“Cuộc chiến” chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ

Những ngày qua, cái chết của người đàn ông da mầu George Floyd ở TP Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ) sau khi bị cảnh sát bắt giữ, khiến người dân phẫn nộ tràn ra đường phản đối, yêu cầu chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc. Làn sóng biểu tình biến thành bạo loạn, cướp bóc và đốt phá, gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội cho “xứ cờ hoa”. Những gì diễn ra cho thấy, dù đạt được nhiều bước tiến, song xã hội Mỹ vẫn tồn tại không ít bất công.

Biếm họa của LUOJIE
Biếm họa của LUOJIE

Giấc mơ còn dang dở của Luther King

Người Mỹ vẫn đang chờ đợi những phản ứng tiếp theo của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong nỗ lực lập lại trật tự. Hiệu quả của các biện pháp ổn định an ninh trong nước được đánh giá có thể ảnh hưởng cơ hội tái đắc cử của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ tới. Cách đây hơn 50 năm, năm 1968, nước Mỹ cũng chuẩn bị cuộc bầu cử tổng thống trong tình trạng bất ổn, khi các cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra nhằm phản đối chiến tranh ở Việt Nam và nạn phân biệt chủng tộc. Một trong những người đi đầu phong trào đòi công bằng và quyền được đối xử bình đẳng cho những người Mỹ da mầu chính là mục sư Martin Luther King.

Martin Luther King sinh năm 1929 tại thành phố Atlanta, bang Georgia của Mỹ. Sáu năm sau khi tốt nghiệp ngành xã hội học, năm 1954, Luther King nhận chức mục sư Nhà thờ Baptist tại Montgomery, bang Alabama. Trong quá trình trưởng thành, Luther King đã chứng kiến và cũng là nạn nhân trực tiếp của nạn phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ, điều đó thôi thúc ông đi theo con đường đấu tranh cho quyền con người. Từ năm 1955 đến năm 1956, Luther King lãnh đạo chiến dịch “Tẩy chay xe buýt” ở Montgomery, theo đó, người da mầu kiên quyết không sử dụng xe buýt sau vụ một phụ nữ gốc Phi bị cảnh sát bắt giữ vì từ chối nhường chỗ cho một người đàn ông da trắng trên xe buýt. Với việc tòa án ra phán quyết phân biệt đối xử trên xe buýt là vi hiến, “Tẩy chay xe buýt” được xem là một trong những chiến thắng đầu tiên và quan trọng của phong trào đấu tranh vì quyền con người tại Mỹ, trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà hoạt động dân quyền khác trên toàn quốc.

Được đánh giá là một trong những nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại của nước Mỹ, Luther King lãnh đạo phong trào dân quyền với chủ trương bất bạo động và đường lối đấu tranh ôn hòa. Năm 1963, ông có bài diễn văn bất hủ “I have a dream” (tạm dịch là “Tôi có một giấc mơ”) ngay tại Đài tưởng niệm Lincoln ở Thủ đô Washington D.C, mang theo niềm tin về một xã hội công bằng và bình đẳng. Bài diễn văn đã thúc đẩy việc ban hành Đạo luật Dân quyền năm 1964, với nội dung cấm phân biệt đối xử vì chủng tộc, mầu da, tôn giáo hay giới tính ở nước Mỹ. Cũng trong năm 1964, Luther King trở thành một trong những người trẻ nhất đoạt giải Nobel Hòa bình. Sau khi Đạo luật Dân quyền năm 1964 được ban hành, nhiều đại biểu da mầu đầu tiên đã tham gia Quốc hội, quân đội và các cơ quan quan trọng của nước Mỹ.

Tuy nhiên, cuộc đời đầy những vinh quang lẫn sóng gió của Luther King đã phải kết thúc ở tuổi 39, khi ông bị ám sát vào ngày 4-4-1968, tại TP Memphis, bang Tennessee. Hơn 50 năm trôi qua, người dân trên thế giới vẫn nhớ về Luther King như một trong những người dành hết tâm huyết vì sự nghiệp đấu tranh cho quyền con người. Luther King cũng nằm trong danh sách những người được ngưỡng mộ nhất trong thế kỷ 20. Hàng trăm thành phố, thị trấn trên khắp nước Mỹ lấy tên ông đặt cho những con đường. Trong sự nghiệp đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, Luther King đã có hàng nghìn bài diễn thuyết, hướng về giấc mơ mà ở đó những đứa trẻ da mầu và những đứa trẻ da trắng cùng nắm tay như anh em một nhà. Nhiều nhà sử học nhận định, phong trào dân quyền của mục sư Luther King không chỉ đòi công bằng và quyền được đối xử bình đẳng cho những người Mỹ da mầu, mà hướng ra toàn thế giới.

