Vụ dàn xếp tốn kém của Airbus

Airbus - tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu châu Âu, vừa chấp nhận trả bốn tỷ USD cho Pháp, Anh và Mỹ để dàn xếp các cáo buộc mà giới chức các nước trên cho rằng Airbus đã hối lộ quan chức chính phủ và nhiều hãng hàng không trên toàn cầu. Đây là kết quả của cuộc điều tra kéo dài gần bốn năm đối với nhiều hợp đồng của Airbus trên thế giới, song khoản dàn xếp được cho là có thể giúp Airbus tránh khỏi cuộc chiến pháp lý suốt nhiều năm qua.

Biếm họa của SAGAR
Biếm họa của SAGAR

Mật mã “Van Gogh”

Các khoản dàn xếp được công bố ngày 31-1 vừa qua, cùng lúc các tòa án ở hai nước châu Âu và Mỹ chính thức công bố những cáo buộc nhằm vào Airbus. Thẩm phán Thomas Hogan của Mỹ cho biết, tập đoàn này đã lên kế hoạch hối lộ ở quy mô lớn và đặc biệt nghiêm trọng, việc hối lộ cũng diễn ra ở nhiều bộ phận khác nhau của các chi nhánh Airbus trong nhiều năm.

Theo Reuters, Văn phòng điều tra các gian lận nghiêm trọng của Anh (SFO) cho biết, Airbus đã thuê một người phụ nữ là vợ của Giám đốc điều hành Hãng hàng không Sri Lanka với giá hai triệu USD để bà này giả làm đại lý trung gian, qua đó trục lợi trong các hợp đồng mua bán với Sri Lanka Airline. SFO cũng đưa ra bằng chứng cho thấy Airbus đã mở những khoản thanh toán cho người thân của một quan chức chính phủ ở Ghana hòng mua chuộc ông này để tạo lợi thế cho hợp đồng bán máy bay vận tải quân sự.

Cũng theo SFO, Airbus còn tài trợ cho một đội thể thao thuộc sở hữu của một số quan chức hãng hàng không giá rẻ châu Á là AirAsia trong quá trình đàm phán các đơn đặt hàng máy bay với hãng này. Cuộc điều tra của nhà chức trách Anh cũng xác định các cáo buộc hối lộ liên quan những hãng hàng không khác như TransAsia Airways, Garuda, Citilink... Các hãng này hiện chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc.

Điều tra ở Anh và Mỹ đều tìm thấy chứng cứ về việc Airbus đã bưng bít thông tin về các khoản thanh toán đáng ngờ nói trên. Trong đó, để giữ bí mật những mối quan hệ “đi đêm” với quan chức chính phủ, các thư mục thường được đặt mã hóa dưới những tên khác biệt như “Van Gogh”… Trước đó, giới chức Pháp cũng đã tổ chức điều tra nhiều năm liền về tình trạng hối lộ có hệ thống để giành được các hợp đồng kinh doanh, hoặc được khấu trừ thuế của bộ phận Airbus ở Pháp. Cách đây 10 năm, chính quyền Pháp và Anh từng công bố cáo buộc tham nhũng cũng như nghi ngờ doanh số máy bay của hãng này đã bị chỉnh sửa hòng trục lợi. Trong khi đó, tại Mỹ, Airbus còn bị cáo buộc vi phạm các quy định kiểm soát xuất khẩu.

Bởi vậy, khoản dàn xếp bốn tỷ USD với giới chức Anh, Pháp và Mỹ được xem là thỏa thuận bước đầu để tập đoàn này tránh được rắc rối về mặt pháp lý, mặt khác không bị truy tố hình sự. Nếu vướng vào điều tra hình sự, Airbus đứng trước nguy cơ phải chấm dứt các hợp đồng với Chính phủ Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU), sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho tập đoàn máy bay hàng đầu thế giới này.

Công tố viên Pháp Jean-Francois Bohnert cho rằng, việc đạt được thỏa thuận dàn xếp giúp Airbus có thể tạm gác lại những “trang sử tối tăm” vì hành vi hối lộ trong quá khứ. Cơ quan công tố tài chính Pháp cũng cho biết, Airbus đã đồng ý để cơ quan chống tham nhũng giám sát ở mức độ vừa phải việc thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận dàn xếp. Tuy vậy, các nhà điều tra cho rằng một số cá nhân liên quan vụ việc vẫn có thể phải đối mặt cáo buộc hình sự. Theo ông Bohnert, vụ dàn xếp là giai đoạn đầu tiên trong cuộc điều tra về trách nhiệm của Airbus. Trong giai đoạn tiếp theo, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục kiểm tra trách nhiệm của từng cá nhân.

