Bán ròng là chuyện nhỏ

Bất chấp việc giảm gần 5 điểm trong phiên cuối tuần qua, ngày 23-8, VN Index đã có một đợt tăng giá vô cùng ấn tượng. Điều đáng nói hơn cả là đà tăng diễn ra trong khi nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài vẫn liên tục bán ròng.

Từ phiên giao dịch ngày 14 đến phiên giao dịch ngày 22-8, VN Index đã có bảy phiên tăng liên tiếp để từ gần 969 điểm lên hơn 997 điểm. Lần gần nhất điều này xảy ra đã cách đây hơn ba tháng nhưng lần này ấn tượng hơn, bởi lẽ trong 20 phiên gần nhất đã có đến 15 phiên khối nước ngoài bán ròng, còn trong bảy phiên tăng liên tục gần đây khối nước ngoài chỉ mua ròng được hai phiên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường (TT) nhìn thì có vẻ “dính dáng” đến yếu tố nước ngoài nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược.

Trước tiên cần nói về “yếu tố ngoại” đã và đang ảnh hưởng đến TT Việt Nam như thế nào?

Về mặt định tính, lâu nay NĐT trong nước hay có thói quen buổi sáng ngủ dậy xem kết quả TT chứng khoán Mỹ tối hôm trước (tính theo giờ Việt Nam) và bắt đầu đưa ra dự báo theo kiểu, nếu chỉ số Dow Jones tăng thì hôm nay VN Index cũng sẽ như vậy, còn khi thấy Dow Jones giảm từ 200 - 300 điểm trở lên là bắt đầu e ngại.

Về mặt định lượng, sẽ có sự “dính dáng” trực tiếp với một số nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tại Việt Nam. Bởi lẽ một số quỹ lớn, hoạt động liên thông trên nhiều TT thì có thể họ bán tại một số thị trường châu Á, cũng không loại trừ TT Việt Nam, nhưng đó chỉ là trong ngắn hạn.

Điều cần nhấn mạnh ở đây là những diễn biến quốc tế trong trung và dài hạn sẽ không thể “bẻ lái” được riêng một TT nào nếu ở đó vẫn có đầy đủ những tiềm năng. Những tháng vừa qua, bất chấp VN Index chỉ lình xình quanh ngưỡng 950 - 1.000 điểm, một loạt cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn vẫn tăng giá mạnh và vượt đỉnh, mà hai trường hợp tiêu biểu là MWG và VCB. Chừng đó là quá đủ để cho thấy sự hấp dẫn của TT Việt Nam, và thậm chí những NĐT chuyên nghiệp còn cho biết họ “khoái” TT kiểu này bởi lẽ nếu chọn đúng CP thì danh mục có lãi, so TT đi ngang, còn ấn tượng hơn vì sẽ được ở trạng thái “outperform”.

Nhìn vào danh mục bán ra của khối nước ngoài sẽ dễ dàng thống kê được những CP đã được gom mua trong hơn một năm qua, khởi đầu từ tháng 4-2018 kéo cho đến đầu năm nay ở những vùng giá rất rẻ, đặc biệt là trong một số lần VN Index tạo đáy. Với cách mua khi TT “sợ hãi” như vậy, trong khoảng từ 6 - 12 tháng nắm giữ, khối nước ngoài nhanh chóng lãi trên dưới 10%, một tỷ suất sinh lời lý tưởng trong ngắn hạn, nên việc bán ra chốt lãi diễn ra vô cùng quyết liệt.

Nhưng điều đáng nói hơn nữa là về lực cầu hấp thu lượng bán ra của khối ngoại đến từ NĐT trong nước và tất nhiên có cả NĐT nước ngoài khác. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc khối trong nước mua mạnh nằm ở sự dịch chuyển của dòng tiền trong từng nhóm CP. Những tháng trước, CP khu công nghiệp, dầu khí là tâm điểm hút tiền, dẫn đến một số nhóm khác có định giá rẻ hơn như ngân hàng, bất động sản... Vì vậy, bất chấp các nhóm CP nóng bị bán ra, thì dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào nhóm CP có định giá rẻ như tuần rồi là ngân hàng và bất động sản, nhất là những CP có vốn hóa lớn. Điều này giúp cho các chỉ số chứng khoán vẫn tiếp tục duy trì đà tăng, hoặc chí ít VN Index cũng sẽ nằm trong vùng 950 - 1.000 điểm.

Như vậy, việc bán ròng hay các yếu tố ngoại trong ngắn hạn mà cụ thể là việc bán ròng của NĐT nước ngoài sẽ khó lòng ảnh hưởng đến xu hướng của VN Index.