Bắt sóng & phân bổ dòng tiền

Thị trường chứng khoán (TTCK) đã biến động mạnh từ những thông tin liên quan đến Covid-19 để từ đó tạo ra những cơ hội (và cả rủi ro) cho các nhà đầu tư (NĐT). Việc tận dụng cơ hội trong những giai đoạn này để tìm kiếm lợi nhuận là điều đáng để thử, nhưng cần thận trọng và sẵn sàng đối mặt rủi ro.

Nhóm cổ phiếu (CP) dược, y tế được cho là phù hợp để giải ngân trong bối cảnh dịch bệnh đã phát huy tác dụng. Những phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán, nhóm CP này đã có một số phiên đồng loạt tăng, thậm chí kịch trần. Những ai canh bắt đúng sóng T+3 có thể lãi hơn 10% trong những phiên này. Tuy nhiên, xét về lịch sử trong 10 phiên gần nhất, giá của CP này đã chững lại, thậm chí còn giảm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhóm này đang ở dạng phân phối, hoặc tích lũy.

Lý do cũng khá dễ hiểu, điểm tạo nên sự khác biệt cho CP dược phải đến từ những doanh nghiệp (DN) có thể sản xuất thuốc đặc trị, mà hiện chưa có đơn vị nào làm được. Một nhóm CP phân phối thiết bị, vật tư y tế cũng được cho là hưởng lợi, tuy nhiên còn phải phụ thuộc yếu tố đầu vào, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu thì rất lớn, nhưng để có thể mua được hàng hóa bán ra lại không đơn giản. Cho nên sắp tới đây, có thể nhóm CP dược và y tế vẫn xuất hiện sóng, nhưng sẽ mang tính chất riêng lẻ hơn là đồng loạt. NĐT muốn bắt sóng sẽ phải xem xét đặc điểm của DN, những câu chuyện có liên quan để tìm kiếm cơ hội hơn là giải ngân theo quán tính, mua đuổi giá cao sẽ cầm chắc thua lỗ.

Nhóm CP ngân hàng (NH) với những cái tên như CTG, tăng đến 40% hay SHB tăng đến 50% chỉ trong vài tháng qua rõ ràng là kênh trú ẩn tốt không kém gì ngành dược, y tế. Nhưng cũng nên biết rằng, khi sóng của CPNH được nhận diện thì cũng là lúc có sự phân hóa rõ nét. Xét tổng thể, hiện có nhiều CPNH có câu chuyện tích cực. Mỗi NH cũng cho thấy khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng và vai trò của mình trong việc hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2020. Tuy nhiên, đặc tính của nhóm CPNH nằm ở khối lượng CP lưu hành rất lớn, và khi sóng ngắn trở lại, tỷ suất sinh lời trong ngắn hạn chỉ quanh ngưỡng 5%, NĐT giải ngân không khéo sẽ chỉ tốn phí, thậm chí lỗ phí giao dịch. Chưa kể, giải ngân trật sóng có thể kéo theo những sai lầm sau đó.

Một số ngành khác cũng có thể tạo ra câu chuyện về sự phục hồi sau dịch bệnh nhưng NĐT cần biết rằng, lập luận của mỗi cá nhân sẽ không quan trọng bằng sự chuyển động của thị trường. Nghĩa là có thể câu chuyện của NĐT suy nghĩ là hợp lý, chẳng hạn như đón sóng từ CP du lịch, xuất nhập khẩu, vận tải… nếu dịch bệnh được khống chế, nhưng liệu thị trường có nghĩ như vậy hay không và dòng tiền sẵn sàng chưa.

Điều quan trọng nhất, chính là việc phân bổ dòng tiền từng phần để hạn chế rủi ro, và giả sử có thua lỗ cũng cần chấp nhận và tìm những cách thức để cắt lỗ, cũng như tìm kiếm cơ hội khác.