Cơ quan công tố Pháp và Mỹ khẳng định thỏa thuận dàn xếp vừa qua chỉ bao gồm việc miễn trừ pháp lý cho Airbus với tư cách là một công ty. Do vậy, bất kỳ nhân viên hoặc cựu nhân viên nào của hãng này có liên quan các cáo buộc vẫn có thể bị truy tố. Bộ Tư pháp Mỹ cũng cho biết đây là một trong những thỏa thuận dàn xếp của doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất ở Mỹ. Còn theo SFO, năm ngoái, cơ quan này đã dừng truy tố các cá nhân trong một vụ điều tra hối lộ liên quan nhà sản xuất ô-tô Rolls-Royce (Anh) sau khi đạt thỏa thuận dàn xếp với hãng này.

Vụ dàn xếp trị giá bốn tỷ USD của Airbus ghi nhận một trong những nỗ lực đầu tiên về mức độ hợp tác sâu rộng giữa các cơ quan thực thi pháp luật ở châu Âu và Mỹ. Trước đây, do cuộc đối đầu không hồi kết giữa hai hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ, các quốc gia ở hai bờ Đại Tây Dương thường xem nhau là “đối thủ cạnh tranh”. Trong số các khoản phạt mà Airbus phải trả, Pháp sẽ nhận được phần thanh toán lớn nhất, ước tính gần 2,3 tỷ USD, để giải quyết các khoản hối lộ thông qua trung gian để tập đoàn này giành được những hợp đồng mua bán máy bay.

Các khoản dàn xếp khổng lồ

Là tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực hàng không, vũ trụ và các dịch vụ đi kèm, nên các cuộc điều tra kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới công việc kinh doanh cũng như sức cạnh tranh của Airbus. Trước đây, đã có nhiều cáo buộc Airbus gian lận, tham nhũng và hối lộ để “bôi trơn” cho các hợp đồng mua bán và sản xuất máy bay của hãng. Năm 2012, Áo và Đức cũng từng mở cuộc điều tra tương tự về cáo buộc các quan chức hai nước này nhận hàng triệu euro để “bảo kê” cho những hợp đồng với Airbus.

Trên thế giới, việc các tập đoàn lớn trả tiền dàn xếp với chính phủ các nước để tránh điều tra hình sự là không hiếm gặp. Năm 2013, ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ là JP Morgan Chase từng phải nộp khoản bồi thường kỷ lục hơn 13 tỷ USD cho giới chức Washington nhằm dàn xếp cáo buộc lừa đảo các khoản chứng khoán thế chấp và trục lợi nhân cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008.

Tháng 2-2012, năm tổ chức bảo hiểm tiền gửi lớn nhất nước Mỹ, gồm Ngân hàng Mỹ (BoA), Tập đoàn Citigroup, JP Morgan, Wells Fargo và Ngân hàng Ally đã đồng ý khoản bồi thường tổng cộng lên đến 25 tỷ USD để “hạ cánh an toàn” sau các cáo buộc gây ra “bong bóng” bất động sản ở Mỹ. Việc trả tiền để dàn xếp tố tụng với nhà chức trách liên bang diễn ra khá phổ biến ở Mỹ, qua đó các công ty này được giảm trừ hoặc miễn điều tra hình sự, giúp giảm tổn thất khi vướng vào bê bối pháp lý.

Cùng với đó, không ít cá nhân là lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các công ty đã tránh được điều tra hình sự sau khi nộp tiền dàn xếp. Theo The New York Times, tỷ lệ bị điều tra hình sự sau khi nộp tiền dàn xếp đối với các công ty bị quy kết gây ra “bong bóng” bất động sản năm 2007 - 2008 ở Mỹ rất thấp, nên đây được xem là phương án tốt nhất được các ông chủ tập đoàn sử dụng nhằm tránh vướng vào bê bối pháp lý. Trong một số trường hợp bị điều tra ở Phố Wall (Mỹ), các cá nhân từng bị cáo buộc là thủ phạm gây ra “bong bóng” bất động sản đã được tuyên “không có tội” và không bị truy tố trách nhiệm hình sự sau khi những người này nộp lại tài sản.

Bởi vậy, dù các khoản dàn xếp có thể lên đến con số hàng tỷ USD song các công ty lớn đều tỏ ra không ngại ngần nộp phạt để tránh các thủ tục kiện tụng có thể khiến họ phải phá sản. Do số tiền quá lớn nên những khoản dàn xếp thường được chia thành các khoản nhỏ hơn và chính quyền gia hạn cho tổ chức phải nộp phạt trong một khung thời gian nhất định.