Áp lực thoái vốn

Theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2017 - 2020 phải cổ phần hóa (CPH) 128 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhưng tới nay mới thực hiện được 36 DN. Điều này đồng nghĩa còn tới 92 DN sẽ phải thực hiện CPH trong năm nay. Nghĩa là gánh nặng của cả giai đoạn 2017 - 2020 đang đổ dồn vào năm 2020, nếu muốn bảo đảm không “vỡ kế hoạch”.

Về thoái vốn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch yêu cầu giai đoạn 2017 - 2020 phải thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các DN. Song thực tế từ năm 2017 - 2019 mới thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị với giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng, tương đương… 7% kế hoạch.

Mới đây, Tổng công ty (TCT) Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã có những động thái đầu tiên cho năm 2020 khi liên tiếp đấu giá cổ phần sở hữu tại một số DN. Cụ thể, ngày 14-1 vừa qua, tại HNX, SCIC đã bán đấu giá toàn bộ số cổ phần sở hữu tại TCT Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam - CTCP (HEC Corp, mã: HEJ). Kết quả là SCIC đã bán hết toàn bộ số cổ phiếu (CP) đăng ký cho một nhà đầu tư (NĐT) cá nhân với giá đấu thành công 86.100 đồng/CP, cao gấp 3,2 lần mức giá khởi điểm.

Thực tế, CPH, thoái vốn là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN. Hầu hết các DNNN sau CPH đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên. Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc thoái vốn và CPH chậm chạp không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, sự phát triển của các DN mà cũng ảnh hưởng chung tới thị trường chứng khoán (TTCK). Nếu lượng lớn các DNNN hoàn thiện CPH thì sẽ góp phần tăng trưởng quy mô TTCK.

Trong danh sách các DN cần CPH theo chủ trương của Chính phủ có một số công ty, TCT và tập đoàn lớn như: Vietnam Airlines (mã: HVN); Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR); PVOIL (mã: OIL) và PVPower (mã: POW) cũng có thể tiếp tục thoái vốn trong năm 2020. Một số cái tên đáng chú ý khác là Agribank, MobiFone, VNPT…

Thực tế, một trong những điều kiện để hoạt động CPH và thoái vốn DNNN thành công là điều kiện phát triển của TTCK. Bởi vậy, đồng hành cùng “sức ỳ” của công tác này trong năm 2019 là những “nốt trầm” của TTCK. Với nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, TTCK năm 2020 chưa thể khẳng định hoàn toàn lạc quan, song sự quan tâm của Nhà nước để phát triển TTCK, đặc biệt thị trường trái phiếu, là một điều kiện cần và khá tích cực. Ngoài ra, thị trường cũng đang còn để ngỏ cơ hội nâng hạng - được nhận định là một trong những yếu tố để NĐT kỳ vọng về sự tương lai tăng trưởng dài hạn.

Hiện, Bộ Tài chính đang tiến hành sửa đổi các điểm nghẽn trong hai nghị định (NĐ) số 126/2017/NĐ-CP và số 32/2018/NĐ-CP. Yuanta Việt Nam kỳ vọng, sau khi hai NĐ sửa đổi này được ban hành sẽ tháo gỡ được bất cập trong CPH DNNN. Tuy nhiên, với khối lượng rất lớn DN phải CPH và thoái vốn đang dồn sang năm 2020, Yuanta Việt Nam lại đánh giá khả năng hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2017 - 2020 là điều khó.