Xu thế đóng cửa điện hạt nhân ở châu Âu

Vừa qua, giới chức Pháp đã bắt đầu tiến hành đóng cửa nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất của nước này sau 43 năm hoạt động. Và không chỉ tại Pháp, nhiều nước châu Âu cũng đang vận động hạn chế, tiến tới xóa bỏ điện hạt nhân. Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn nhiều tranh cãi vì một số quốc gia khác có quan điểm tích cực về năng lượng hạt nhân, chưa sẵn sàng để chuyển sang sử dụng các loại năng lượng khác.

Các nhà hoạt động phản đối phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân bên ngoài Nhà máy Fessenheim của Pháp. Ảnh: NEWSWEEK
Các nhà hoạt động phản đối phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân bên ngoài Nhà máy Fessenheim của Pháp. Ảnh: NEWSWEEK

Kế hoạch của Pháp

Nhà máy hạt nhân Fessenheim thuộc Công ty điện lực EDF, nằm bên sông Rhine gần biên giới giữa Pháp, Đức và Thụy Sĩ, được ví như “người khổng lồ” trong lĩnh vực năng lượng của Pháp. Đây là một trong những nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Pháp cũng như ở châu Âu, đã hoạt động suốt 43 năm qua cung cấp một phần lớn điện năng. Ngày 22-2 vừa qua, EDF đã thực hiện những bước đi đầu tiên tiến đến đóng cửa nhà máy này.

Thông cáo của EDF cho biết, công ty đã ngắt kết nối một trong hai lò phản ứng tại Fessenheim, là công đoạn đầu tiên của việc đóng cửa hoàn toàn nhà máy. Dự kiến lò phản ứng thứ hai sẽ được làm nguội và ngừng hoạt động vào ngày 30-6 tới. Sau khi bảo đảm điều kiện an toàn, các công nhân sẽ tiến hành dỡ bỏ các thanh nhiên liệu. Công đoạn này được thực hiện trong ba năm và sẽ hoàn thành loại bỏ tất cả các thanh nhiên liệu vào mùa hè năm 2023. EDF cho biết, năm 2040, việc đóng cửa hoàn toàn Nhà máy Fessenheim sẽ hoàn tất.

Sau khi đóng cửa Nhà máy Fessenheim, Pháp vẫn còn lại 56 lò phản ứng nước nặng tại 18 nhà máy điện hạt nhân và là quốc gia có số lò phản ứng nhiều thứ hai sau Mỹ, với 98 lò. Điện năng từ 56 lò phản ứng này bảo đảm có thể cung cấp 70% nhu cầu về điện của Pháp. Tuy vậy, Paris đã lên kế hoạch năm 2035 sẽ đóng cửa 12 lò phản ứng gần đạt ngưỡng hoặc đã vượt quá giới hạn 40 năm hoạt động. Đây được xem là một kế hoạch dài hơi khi Chính phủ Pháp đồng thời phải đưa vào hoạt động các nguồn điện năng thay thế khác.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết, việc đóng cửa Nhà máy Fessenheim đánh dấu bước đi đầu tiên trong chiến lược năng lượng của Pháp để dần cân bằng lại các nguồn điện hạt nhân và năng lượng tái tạo, đồng thời cắt giảm lượng khí thải carbon bằng cách đóng cửa các nhà máy điện than vào năm 2022. Tuy vậy, vào thời điểm hiện nay, năng lượng hạt nhân vẫn chiếm một nửa tổng nguồn năng lượng tiêu thụ ở Pháp.

Sau cuộc khủng hoảng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, một làn sóng kêu gọi xóa bỏ các nhà máy điện hạt nhân đã nổi lên ở Pháp và nhiều nước châu Âu, vốn đang phụ thuộc loại năng lượng này. Các nhà hoạt động chống điện hạt nhân cho rằng, tiêu chuẩn về xây dựng và mức độ an toàn tại Nhà máy Fessenheim còn kém xa so Nhà máy hạt nhân Fukushima. Tại Pháp, còn nhiều lò phản ứng hạt nhân có tuổi thọ cao vẫn đang vận hành, gây lo ngại về độ an toàn.

Giới chuyên gia cũng đồng tình với việc hạn chế, tiến dần tới đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vì lý do an toàn. Tuy vậy, cũng phải mất một thời gian dài kể từ khi cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố cam kết đóng cửa Nhà máy Fessenheim khi Nhà máy điện hạt nhân Fukushima gặp sự cố, đến nay kế hoạch này mới rục rịch được triển khai. Bảy năm sau đó, chính phủ của Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron mới “bật đèn xanh” cho hành động này vào cuối năm 2018, và mất thêm hai năm để tiến hành được những bước đầu tiên. Cùng với kế hoạch dự kiến hoàn tất vào năm 2040, có thể thấy việc đóng cửa hoàn toàn các nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi một lộ trình dài hơi và tốn kém.

