Xung đột phức tạp trên chiến trường Libya

Libya là một trong các quốc gia ở Bắc Phi chịu hậu quả của “Mùa xuân Arab”, với sự can thiệp bằng quân sự của Mỹ và phương Tây. Gần 10 năm sau khi nhà lãnh đạo Muammar al-Gadhafi bị lật đổ, Libya lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện, cùng lúc tồn tại hai chính phủ tranh giành lợi ích, khiến tình hình bất ổn ngày càng gia tăng.

Binh sĩ thuộc lực lượng LNA của Tướng Khalifa Haftar. Ảnh: AP
Binh sĩ thuộc lực lượng LNA của Tướng Khalifa Haftar. Ảnh: AP

Nơi cạnh tranh địa chiến lược

Sau khi chính quyền của ông Gadhafi bị lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu tiến công lật đổ và chết năm 2011 (sau 42 năm cầm quyền), đất nước Libya bị chia cắt và chìm trong nội chiến kéo dài cho đến nay.

Theo The Guardian, cuộc nội chiến giữa các lực lượng đang kiểm soát Libya đã bùng phát dữ dội trở lại. Nguyên nhân là do cơ cấu quyền lực chưa ổn định, các phe phái đẩy mạnh tranh giành ảnh hưởng, địa bàn hoạt động và các thế lực bên ngoài tăng cường can dự,… khiến cuộc xung đột tại quốc gia Bắc Phi này tiếp tục là một trong các cuộc xung đột vũ trang phức tạp nhất trên thế giới hiện nay. Từ năm 2014, tại Libya tồn tại song song hai chính quyền, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj ở Thủ đô Tripoli, nhận được sự ủng hộ của LHQ, Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền đông, được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập ủng hộ. Cuộc tranh giành quyền lực giữa LNA và GNA ngày càng căng thẳng, trở nên phức tạp hơn khi mang tính chất của “cuộc chiến ủy nhiệm” do có sự can thiệp từ bên ngoài. 

TASS dẫn lời các chuyên gia của website Hội đồng Đối ngoại Nga cho biết, Libya là vùng đất có nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào, nhất là dầu mỏ (trữ lượng lên tới hơn 48 tỷ thùng, sản lượng khoảng 1,65 triệu thùng/ngày), là một trong 10 quốc gia đứng đầu thế giới về dầu mỏ. Mặt khác, Libya còn nằm ở khu vực Bắc Phi, bên bờ Địa Trung Hải, một vị trí không chỉ mang tính chiến lược quan trọng ở Trung Đông - Bắc Phi mà còn đối với cả châu Âu. Do đó, các nước trong khu vực và trên thế giới can thiệp vào Libya xuất phát các lợi ích kinh tế, chính trị và vị trí địa - chính trị quan trọng của quốc gia này. Đồng thời, các nước cũng rất quan tâm tới việc tham gia tái thiết, xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng tại Libya khi hòa bình được lập lại. 

Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là quốc gia can thiệp tích cực và sâu sắc nhất vào tình hình tại Libya, khi công khai ủng hộ Chính phủ GNA để bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình. Thổ Nhĩ Kỳ cam kết hỗ trợ Chính phủ GNA của Thủ tướng Fayez al-Sarraj, đổi lại, GNA ủng hộ các yêu sách của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các mỏ dầu ở khu vực đông Địa Trung Hải, đồng thời hứa trả lại khoản tiền 25 tỷ USD giá trị hợp đồng xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị phong tỏa tại các ngân hàng của Libya khi chính quyền Gadhafi sụp đổ năm 2011. Đầu năm nay, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua nghị quyết cho phép triển khai quân đội đến Libya. 

Đáng chú ý, gần đây Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường tiếp viện quân sự cho GNA, trong đó có 11 máy bay tiêm kích F-16, hàng chục máy bay không người lái, xe tăng, xe bọc thép, pháo phòng không, tàu chiến, súng và nhiều loại vũ khí khác. Ngoài ra, hơn 11.000 lính đánh thuê do Thổ Nhĩ Kỳ tuyển mộ từ các tổ chức đối lập tại Syria cũng được đưa sang tham chiến tại Libya. Tình hình trên đã làm thay đổi cán cân lực lượng trên chiến trường, gây bất lợi cho quân đội của Tướng Haftar. Quân đội GNA giành được quyền kiểm soát hầu hết bờ biển phía tây chạy dài từ Tripoli đến biên giới Tunisia, trong đó có căn cứ không quân chiến lược al-Watiya và thành phố Tarhuna. Lực lượng LNA phải rút lui về cố thủ tại căn cứ không quân al-Jufra thuộc thành phố Ben Walid, miền trung Libya. Hiện nay, cuộc giao tranh giữa hai phe đang diễn ra dữ dội nhằm giành quyền kiểm soát thành phố Sirt. 

