Lực đẩy “hệ sinh thái”

Việc dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục gia tăng sẽ tạo ra nhu cầu ở những cổ phiếu (CP) có vốn hóa lớn. Thực tế, vốn hóa của mỗi CP có thể tăng nhưng không thể nhảy vọt trong ngắn hạn và từ đây sẽ tạo ra những sự dịch chuyển, liên kết có yếu tố vốn hóa, trong đó có tiêu chí “hệ sinh thái”. 

Lợi thế lan tỏa

MSN là một trong những CP vốn hóa lớn tăng mạnh nhất trong vòng một  năm qua, khi từ mức giá 5x (từ 50.000 đồng/CP) tăng lên hơn 9x (từ 90.000 đồng/CP). Nhưng điểm đáng nói ở đây là khi nhà đầu tư (NĐT) kỳ vọng vào MSN thì cũng lan tỏa sang cả TCB vì MSN cũng có cổ phần tại ngân hàng này. Điều tương tự cũng diễn ra với MSR vì công ty này cũng nằm trong “hệ sinh thái” của MSR. Những mối liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp như: MSN, MSR hay TCB theo hình thái nào ít nhiều đem lại những lợi thế cho CP cũng như cơ hội cho NĐT. 

Một trường hợp gần nhất là VPB khi chỉ trong hơn một tháng qua đã tăng giá vào loại mạnh nhất TTCK, từ hơn 30.000 đồng/CP tăng lên gần 42.000 đồng/CP bất chấp những biến động khó lường của TTCK trong giai đoạn tương ứng. Kỳ vọng dành cho VPB ngoài hoạt động của ngân hàng còn nằm ở tài chính tiêu dùng (với thành viên là Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng - FE Credit) và chứng khoán (Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBS). Năm 2020 ghi nhận những bước tiến vượt bậc của VPBS về thị phần từ chỗ chỉ top 10 đã chuyển thành top 5 rồi top 2. Trong khi đó, thương vụ phát hành công khai lần đầu (IPO) FE Credit cũng hứa hẹn sẽ tạo những bước đột phá cho cả TT tài chính tiêu dùng lẫn TT vốn. Nếu thương vụ này thành công không chỉ FE Credit có lợi mà chính VPB “mẹ” cũng có lợi. Nhìn tổng thể, nếu “hệ sinh thái” càng lớn, dòng tiền sẽ có nhiều cơ hội và nhiều cách đổ vào, có thể lựa chọn “mẹ” hoặc “con” hoặc các đơn vị có liên quan và góp phần duy trì dòng vốn đầu tư trên một “hệ sinh thái” CP lên sàn và chưa lên sàn.  

Xu thế tất yếu

Lực đẩy hệ sinh thái thực tế không phải là nhân tố mới của TTCK mà đã có từ hơn một thập kỷ qua, điểm khác biệt tại thời điểm này so lúc khởi phát nằm ở yếu tố “chất lượng”. Nếu như trước đây, một “dòng họ” CP thuộc tổng công ty hay tập đoàn có thể tăng đồng loạt chỉ vì CP này tăng thì CP kia tăng theo mà không có lý do thì bây giờ hiệu ứng tự phát này không còn. Yêu cầu của một “hệ sinh thái” ngoài số lượng cần phải có chất lượng thật sự. 

VPB không phải CP mới niêm yết, cũng như VPBS hay FE Credit đều là những cái tên quen thuộc trong lĩnh vực mà các đơn vị này hoạt động, nhưng cũng phải đến thời điểm phù hợp mới có thể tạo ra lực đẩy cho “hệ sinh thái” tổng thể.

Khi thương vụ IPO của FE Credit rục rịch thì một số ý kiến cũng bắt đầu đánh giá đến kịch bản tương tự có thể diễn ra với HD Saison, mà HDB là cổ đông lớn. Nhưng có một điều chắc chắn ở đây là nếu kịch bản HD Saison IPO có diễn ra thì cũng không thể rập khuôn một kịch bản tương tự như FE Credit bởi những khác biệt trong hoạt động của hai đơn vị này. HD Saison chọn một tầm nhìn dài và rất cẩn trọng, chừng mực trong hoạt động, tiến từng bước chắc chắn thay vì tăng trưởng như vũ bão. “Hệ sinh thái” của HDB hiện nay còn có cả một đơn vị có liên quan là VJC (VietjetAir) thuộc ngành hàng không nên cũng sẽ có những lực đẩy và ẩn số khác. 

Trong một xu thế tất yếu khi nhiều CP cùng một “hệ sinh thái” xuất hiện trên sàn, NĐT cần có sự chọn lọc, đánh giá phù hợp từ chi tiết đến tổng thể để tìm ra lực đẩy đúng trong từng thời điểm mới có cơ hội sinh lời.