Nỗ lực chuyển đổi năng lượng

Theo Hiệp hội Hạt nhân quốc tế, Liên hiệp châu Âu (EU) hiện có 109 lò phản ứng hạt nhân hoạt động tại 15 trong số 27 quốc gia thành viên, chiếm hơn 25% lượng điện sản xuất tại EU. Trong đó, một nửa số điện hạt nhân của EU được sản xuất tại Pháp; 15 - 20% được sản xuất tại 57 đơn vị hoạt động ở ba quốc gia ngoài EU là Nga, Ukraine và Thụy Sĩ. Có thể nói, châu Âu vẫn phụ thuộc khá lớn vào loại năng lượng này. Phía ủng hộ năng lượng hạt nhân cho rằng, điện hạt nhân là một trong những năng lượng sạch, ít phát thải carbon và tiết kiệm chi phí vận hành, nên phần lớn thành viên EU vẫn mong muốn phát triển loại hình này.

Song những năm gần đây, giới chức châu Âu đã trở nên thận trọng với việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân trước cảnh báo về sự mất an toàn của các lò phản ứng đối với sức khỏe và môi trường. Chẳng hạn tại Đức, giới chức nước này chủ trương thay thế năng lượng hạt nhân bằng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (gió, mặt trời…) và loại bỏ vào năm 2022. Các phong trào phản đối điện hạt nhân diễn ra mạnh mẽ tại nước này từ những năm 70 của thế kỷ trước, trong bối cảnh nước Đức khi đó phải chịu ô nhiễm nguồn nước, không khí và khủng hoảng năng lượng nặng nề do phát triển công nghiệp ồ ạt.

Năm 1986, thảm họa Chernobyl đã đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành năng lượng toàn cầu, đặt ra câu hỏi có nên chấm dứt sử dụng điện hạt nhân hay không? Năm 2001, Chính phủ Đức lần đầu đạt được đồng thuận về mục tiêu chấm dứt điện hạt nhân đến năm 2022, nhưng do gặp khó khăn trong việc đóng cửa các nhà máy nên vào năm 2010, kế hoạch đã phải trì hoãn. Tuy nhiên, sự kiện Fukushima 2011 tại Nhật Bản đã giúp chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội để tiếp tục chính sách này. Kể từ đó, chính sách chuyển đổi năng lượng của Đức gần như quay lưng với năng lượng hạt nhân.

Từ năm 2012, nhiều quốc gia châu Âu cũng tuyên bố ủng hộ kế hoạch đóng cửa nhà máy điện nhiệt than, điện hạt nhân hay dầu mỏ để hạn chế phát thải carbon, giảm thiểu sự phụ thuộc vào điện hạt nhân như ở Pháp và Bỉ. Tại nhiều quốc gia khác, phong trào bảo vệ môi trường trong nhân dân diễn ra mạnh mẽ. Thế giới cũng đã chứng kiến những thảm họa môi trường liên quan sự cố hạt nhân, khiến mối quan tâm về vấn đề này ngày càng lớn. Dù vậy, không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế mà điện hạt nhân mang lại, khiến cho tiến trình này còn bị phản đối hoặc trì hoãn ở các nước thành viên EU khác.

Nhìn chung đến nay, giới chức EU vẫn nhất quán mục tiêu cắt giảm năng lượng hạt nhân song song với giảm lượng phát thải CO2. Từ năm 2020, mục tiêu này có đề ra một số thay đổi quan trọng, trong đó các quốc gia thành viên có thể linh hoạt để đề ra lộ trình chuyển đổi carbon phù hợp hoàn cảnh cụ thể và ngân sách. EU cũng cho phép các nước thành viên sử dụng năng lượng hỗn hợp giữa nhiệt điện, điện hạt nhân và năng lượng tái tạo, song phải bảo đảm an toàn. Để điều chỉnh sự lệ thuộc vào điện hạt nhân cũng như năng lượng hóa thạch, giới chức châu Âu cũng tiến đến điều chỉnh hướng đầu tư của các doanh nghiệp bằng những gói tài chính định hướng.

Vào tháng 1 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố kế hoạch tăng trưởng mang tên “Thỏa thuận Xanh” trị giá 100 tỷ euro (110 tỷ USD) để thực hiện mục tiêu phát thải khí nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050. Mặc dù vậy, ngân sách này sẽ không được dùng để tài trợ cho các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay năng lượng hóa thạch. Chủ đề khí hậu vẫn luôn là chủ đề nóng và phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ EU. Dù vẫn chưa đạt được đồng thuận cao, song quyết tâm loại bỏ năng lượng hạt nhân cho thấy nỗ lực của giới chức khu vực trong nỗ lực bảo vệ môi trường của “lục địa già”.