“Ăn đậm” trong giai đoạn đầu

Lịch sử của hợp đồng tương lai (HĐTL) đã và đang lặp lại với chứng quyền có bảo đảm (CW) khi cả hai sản phẩm phái sinh này đều giúp nhà đầu tư (NĐT) thu về lợi nhuận trong giai đoạn mới xuất hiện trên thị trường (TT).

Thời điểm HĐTL bắt đầu bùng nổ với giá trị giao dịch được đẩy lên hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi phiên cũng là giai đoạn VN Index điều chỉnh mạnh từ 1.200 điểm xuống 900 điểm vào nửa đầu năm 2018. Theo đó, NĐT nào mở vị thế bán (short) HĐTL ở vùng VN Index 1.200 điểm và mở vị thế mua (long) ở vùng 900 điểm sẽ “ăn đậm”.

Tương tự, với CW trong khoảng ba tháng gần đây, những ai mua CW mua của các cổ phiếu (CP) như: FPT, MWG… đã lãi rất lớn, vì giá của nhóm CP này đã tăng 40-50% so thời điểm mới phát hành chứng quyền. Nghĩa là, nếu mua CW ở giá thấp, sau đó CP tăng lên thì đương nhiên người mua CW sẽ có lãi.

Thoạt nhìn, có vẻ những người tham gia HĐTL hay CW may mắn vì những sản phẩm này xuất hiện đúng thời điểm. Thực tế có phải như vậy?

Có một điều chắc chắn là may mắn không thể xuất hiện theo tần suất dày đặc mỗi năm một lần như vậy mà phải có nguyên nhân rõ ràng. Thanh khoản của TT cũng quan trọng không kém so biến động của VN Index, mà muốn có thanh khoản tốt thì phải có nhiều kênh, nhiều hệ sản phẩm khác nhau. Càng nhiều sản phẩm, sẽ tạo ra nhiều công cụ cho NĐT, đồng thời giúp cho dòng tiền có cơ hội dịch chuyển qua loại giữa các kênh, “nhốt” để không chảy qua các TT hay quốc gia khác.

Trước đây, khi chưa có HĐTL, mỗi khi TT giảm là NĐT “bó tay”, bởi lẽ cứ mua là lỗ. Khi có HĐTL, TT xuống, NĐT short HĐTL vẫn có lãi. Tương tự, với CW, khi CP phân hóa, chỉ những CP tốt nhất mới tăng, NĐT dồn sức mua CW hoặc mua chính CP đó sẽ có lãi, như vậy thanh khoản vẫn được duy trì dù ở kênh nào. Sự “đa kênh” trên TT rõ ràng đã củng cố niềm tin cho NĐT về khả năng có thể tồn tại trên TT bất kỳ thời điểm nào, dù khó khăn khắc nghiệt đến mấy. Hiệu ứng là rất rõ ràng, sắp tới đây, khi những sản phẩm mới được cơ quan quản lý triển khai, NĐT sẽ có thêm tự tin để tiếp cận, tìm hiểu sản phẩm để tạo ra sự sôi động ngay từ đầu. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng khi nhìn vào hiệu ứng “ăn đoạn đầu” trên TT phái sinh, bởi những gì dễ thấy nhất chỉ là bề nổi.

Đơn cử như trường hợp của HĐTL, thời điểm thanh khoản của TT này bắt đầu bùng nổ và kéo dài từ giữa năm ngoái cũng là lúc VN Index gần xuống và chạm đáy, lúc này NĐT có short thì cũng không có lãi nổi. Rồi với trường hợp của CW, NĐT chỉ thắng lớn với MWG, FPT… trong khi còn có CW của nhiều CP khác. Thường lãi lớn được nói đến nhiều trên TT, còn lỗ nặng thì ít được đề cập, với NĐT cá nhân lại càng ít. Chưa kể, khi NĐT đã nhìn thấy lãi lớn, và nhảy vào thì đã hết “nước đầu”, TT có thể bước dần vào giai đoạn bão hòa, cơ hội thì vẫn còn, nhưng rất khó nắm bắt. Luôn có cơ hội cho NĐT bất kể trong giai đoạn nào, nhưng cũng nên nhớ rằng không có gì là dễ dàng. Ngay cả những NĐT thắng lớn trong giai đoạn đầu thì họ cũng đã đánh đổi bằng việc vượt qua sự dè dặt, rủi ro có thể gặp phải.