Vụ bê bối của Apple

Tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ vừa chấp nhận trả 500 triệu USD để dàn xếp vụ kiện liên quan cáo buộc hãng này âm thầm làm chậm hệ điều hành sử dụng cho các dòng iPhone thế hệ cũ, từ đó buộc người dùng phải mua máy mới mới có thể cập nhật hệ điều hành để sử dụng bình thường. Vụ kiện còn được gọi là “Batterygate”, trở thành một trong những bê bối lớn nhất của “quả táo cắn dở” cho đến nay.

Apple phải chi số tiền lớn để dàn xếp cáo buộc làm chậm iPhone. Ảnh: NEW YORK POST
Apple phải chi số tiền lớn để dàn xếp cáo buộc làm chậm iPhone. Ảnh: NEW YORK POST

Cuộc khủng hoảng từ viên pin

Theo Reuters, phán quyết của một tòa án Mỹ cho biết, Apple phải trả ít nhất 310 triệu USD để bồi thường cho những người dùng iPhone bị ảnh hưởng ở Mỹ, vì đã giảm thời gian sử dụng, làm sập nguồn pin và chậm thiết bị của người sử dụng các đời điện thoại cũ, mục đích để các khách hàng này sớm phải đổi lên dòng điện thoại mới. Số tiền trên bao gồm chi phí mà Apple phải trả cho chủ sở hữu iPhone đủ điều kiện là 25 USD mỗi thiết bị, số tiền này có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc số lượng người đệ đơn kiện.

Các thiết bị của iPhone liên quan vụ kiện bao gồm dòng iPhone 6, 6 Plus, 6s, 6s Plus, 7, 7 Plus và SE đã cài đặt các bản cập nhật phần mềm trước ngày 21-12-2017. Theo hồ sơ của tòa án, đề xuất dàn xếp yêu cầu Apple trả ít nhất 310 triệu USD, song không quá 500 triệu USD. Ngoài chi phí trả cho khách hàng, một phần còn lại của khoản dàn xếp sẽ trả cho nhà chức trách để chi trả các khoản tổn thất ngân sách, bao gồm chi phí thuê luật sư cho nguyên đơn lên đến 93 triệu USD và chi phí khác 1,5 triệu USD. Dự kiến đầu tháng 4 tới, giới chức Mỹ sẽ trả lời chính thức về khoản tiền phạt nói trên.

Vụ dàn xếp này được kỳ vọng sẽ giúp hãng công nghệ được mệnh danh “quả táo cắn dở” tránh được các rắc rối pháp lý. Vụ bê bối của Apple bắt đầu vào năm 2016 với chiếc pin điện thoại của hãng này, sau khi xuất hiện nhiều phàn nàn của khách hàng rằng các thiết bị iPhone đột ngột sập nguồn trong khi vẫn còn đầy pin. Chủ sở hữu các điện thoại iPhone 6s cho biết, điện thoại của họ đột nhiên ngừng hoạt động, nhưng Apple đã hồi đáp bằng cách đổ lỗi rằng một số lượng nhỏ iPhone 6s có vấn đề với pin và đồng ý thay pin miễn phí cho các model này.

Tuy nhiên sau đó, nhiều khách hàng dùng các mẫu iPhone khác cũng bắt đầu lên tiếng về việc thiết bị của họ gặp sự cố sập nguồn tương tự và vấn đề lan rộng hơn so những gì mà Apple thừa nhận trước đó. Trước cuộc “khủng hoảng pin” lan rộng, Apple đã phải cung cấp bản cập nhật hệ điều hành giúp làm giảm tình trạng sập nguồn. Song đại diện công ty này vẫn cho rằng lỗi sập nguồn do pin cũ hoặc bị xuống cấp theo thời gian, sau đó đề nghị thay pin ở một số điện thoại nhất định với giá 29 USD, không miễn phí nhưng là mức được trợ giá rẻ hơn so dịch vụ thông thường của hãng. Dù vậy, các khách hàng của iPhone vẫn không hài lòng với tình huống xử lý này.

Nhiều người đã cáo buộc rằng Apple can thiệp vào hệ điều hành làm thay đổi hiệu năng của pin và khiến cho những thiết bị cũ khó sử dụng hơn, qua đó buộc họ mua những dòng điện thoại mới. Apple đã phải đối mặt làn sóng chỉ trích và kiện cáo sau khi thừa nhận hệ điều hành iOS đã được can thiệp để làm chậm hoạt động của các phiên bản iPhone cũ. Đến tháng 12-2017, Apple buộc phải thừa nhận rằng bản cập nhật đã khắc phục vấn đề sập nguồn do pin bằng cách điều chỉnh hiệu năng của điện thoại và đưa ra lời xin lỗi với khách hàng. Tuy nhiên, người tiêu dùng chỉ trích sự thiếu minh bạch của Apple vì công ty này chỉ thừa nhận vấn đề sau khi sự thật đã bị vạch trần. Các nhóm cũng tập hợp thành một vụ kiện tập thể mà hiện nay Apple đang phải giải quyết. Theo phán quyết của tòa, Apple đã đồng ý trả số tiền dàn xếp và đền bù mỗi chủ sở hữu thiết bị 25 USD, tương đương số tiền những chủ sở hữu iPhone đã phải bỏ ra để thay pin mới.