Các nước ủng hộ Tướng Haftar thì coi Libya là địa bàn chứa nhiều nguy cơ bất ổn. Pháp, Italia, Ai Cập, UAE và Saudi Arabia mong muốn có một nhà lãnh đạo quân sự nắm quân đội để có thể thống nhất và kiểm soát được tình hình Libya, đồng thời đàm phán thiết lập một thể chế dân chủ và đấu tranh chống lại các phần tử cực đoan. 

Năm 2013, ông Abdel el-Sisi lên nắm quyền Tổng thống Ai Cập sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi - thủ lĩnh của phong trào Anh em Hồi giáo (MB) có quan hệ gần gũi với Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền GNA của Thủ tướng Fayez al-Sarraj ở Tripoli. Ngay sau cuộc đảo chính, MB đã bị Ai Cập tuyên bố là một tổ chức khủng bố bởi Tổng thống Abdel el-Sisi lo ngại phong trào này có thể khôi phục các hoạt động với sự ủng hộ của GNA (gồm các tổ chức Hồi giáo, trong đó có MB). Ai Cập không chỉ cung cấp vũ khí, tài chính cho LNA mà còn trực tiếp tham gia các hoạt động quân sự tại Libya. Trong khi đó, các lực lượng đặc biệt của Pháp giúp đỡ Không quân Ai Cập không kích ở các vị trí của lực lượng GNA. 

Về phần mình, Nga coi Tướng Haftar, một sĩ quan được đào tạo tại Nga là đồng minh tiềm năng để bảo vệ lợi ích của Nga trong khu vực. Nga can dự vào cuộc chiến Libya nhằm mở rộng ảnh hưởng ở đông Địa Trung Hải, sau khi Nga đã khôi phục và củng cố được vị trí tại Syria. Mặt khác, Tướng Haftar cam kết dành cho Nga quyền khai thác các mỏ dầu và sử dụng hai hải cảng trọng yếu là Tobruk và Dern. Theo The New York Times, lý do để Nga tham gia cuộc xung đột ở Libya là dưới thời Tổng thống Gadhafi, Libya vốn là đồng minh thân cận của Nga. Vì vậy, việc khôi phục ảnh hưởng của Nga ở Libya sẽ là bước đi cần thiết để nước này triển khai chiến lược ở khu vực Trung Đông - châu Phi. Tuy nhiên, cũng giống như ở chiến trường Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ở hai phía khác nhau trong cuộc xung đột. 

Khó tìm giải pháp chính trị

Trong bối cảnh căng thẳng diễn ra ở Libya, Tổng thống Ai Cập Abdel al-Sisi, Tướng Khalifa Haftar của lực lượng LNA và Chủ tịch Quốc hội của GNA, ông Aguila Saleh đã thảo luận và đưa ra sáng kiến mới có tên “Tuyên bố Cairo” nhằm giải quyết cuộc xung đột Libya. Sáng kiến này dựa trên kết quả của Hội nghị cấp cao về Libya tại Berlin (Đức) hồi đầu năm nay, kêu gọi các bên xung đột ngừng bắn, tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí của LHQ, triệt thoái lính đánh thuê nước ngoài khỏi Libya nhằm khôi phục sự thống nhất và ổn định tình hình, giải quyết cuộc xung đột theo các nghị quyết của LHQ và nỗ lực của cộng đồng quốc tế được đưa ra trong thời gian qua trong những vòng đàm phán ở Paris (Pháp), Rome (Italia), Abu Dhabi (UAE) và mới đây nhất là ở Berlin (Đức).

Sáng kiến mới có kèm theo một lộ trình cụ thể nhằm giải quyết cuộc xung đột Libya bằng giải pháp chính trị, trong đó có việc tiến hành bầu Hội đồng tổng thống thuộc GNA dưới sự giám sát của LHQ. Hội đồng này sẽ bầu ra hai Phó Tổng thống, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đại diện cho các bộ tộc lớn ở ba khu vực của Libya, gồm Tripolitania, Cyrenaica và Fezzan. Sau đó, một Ủy ban dự thảo Hiến pháp sẽ được thành lập để xác định thể chế tương lai của Libya.

Cộng đồng quốc tế, trong đó có LHQ, Liên hiệp châu Âu (EU), khối Arab hoan nghênh “Tuyên bố Cairo” nói trên, coi đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy khởi động lại tiến trình đàm phán chính trị nhằm sớm chấm dứt đổ máu tại Libya. Theo giới chuyên gia quân sự, ưu tiên hàng đầu hiện nay là đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở Libya. Hiện nay, các hoạt động ngoại giao con thoi đang diễn ra dồn dập. Tướng Khalifa Haftar đến Cairo, còn Thủ tướng Fayez al-Sarraj sang Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, một phái đoàn của GNA cũng có các cuộc gặp gỡ với Bộ Ngoại giao Nga… Những động thái này mở ra hy vọng trong việc nối lại đối thoại giữa GNA và LNA, qua đó giúp tìm ra một giải pháp bảo đảm lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng, do cuộc xung đột kéo dài này hết sức phức tạp với sự tham gia của nhiều nước và lợi ích đan xen, nên khó có thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”.