Đường lối đấu tranh ôn hòa của Luther King vẫn là tia sáng dẫn đường cho các phong trào xã hội đòi quyền bình đẳng cho người dân, phản đối nạn phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ và trên thế giới. Thực tế cho thấy, dù đạt nhiều thành quả nhất định hướng đến giấc mơ về một xã hội hài hòa và nhân ái, song nước Mỹ vẫn tồn tại những vấn đề theo hướng bất lợi đối với người da mầu. Hàng chục năm qua, Mỹ vẫn luôn phải đối mặt những vụ bạo động liên quan kỳ thị chủng tộc. Có thể kể một số vụ việc điển hình như: năm 1980 là vụ bạo loạn vì phân biệt chủng tộc ở Miami, bang Florida; năm 2001 là vụ nổi loạn ở Cincinnati, bang Ohio, sau khi cảnh sát sát hại một thanh niên da mầu; năm 2014 biểu tình ở Ferguson, bang Missouri; năm 2016 biểu tình ở Charlotte, bang North Carolina, sau vụ việc cảnh sát bắn chết một người da mầu...

Mâu thuẫn khó hóa giải

Hàng loạt mâu thuẫn lớn giữa cảnh sát và người da mầu tại Mỹ đã làm nổ ra phong trào “Black Lives Matter”, còn được hiểu là “Người da mầu đáng được sống”, nhằm phản đối sự phân biệt đối xử của cảnh sát. “Black Lives Matter” lấy ý tưởng từ khẩu hiệu “Mạng sống của người da mầu cũng có ý nghĩa” của những người phụ nữ trong cuộc biểu tình năm 2012, đòi lại quyền công bằng cho một thiếu niên người Mỹ gốc Phi bị một tình nguyện viên làm cảnh vệ khu phố bắn chết. Hàng nghìn người dân Mỹ đã đổ xuống đường, biểu tình ôn hòa để phản đối hành vi dùng vũ lực của cảnh sát gây chết người, nhất là đối với người da mầu.

Tuy nhiên, số vụ việc bạo lực có người da mầu chết vì cảnh sát ở Mỹ vẫn đáng báo động. Theo thống kê trên tạp chí Sức khỏe cộng đồng của Mỹ, trong giai đoạn 2012 - 2018, trung bình mỗi ngày có 2,8 người chết liên quan cảnh sát, trong đó, công dân không phải người da trắng chịu nguy cơ cao hơn. Cứ 100 nghìn người bị giam giữ thì có tới 2,4 người Mỹ gốc Phi chết, trong khi tỷ lệ ở người da trắng là khoảng 0,7 người. Một trang mạng đặc biệt có tên “Fatal encounters” cũng được lập ra ở Mỹ để thống kê những vụ chết người có liên quan cảnh sát, nơi độc giả có thể theo dõi về nguồn gốc của nạn nhân.

Mới đây, một nhà khoa học chính trị người Mỹ chia sẻ với báo chí rằng, sự nghiêm khắc có phần thái quá của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi một phần là do định kiến về chủng tộc. Phần lớn người da mầu rất nghèo, nhiều người bị nhầm lẫn thuộc băng đảng đường phố, tội phạm nên sự căng thẳng về tâm lý là điều dễ nhận ra khi xảy ra xung đột giữa họ và cảnh sát. Ngoài ra, nhiều cảnh sát ở Mỹ cũng tự nhận mình ở “đẳng cấp khác” và được phép làm nhiều thứ. Theo thời gian, sự cứng nhắc này đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, như vụ việc vừa xảy ra ở Minneapolis. Ngay cả các quan chức cấp cao của Mỹ cũng thừa nhận đang tồn tại sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ.

Những gì đang xảy ra ở nước Mỹ gợi nhớ lại những năm cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama, với các cuộc bạo loạn ở St.Louis, bang Missouri và các thành phố khác. Trong ba năm Tổng thống Donald Trump cầm quyền, đây dường như là sự cố đầu tiên có tính chất nghiêm trọng đến vậy.

Theo giới phân tích, cái chết của ông George Floyd rõ ràng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các cuộc biểu tình, song thực tế còn những lý do sâu xa khác. Đại dịch Covid-19 khiến hơn 100 nghìn người Mỹ tử vong và hơn 40 triệu người thất nghiệp làm bộc lộ tình trạng bất bình đẳng về kinh tế, y tế đối với người Mỹ gốc Phi. Vì thế, chỉ cần một đốm lửa nhỏ cũng đủ thổi bùng lên những âm ỉ lâu nay. Bên cạnh đó, nếu đánh giá kỹ các cuộc bạo loạn ở TP Minneapolis, có thể thấy nhiều người da trắng cũng tham gia để phản đối sự độc đoán của cảnh sát. Họ, một mặt bày tỏ sự ủng hộ với cộng đồng da mầu, mặt khác bày tỏ sự không hài lòng với tình hình kinh tế - xã hội trong nước. Do đó, cái chết của người đàn ông da mầu được ví như “giọt nước tràn ly” đẩy tới tình trạng bất ổn. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định, bạo loạn xảy ra còn vì nguyên nhân “mang tính chính trị”, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.

Tuy nhiên, vì bất cứ lý do nào thì cũng phải thừa nhận rằng, kỳ thị chủng tộc và tình trạng phân biệt vẫn là căn bệnh trầm kha của nước Mỹ, một khi tâm lý “da trắng thượng đẳng” còn tồn tại và cuộc sống của cộng đồng gốc Phi ở “xứ cờ hoa” chưa được cải thiện.