Vụ kiện “lịch sử” nhằm vào Google

Mới đây, hàng chục bang tại Mỹ đã liên kết để kiện Alphabet, tập đoàn mẹ của hãng công nghệ Google, với cáo buộc lạm dụng lợi thế trong lĩnh vực tìm kiếm nội dung trên internet để chèn ép các đối thủ. Đây là vụ kiện chống độc quyền thứ ba trong năm nay nhằm vào Google tại Mỹ.

Biếm họa của SCHOT
Biếm họa của SCHOT

Kỷ lục về số nguyên đơn khởi kiện

Ngày 17-12 vừa qua, nhiều bang tại Mỹ đã khởi kiện Tập đoàn Alphabet. Vụ kiện do giới chức chống độc quyền ở 38 bang và vùng lãnh thổ tại Mỹ, đứng đầu là bang Texas thực hiện, được cho là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Theo giới chức các bang này, Google đã lợi dụng tiềm lực lớn của mình, cũng như đã bắt tay với mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh và gây tổn hại cho người dùng internet. 

Reuters dẫn đơn kiện nộp ở Texas ngày 16-12 cho biết: “Google muốn bảo đảm vị thế thống trị trên lĩnh vực tìm kiếm thông qua các chiến thuật loại bỏ cạnh tranh. Thậm chí, họ đã thỏa thuận bất hợp pháp với Facebook, vốn được xem là mối đe dọa cạnh tranh tiềm năng nhất của Google”. Trong đoạn video đăng trên Facebook, Tổng công tố Ken Paxton của bang Texas cáo buộc Google “sử dụng sức mạnh để thao túng thị trường”. Theo phía nguyên đơn, phần mềm của Google không chỉ tìm kiếm mà còn xác định những kết quả nào sẽ được trả về và quảng cáo nào sẽ được hiển thị. Các công ty sẽ đấu giá để được hiển thị quảng cáo trên Google. 

Bằng những hành động này, Google tước đoạt của người tiêu dùng những lợi ích có thể có được từ những lựa chọn của các đối thủ khác, kìm hãm cải tiến và làm suy yếu những công ty mới, hay những kế hoạch mở rộng khác. Đơn kiện khẳng định Google đã tạo ra một “thế độc quyền vững chắc và bao trùm” trong lĩnh vực tìm kiếm, chiếm gần 90% tổng số tìm kiếm trên internet tại Mỹ, trong khi không có bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào nắm giữ hơn 7% và trong thập kỷ qua, cũng không có bất kỳ công ty mới nào bước chân vào thị trường mà đạt được hơn 1% thị phần qua từng năm. 

Trước những cáo buộc nhắm vào mình, Google đã phủ nhận và cho biết chính các dịch vụ của họ còn giúp giảm giá bán đáng kể của điện thoại thông minh, làm lợi cho người mua và khẳng định họ không hề ngăn chặn người dùng khi muốn chuyển sang các công cụ tìm kiếm khác. Trên blog của công ty, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google đã đăng tải một nội dung cho rằng: “Mọi người dùng Google vì họ chọn dùng nó chứ không phải họ bị bắt buộc phải dùng, hoặc vì họ không thể tìm được những công cụ khác thay thế”. Google cũng khẳng định, nếu các bang tại Mỹ giành chiến thắng trong vụ kiện này thì người chịu thiệt sau cùng vẫn là người tiêu dùng.

Hàng loạt cáo buộc chèn ép đối thủ

Đây không phải vụ kiện đầu tiên liên quan việc Google chèn ép đối thủ. Trên thực tế, Google từng dính các cáo buộc về vấn đề này tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Brazil, Ấn Độ và các nước châu Âu. Cụ thể, năm 2014, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia Ấn Độ (CCI) cho biết, Google đã có hành vi lợi dụng vị thế của mình để thao túng thị trường và chèn ép các công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực. Theo CCI, cơ quan này đã điều tra Google trong hai năm sau khi nhận được than phiền của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng (CUTS) của nước này gửi đến vào năm 2011. Sau đó CCI yêu cầu Google bồi thường khoản tiền lên đến 5 tỷ USD.

