Vị thế Mỹ và Nga sau những biến động lớn

Sau khi Liên Xô (trước đây) tan rã ngày 25-12-1991 và sau sự kiện khủng bố xảy ra vào ngày 11-9-2001, Mỹ và Nga có còn là siêu cường hay không, là câu hỏi mà giới nghiên cứu đặt ra lâu nay. Hiện tại, đặt trong tương quan của các bối cảnh địa - chính trị khác nhau, theo giới phân tích, vai trò, vị thế của Mỹ và Nga dù có giảm so thế kỷ 20 nhưng trong hai thập niên đầu thế kỷ 21, hai quốc gia này vẫn đang là những siêu cường có tầm ảnh hưởng đến nhiều vấn đề toàn cầu. 

Nước Nga ngày nay vẫn là một siêu cường của thế giới. Ảnh: AP
Nước Nga ngày nay vẫn là một siêu cường của thế giới. Ảnh: AP

Nước Nga đang tìm lại chính mình

Năm 1895, đế quốc Nga rộng 22.800 nghìn km², chiếm khoảng một phần sáu diện tích Trái đất. Ngoài lãnh thổ của nước Nga hiện nay, trước Cách mạng Tháng Mười năm 1917, đế quốc Nga bao gồm lãnh thổ hoặc phần lớn lãnh thổ các quốc gia như Ukraine, Belarus, Moldova, Phần Lan, Armenia, Azerbaijan, Gruzia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Litva, Estonia, Latvia, Ba Lan. Trong thời kỳ từ năm 1742 tới năm 1867, đế quốc Nga tuyên bố Alaska là thuộc địa của mình trước khi bán cho nước Mỹ. Dân số đế quốc Nga vào năm 1916 là 181.537.800 người. Hơn 100 dân tộc khác nhau sống trong đế quốc Nga và dân tộc chính là người Nga, chiếm 45% dân số. 

Mặc dù vậy, trước Cách mạng Tháng Mười 1917, nước Nga bị lạc hậu từ 50 đến 100 năm so các nước phát triển khác. Đến năm 1937, nhờ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra hiệu quả, sản lượng công nghiệp của Liên Xô đã chiếm 77,4% GDP và vượt lên đứng hàng thứ hai trên thế giới (chiếm 14% sản lượng công nghiệp toàn thế giới lúc đó). Trong lịch sử, để trở thành một nước công nghiệp, nước Anh cần 200 năm, nước Mỹ cần 120 năm, Nhật Bản cần 40 năm, trong khi Liên Xô chỉ cần 18 năm để hoàn thành cơ bản quá trình công nghiệp hóa. Đây là tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất mà thế giới từng ghi nhận. Thế và lực của Liên Xô tăng lên nhanh chóng trên trường quốc tế. 

Vào ngày 1-12-1991, với trào lưu ly khai, chính quyền Ukraine đã tuyên bố độc lập với Liên Xô dựa trên cơ sở trưng cầu ý dân. Cho đến thời điểm đó, ngoài Nga và Kazakhstan thì Litva, Estonia, Latvia, Belarus, Moldova, Gruzia, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Armenia, Azerbaijan và Turkmenia đều đã tuyên bố độc lập. Ngày 26-12-1991, Hội đồng Xô-viết tối cao ra tuyên bố về việc những nước cộng hòa thành viên hoàn toàn độc lập, đánh dấu sự tan rã của Liên Xô. Tuyên bố đã thừa nhận quyền độc lập của các quốc gia ly khai và tạo ra Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Mikhail Gorbachev, lãnh đạo thứ 8 và cuối cùng của Liên Xô đã từ chức và tuyên bố chức vụ của ông không còn được kế nhiệm nữa.

Việc giữ Ukraine trong vòng kiểm soát của mình là rất quan trọng đối với lợi ích của Nga. Năm 2004, khi cuộc “cách mạng da cam” thành công, đưa phe đối lập lên nắm quyền tại Ukraine, mối quan hệ Nga - Ukraine suy giảm dần. Mối quan hệ lại được hàn gắn khi ông Viktor Yanukovych có xu hướng thân Nga lên nắm quyền Tổng thống vào năm 2010. Tuy nhiên, khi phe đối lập gây bạo loạn và tạo sức ép khiến ông Viktor Yanukovych phải lưu vong sang Nga vào tháng 2-2014 thì quan hệ Nga - Ukraine lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Sau khi bán đảo Crimea sáp nhập Nga năm 2014, vấn đề phía đông của Ukraine đã nổi lên. Các tỉnh phía đông Ukraine, được đánh giá là “thân Nga” vì có khá đông người Nga sinh sống, đã tạo lập Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk. Ngày 11-5-2014, hai vùng ly khai này cũng đã tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập với Ukraine. Hiện nay, dù chính quyền Ukraine mong muốn viện trợ của phương Tây, nhưng vẫn luôn phải trông chờ vào nền kinh tế của người láng giềng khổng lồ là Nga. 