Điều tra Apple trên toàn thế giới

Suốt thời gian qua, Tập đoàn công nghệ Apple hàng đầu thế giới đã phải đối mặt các vụ kiện về hiệu năng sử dụng pin trên toàn cầu, khi các nhóm đại diện người tiêu dùng ở nhiều nước đồng loạt đệ đơn khiếu nại. Đến nay, hơn 30 đơn kiện đã được nộp tại một số tòa án tại Pháp, Mỹ, Israel, Italia... Mới đây, Apple cũng đã đồng ý trả 25 triệu euro (27,4 triệu USD) trong một vụ kiện tương tự tại Pháp.

Từ năm 2017, Văn phòng Công tố Thủ đô Paris (Pháp) đã mở cuộc điều tra về việc iPhone đời cũ đột nhiên hoạt động chậm chạp sau khi cập nhật hệ điều hành mới. Theo luật của Pháp, hành động của Apple bị khép vào hành vi phạm tội nhằm cố tình rút ngắn tuổi thọ của sản phẩm với mục đích làm cho người tiêu dùng mua hàng mới. Còn theo nhà chức trách Italia, Apple bị cáo buộc không cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng về ảnh hưởng của các bản cập nhật phần mềm đối với điện thoại iPhone đời cũ, cụ thể là không công bố các chi tiết về việc cài đặt cập nhật có thể làm chậm thiết bị.

Các khoản tiền phạt tại Italia và Pháp đối với Apple cũng lên đến hàng chục triệu USD, song đến nay, khoản dàn xếp ở Mỹ vẫn là cao nhất. Business Insider dẫn báo cáo được thu thập mới nhất của giới chức tài chính Mỹ cho thấy, hiện Apple có hơn 207 tỷ USD tiền mặt nên khoản tiền dàn xếp được cho là không ảnh hưởng nhiều đến hãng này. Các nhà quan sát cũng cho rằng vụ việc vẫn không thay đổi được tình trạng “khủng hoảng pin”, có thể xảy ra đối với những đời iPhone cũ sau này. Đại diện Apple cũng từng thừa nhận, các mẫu iPhone 8, 8 Plus và iPhone X có thể lặp lại tình trạng chết nguồn do pin nếu cập nhật hệ điều hành. Tuy nhiên, hãng này cho biết, sẽ thông báo cho người tiêu dùng nếu việc cập nhật ảnh hưởng quá trình sử dụng điện thoại của họ, để các chủ sở hữu iPhone cũ có sự lựa chọn cập nhật hay không.

Ngoài vụ bê bối về pin, Apple cũng không xa lạ với hàng loạt vụ kiện chống cạnh tranh ở Pháp và Mỹ. Vừa qua, Cơ quan Giám sát cạnh tranh của Pháp đã phạt Apple 1,1 tỷ euro (1,23 tỷ USD) do vi phạm luật cạnh tranh. Theo AFP, Apple đã lợi dụng sự phụ thuộc kinh tế của các bên phân phối độc lập, áp đặt các điều kiện kinh tế không công bằng đối với họ so mạng lưới bán lẻ của công ty này. Vụ việc đã được điều tra từ năm 2012 đến nay, và đây là khoản tiền phạt lớn nhất từ trước tới nay của cơ quan chống độc quyền Pháp.

Trước đó, năm 2016, công ty này đã phải trả khoản dàn xếp trị giá 450 triệu USD cho Bộ Tư pháp Mỹ trong vụ kiện về việc bán sách điện tử thu lời trên hệ điều hành iOS. Gần đây, Apple đã bị các nhà phát triển ứng dụng và người tiêu dùng đệ đơn kiện với Ủy ban Thương mại Mỹ vì sự độc quyền của cửa hàng ứng dụng (AppStore) trên hệ điều hành iOS. Đây cũng là một vụ kiện tập thể lớn đối với hãng sản xuất điện thoại này, trong đó, các nhà phát triển ứng dụng cáo buộc Apple tạo ra sự độc quyền thông qua AppStore, là kênh duy nhất người dùng iOS có thể tải ứng dụng trên thiết bị của họ và do đó cũng là cách duy nhất các nhà phát triển ứng dụng có thể bán sản phẩm mà không phải lo cạnh tranh với ứng dụng trên hệ điều hành khác như Android...

Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang mở cuộc điều tra về việc Apple và một số công ty công nghệ lớn khác sử dụng nhiều biện pháp để “thống trị thị trường”, khiến các doanh nghiệp khác không thể cạnh tranh lành mạnh. Nếu bị chứng minh có vi phạm, vụ kiện chống độc quyền có thể sẽ khiến Apple tốn kém một khoản không nhỏ so vụ kiện sách điện tử hay “Batterygate”.