tác lẫn nhau sẽ cao hơn, thường họ cũng sẽ có chân trong hội đồng quản trị (HĐQT) và tham gia họp hành thường xuyên. Vì vậy, khi để đến mức “lôi nhau” ra giữa ĐHCĐ, có cả CĐ nhỏ lẻ và giới truyền thông chứng kiến thì mâu thuẫn chắc chắn đã diễn ra từ rất lâu, và cũng rất khó để hàn gắn trong ngắn hạn. Đối với nhà đầu tư (NĐT) bên ngoài và CĐ nhỏ lẻ, tạm xem là khán giả của bi kịch này thì sự quan tâm có lẽ nằm ở việc nên hành động như thế nào đối với cổ phiếu (CP) của những DN xảy ra những chuyện đáng tiếc này.

Mặc dù gọi là bi kịch nhưng sẽ không có một mẫu số chung nào cho diễn biến giá CP mà phải xét đến từng tình huống, ở đây có thể liệt kê một số kịch bản quen thuộc: Thứ nhất, nếu mâu thuẫn bắt nguồn từ một hay nhóm CĐ lớn muốn gây ảnh hưởng, nhiều khả năng hành động sẽ phải là gom mua CP gia tăng tỷ lệ biểu quyết nên giá CP trong ngắn hạn có thể sẽ tăng, thậm chí tăng mạnh. Với kịch bản này, NĐT có thể thắng, cũng có thể thua trong ngắn hạn vì “cung - cầu” của CP lúc này không còn “thuận tự nhiên” nữa. Và cũng không ít lần, bên gom sau khi đã đủ số lượng CP để tăng quyền biểu quyết lúc đó sẽ thả trôi giá CP cho thị trường quyết định. Hệ quả là giá CP từ tăng chuyển sang đi ngang một thời gian rồi lại quay đầu giảm. Thứ hai, diễn biến ngược lại, nếu mâu thuẫn dẫn đến việc một CĐ lớn chán chường, muốn thoái vốn khỏi DN có thể bán ra rất mạnh dẫn đến giá CP giảm nhiều phiên liên tiếp nếu không có lực đỡ. Những ai chỉ đầu tư ngắn hạn nên sẵn sàng “chạy” từ đầu, bởi cho dù CP có bị bán quá mức về giá rẻ, thì bên mua cũng sẽ ép giá bên bán tới cùng, và trong ngắn hạn dù giá đã rẻ, vẫn có thể rẻ hơn nữa. Liệt kê hai kịch bản quen thuộc trên sẽ thấy thiệt thòi dành cho tất cả, cửa thắng với những CP dạng này vẫn có, nhưng cần đến may rủi chứ ít phụ thuộc những tính toán hợp lý.

Về dài hạn, để đánh giá khả năng hồi phục của DN sau biến cố, cần trả lời những câu hỏi sau: Vị thế của DN trong ngành như thế nào? Nếu DN vẫn đang sở hữu thương hiệu, thị phần vượt trội so các đối thủ khác thì sự ổn định nội bộ có thể diễn ra trong khoảng thời gian dưới hai năm, sau đó sẽ là tăng trưởng. Nhưng nếu DN không có lợi thế đặc biệt thì muôn trùng những rủi ro sẽ chờ đợi. Sau mâu thuẫn, nhóm CĐ nào sẽ thắng và cầm chịch DN? Cần xác định rõ lợi thế của nhóm CĐ cũng như năng lực để qua đó đánh giá khả năng lèo lái DN trong dài hạn. Trong trường hợp DN vẫn luôn tồn tại những mâu thuẫn, các CĐ lớn chỉ lo đấu đá thì DN sẽ rơi vào tình trạng “vô chủ”, mà khi đó thì giải pháp tốt nhất cho các NĐT là tiếp tục đứng ngoài quan sát.