Bên cạnh đó, quan hệ giữa Nga với Kazakhstan và Belarus cũng được giữ vững, giúp ảnh hưởng của nước Nga trong không gian hậu Xô-viết vẫn có giá trị cao. Tuy nhiên, nước Nga hiện nay, dù có diện tích rộng nhất thế giới với 17,1 triệu km² và 144 triệu dân, chưa thể lấy lại được vị thế như Liên Xô trước đây. Từ cuối những năm 30 của thế kỷ trước đến trước khi tan rã, ngoài sức mạnh quân sự, Liên Xô còn là cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Liên Xô cũng đạt nhiều thành tựu vĩ đại về khoa học - kỹ thuật, chinh phục vũ trụ, giáo dục và chăm sóc y tế. Về mặt chính trị, Liên Xô có mức độ ổn định cao. TASS cho biết, vào năm 2015, Phó Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Yevgeny Fyodorov kêu gọi tái lập lại vị thế Liên Xô để đối đầu sự bao vây và cô lập của phương Tây cùng Mỹ. 

Vai trò siêu cường của nước Mỹ?

Năm 1948, George Kennan, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, mệnh danh là “cha đẻ của các chính sách” từng tuyên bố rằng: “Chúng ta chiếm khoảng 50% tài sản của thế giới, nhưng chỉ chiếm 6,3% dân số địa cầu…”. Trong giai đoạn 1945 - 1949, sản lượng công nghiệp của Mỹ luôn chiếm hơn một nửa sản lượng công nghiệp toàn thế giới và sản lượng nông nghiệp gấp hai lần sản lượng của Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản cộng lại. Nước Mỹ cũng là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất, nắm trong tay gần ba phần tư dự trữ vàng của toàn thế giới. Thời kỳ này, hơn 50% số tàu bè đi lại trên biển là của Mỹ.

Để duy trì vị thế của mình, Mỹ đã ra sức khống chế, kìm hãm các cường quốc trên thế giới. Hầu hết các quốc gia đó đều nằm ở đại lục Á - Âu. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945), Mỹ đã dựng lên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tái vũ trang CHLB Đức và đưa quốc gia này gia nhập NATO. Sau khi thực hiện “diễn biến hòa bình” khiến Liên Xô và Đông Âu tan rã, Mỹ chủ trương để NATO “đông tiến”, dùng máy bay đánh bom một quốc gia có chủ quyền toàn vẹn như Nam Tư và kiềm chế nước Nga. 

Đồng thời, Mỹ cũng dòm ngó sang châu Á, tham gia chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và Việt Nam,… song đều không đạt được mục đích. Để lấy lại thể diện, lợi dụng tình hình Liên Xô tan rã, Mỹ tiến hành cuộc chiến vùng Vịnh chống lại Iraq năm 1990 - 1991 với sự góp sức của các đồng minh tại khu vực Trung Đông là Israel và Saudi Arabia. 

Từ sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001, Mỹ bị cuốn vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Phần lớn nơi trú ẩn của các phần tử khủng bố cũng lại chính là bản đồ các quốc gia sản xuất năng lượng chủ yếu của thế giới. Tờ Biên niên sử San Francisco xuất bản không lâu sau vụ 11-9-2001 nhận định rằng, những nơi có tổ chức khủng bố tồn tại thì nước Mỹ cũng tồn tại ở đó và sau lưng quân đội Mỹ là các công ty dầu mỏ đang đợi để triển khai hoạt động. Mỹ mở cuộc tiến công xâm lược Iraq năm 2003 bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế. Năm 2013, khi có đến 4.500 lính Mỹ thiệt mạng, 32 nghìn binh sĩ bị thương cùng với chi phí lên tới hơn 3.000 tỷ USD, Mỹ mới chấp nhận rút quân từ Iraq về nước.

Hiện nay, Mỹ đang giúp đỡ lực lượng đối lập ở Syria để chống phá Chính phủ Syria. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Nga, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã giành được những thắng lợi quan trọng. Thất bại tiếp nữa của Mỹ chính là trong vấn đề Venezuela. Hiện nay, việc tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận ông Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela vẫn đang gây ra sự căng thẳng tại đất nước này. Tuy nhiên, việc Tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro vẫn đứng vững khiến Mỹ khó có thể thao túng nền kinh tế dầu mỏ của đất nước này.

Với nền kinh tế khổng lồ của mình, cơn khát dầu mỏ của Mỹ dường như  bất tận. Dù vậy, các quốc gia như Nga, Trung Quốc đang trỗi dậy và không muốn Washington thao túng “bàn cờ” năng lượng “vàng đen” thế giới. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế của nước Mỹ hiện không mấy khả quan. Mặc dù đã mở cửa nền kinh tế nhưng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến gần một nửa dân số Mỹ mất việc làm. 

Trong bài báo có nhan đề “Số mệnh Rome đang chờ đợi nước Mỹ” đăng trên báo Sunday Mail (Anh) gần đây, nhà bình luận chính trị Robert Harris đã nêu lên những câu hỏi: Liệu Washington có giống như đế quốc Rome trước đây bị diệt vong bởi chính sự mở rộng quá mức của mình hay không? Trật tự thế giới mới của Mỹ liệu có bị lụi tàn?... Chắc chắn nước Mỹ sẽ không diệt vong như Rome, song hậu quả từ các chính sách can dự cả về kinh tế lẫn quân sự của nước này, cũng như sự trỗi dậy của các siêu cường khác, khiến Washington khó có thể lấy lại vị thế và vai trò như trước sự kiện 11-9-2001.