Bao nhiêu là đủ?

Nhiều nhà đầu tư (NĐT) dày dạn kinh nghiệm tiết lộ, trong danh mục của họ thường chỉ có hai - ba mã chứng khoán (MCK). Số lượng này phù hợp khả năng quản lý của mỗi người. Nhưng nếu nhìn rộng hơn sang bên NĐT tổ chức cũng sẽ thấy nhiều điểm thú vị.

Về nguyên tắc, các quỹ đầu tư thường không bao giờ có dưới 10 MCK trong danh mục. Thậm chí, có những quỹ còn quy định mỗi MCK không được vượt quá một tỷ trọng nhất định. Những quy tắc này bảo đảm đa dạng hóa cũng như kiểm soát rủi ro danh mục, nhưng trong thực tế thì sao? Thường 80% danh mục của quỹ rơi vào trạng thái “để dành” và chỉ 20% danh mục đóng vai trò sinh lời trong ngắn hạn. Có trường hợp như của một vài công ty quản lý quỹ trong nước, danh mục thậm chí chỉ tập trung vào một MCK (all-in). Đã có thời điểm, công ty này dốc túi vào một MCK ngành bán lẻ và thắng lớn, nhưng năm rồi cũng đã thua lỗ rất nặng vì đặt cược chỉ vào một MCK ngành tài chính - ngân hàng. Những quỹ đầu tư quy mô nhỏ, trung bình (dưới 10 triệu USD) trở xuống hay NĐT cá nhân cũng không khác nhau là mấy, khi khả năng quản lý chặt, nắm được đường đi của cổ phiếu (CP) đâu đó cũng chỉ hai - ba MCK mà thôi. Trong bối cảnh thị trường (TT) phân hóa, thì việc này lại càng trở nên khó khăn hơn.

Thoạt nhìn, nhiều người nghĩ rằng, do các quỹ có nhiều tiền hơn NĐT cá nhân nên mạnh dạn giữ dài, không sợ lỗ trong ngắn hạn. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Khác biệt còn nằm ở vấn đề thông tin. Các quỹ với vị thế của mình có thể khai thác thông tin từ doanh nghiệp (DN) hoặc từ công ty chứng khoán hay các nguồn khác. Từ đó, việc nắm giữ CP sẽ trở nên tự tin hơn. Trong ngắn hạn có thể giá CP bị chi phối bởi yếu tố TT, thậm chí rất gay gắt, nhưng về dài hạn thì sẽ phải tuân theo quy luật của đầu tư giá trị.

Trở lại với bối cảnh của TT phân hóa, sẽ có những MCK dù tăng giá nhưng đi theo một đường thẳng, hoặc ít điều chỉnh. Xu hướng vẫn là tăng theo từng đoạn, điều chỉnh rồi lại tăng tiếp, cứ như vậy mà tịnh tiến dần. NĐT có thể vào đúng sóng, ngay chân sóng tăng ngắn, nhưng cũng có thể vào trật, vấn đề là nếu CP tốt thì có thể giữ để chờ những sóng tiếp. Một loạt những CP có nền tảng cơ bản tốt như: FPT, VCB… vẫn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian qua, bất chấp xu hướng của TT chung là một minh chứng. Như trường hợp của BVH, trong ngắn hạn bị bán từ 90.000 đồng/CP xuống 70.000 đồng/CP giờ quay lại vùng giá 85.000 đồng/CP cho thấy nền tảng của DN sẽ quyết định giá CP trong trung và dài hạn.

Trong bối cảnh hiện nay, dù là cá nhân hay tổ chức thì xu hướng nắm một vài CP đang là chiến thuật phù hợp. NĐT biết rõ CP sẽ tăng được khả năng phòng thủ cho tài sản, kế tiếp việc chọn đúng CP có khả năng tăng trưởng trong dài hạn sẽ tạo ra những cơ hội sinh lời. Những điều này có thể bị bỏ qua khi TT thuận lợi, mua gì cũng thắng, nhưng trong bối cảnh phân hóa hiện nay, NĐT cần nhận thức rõ ràng hơn.