Hồi tháng 3-2019, Ủy ban châu Âu (EC) công bố án phạt 1,7 tỷ USD đối với Google vì hành vi lạm dụng vị thế lớn trên thị trường để cạnh tranh không lành mạnh. Bà Margrethe Vestager, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của Liên hiệp châu Âu (EU) khẳng định, sau thời gian dài tìm hiểu hoạt động của trang mạng quảng cáo AdSense do Google phát triển, các nhà điều tra phát hiện trang quảng cáo này đã hạn chế các kết quả tìm kiếm có cùng nội dung từ các đối thủ của Google. Theo bà Vestager, đó là hành động vi phạm các luật chống độc quyền của EU. Hành vi chặn quảng cáo của đối thủ mà Google áp dụng đã kéo dài trong 10 năm. 

Trước đó, năm 2018, EU yêu cầu Google trả 4,9 tỷ USD vì đẩy các ứng dụng của hãng lên điện thoại thông minh của người sử dụng và cản trở đối thủ cạnh tranh. “Gã khổng lồ” công nghệ này cũng bị buộc đóng khoản tiền 2,7 tỷ USD vì sử dụng công cụ tìm kiếm để hướng người dùng đến nền tảng mua sắm riêng. Tổng cộng, tính từ năm 2017, Google bị EU phạt 9,3 tỷ USD. Tuy nhiên, EU vẫn khuyến cáo Google có thể còn đối mặt nhiều cuộc điều tra hơn nữa, bởi “khiếu nại vẫn tiếp tục được gửi đến”.

Tháng 10 vừa qua, Tiểu ban Tư pháp Hạ viện Mỹ cũng công bố kết quả điều tra đối với bốn “ông lớn” công nghệ là Alphabet, Amazon, Apple và Facebook. Riêng với Alphabet nói chung và Google nói riêng, báo cáo điều tra khẳng định công ty này thống trị các thị trường tìm kiếm, quảng cáo và bản đồ trực tuyến với cách thức “không lành mạnh”, đồng thời cảnh báo các hành vi cạnh tranh không công bằng khác tiềm ẩn trong lĩnh vực điện toán đám mây, hay dự án mua lại Fitbit.

Theo điều tra của Hạ viện Mỹ, Google hiện là nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến số một thế giới. Chỉ tính riêng tại Mỹ, công cụ tìm kiếm này đang nắm khoảng 81% tổng số các truy vấn tìm kiếm chung trên máy tính để bàn và 94% trên thiết bị di động. Google quảng bá các dịch vụ của riêng mình bằng cách đặt chúng ở đầu kết quả tìm kiếm và bằng các thuật toán riêng, đẩy dịch vụ của các công ty đối thủ xuống phía dưới. 

Một số đối thủ giấu tên của Google cho biết, họ “hoàn toàn phụ thuộc vào Google về lưu lượng truy cập” và “không có lựa chọn công cụ tìm kiếm nào khác”. Các công ty này cũng tiết lộ, nếu muốn sản phẩm của họ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm thông thường, họ buộc phải chi nhiều tiền hơn cho các quảng cáo của Google. “Điều này một phần xuất phát từ việc Google ưu tiên hiển thị các sản phẩm của mình. Nó khiến các doanh nghiệp khác phải trả tiền cho Google để đặt quảng cáo như một cách để lấy họ lại top đầu trong mỗi kết quả tra cứu”, báo cáo của các nhà điều tra viết.

Trong khi đó, đến nay, đại diện Google vẫn một mực khẳng định: “Google đang cạnh tranh công bằng trong một lĩnh vực phát triển nhanh và có tính cạnh tranh cao. Chúng tôi không đồng ý với các cáo buộc chèn ép đối thủ”. Cũng theo đại diện Google, người Mỹ không muốn bị “hạn chế các sản phẩm Google hoặc làm tổn hại đến các dịch vụ miễn phí mà họ sử dụng hằng ngày. Mục tiêu của luật chống độc quyền là bảo vệ người tiêu dùng chứ không phải giúp đỡ các đối thủ thương mại”.

Đánh giá về vụ kiện mới đây nhắm vào Google, các chuyên gia công nghệ cho rằng, vụ kiện này sẽ dai dẳng khi khó có thể chứng minh được Google độc quyền bởi phần lớn dịch vụ của họ là miễn phí. Dù vậy, các đơn kiện sẽ gây sức ép lên các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ, thúc đẩy sự phát triển của các công ty cùng lĩnh vực khác, tạo một môi trường cạnh tranh công bằng hơn trong tương lai.