Vai trò của UAV trong xung đột hiện đại

Sự xuất hiện của các phương tiện bay không người lái (UAV) được xem là “cuộc cách mạng” trong thế giới hiện đại. UAV đã dần thể hiện được vai trò của mình khi phục vụ mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là quân sự và có nguy cơ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới. Vụ tiến công bằng UAV vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia hồi năm 2019, hay cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan (2020) đã làm thay đổi tư duy quân sự cũng như phương pháp tác chiến. 

Một UAV của Không quân Mỹ. Ảnh: AFP
Một UAV của Không quân Mỹ. Ảnh: AFP

Những tính năng của UAV

Theo Gazeta.ru, UAV là phương tiện bay được điều khiển từ xa, tự bay theo lộ trình định sẵn hoặc theo điều khiển của các hệ thống máy tính. Thời gian qua, UAV không ngừng được nâng cấp, phát triển và có nhiều biến thể. Thiết bị bay có kích thước nhỏ hơn và động cơ ở mức trung bình được gọi là “drone” và biến thể mới nhất của nó là “flycam” - drone gắn camera. UAV được sử dụng phục vụ các mục đích dân dụng, thương mại hoặc quân sự, có giá từ vài nghìn tới hàng chục triệu USD, trọng lượng từ dưới 1 kg cho tới hơn 20 tấn. Theo giới chuyên gia, sự xuất hiện của UAV là cuộc cách mạng trong lĩnh vực thu tin, giám sát và theo dõi trên thực địa, chụp ảnh phục vụ nghiên cứu khoa học hoặc tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn, vận chuyển hàng hóa, giám sát các công trình xây dựng…

Trong quân sự, vai trò của UAV đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Sự phát triển của công nghệ giúp các thiết bị này ngày càng hiện đại và đa năng hơn, có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Hệ quả là các hệ thống UAV trở nên phong phú, và hiện diện ngày càng phổ biến trên chiến trường. Theo tài liệu mới được Trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Bard (New York) công bố, số lượng các quốc gia sở hữu UAV quân sự đã tăng vọt trong thập niên qua, từ con số 60 quốc gia vào năm 2010 lên 100 vào năm 2020, với hơn 170 loại UAV đang hoạt động trên toàn cầu. Tài liệu này cũng tiết lộ, có hơn 21 nghìn UAV đang phục vụ trong quân đội các quốc gia, nhưng trên thực tế, con số còn cao hơn rất nhiều lần do tính chất bảo mật quân sự. 

Tương lai của chiến tranh

Theo các chuyên gia của trang Bình luận quân sự (Nga), trong tương lai, xu hướng phát triển máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) trang bị trên tàu sân bay là tất yếu của các cường quốc quân sự. UAV hiện còn đảm nhiệm vai trò trong các nhiệm vụ rủi ro cao như tiến công bằng tên lửa và bom; phá hủy, ngăn chặn các hệ thống phòng không, không thám chiến thuật chiến trường; tiến hành nhiệm vụ tìm kiếm và giải cứu. Ngoài ra, UAV có thể giám sát từ trên cao giúp bảo vệ an ninh một cách tối ưu, chống cướp biển, đóng vai trò làm bia ngắm bắn cho các hệ thống vũ khí trên mặt đất và trên không...

Những năm gần đây, các cường quốc quân sự đầu tư khoản ngân sách lớn để phát triển UAV chuyên dụng, có thể dẫn tới một bước ngoặt trong tác chiến. Hiện, nhiều loại UAV được tích hợp khí tài trinh sát quang điện tử, vũ khí nhẹ song có độ chính xác cao và khả năng chỉ thị mục tiêu cho phương tiện chiến đấu hạng nặng (xe tăng T-14 Armata, các tổ hợp tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình). Trong chiến đấu, tàu chiến, xe tăng, máy bay không nhất thiết phải bật radar để tránh đối phương “nhìn thấy” do các UAV sẽ được sử dụng để làm nhiệm vụ phát hiện hoặc tiêu diệt mục tiêu, nâng cao khả năng chiến đấu và giúp giành lợi thế trên chiến trường.

Đặc biệt, UAV là một đường đua hấp dẫn trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là Mỹ, Nga, Trung Quốc. Tháng 10-2016, Mỹ tiến hành thử nghiệm UAV quân sự siêu nhỏ “Perdix” (dài chỉ 16 cm), được phóng từ ba máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet để thực hiện các nhiệm vụ như chế áp điện tử, tiến công hệ thống phòng không, vị trí bố trí vũ khí tiến công và các mục tiêu quan trọng của đối phương. Perdix hoạt động tự động, có thể phối hợp bay theo đội hình, làm nhiệm vụ tình báo, trinh sát và tiến công theo chương trình đặt sẵn.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang theo đuổi chương trình “Offensive Swarm-enabled Tactics”, cho phép lực lượng bộ binh tương lai điều khiển cùng lúc 250 UAV trong điều kiện phức tạp của các chiến dịch quân sự trong thành thị. UAV của quân đội Mỹ được giới chuyên gia đánh giá có công nghệ tiên tiến nhất, chủng loại đa dạng nhất. Loại RQ-4A Global Hawk đã giữ kỷ lục về ba chỉ số thời gian bay, tầm bay và độ cao trong nhiều năm. Loại X-47B mới có thể cất, hạ cánh trên tàu sân bay, và UAV tiến công MQ-1 Predator. Phiên bản nâng cấp của MQ-1 Predator là MQ-9 Reaper và RQ-11 Raven, với khả năng chiến đấu ưu việt, là những mẫu tốt nhất đang hoạt động trong lĩnh vực UAV quân sự của quân đội Mỹ. 

So với Mỹ, thì Trung Quốc trang bị UAV trong quân sự muộn hơn. Chẳng hạn, UAV Xianglong (tương tự như RQ-4 Global Hawk) bay lần đầu vào năm 2012, và UAV CH-4 tương tự MQ-1 Predator của Mỹ bay lần đầu vào năm 2013. Tuy nhiên, cũng có thể thấy UAV quân sự của Trung Quốc đã có sự phát triển đáng kể sau khi bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Quân đội Trung Quốc đã lần đầu bay thử một chiếc UAV tàng hình cỡ lớn Lijian và cho ra đời CH-5, một phiên bản nâng cao của CH-4. Thời gian bay của CH-5 có thể tăng từ 30 giờ lên hơn 100 giờ, tốc độ tối đa tăng từ dưới 250 lên 400 km/giờ. Đặc biệt, phạm vi trinh sát và chiến đấu của CH-5 đã được nâng cấp từ 20 lên 80 km. Những cải tiến về chức năng từ CH-4 lên CH-5 thể hiện một xu hướng phát triển quan trọng của UAV tiến công, đó là hiệu quả trinh sát độc lập và hiệu suất chiến đấu tốt hơn.

Nga cũng là một trong những cường quốc UAV trên thế giới. Nếu tính về số lượng UAV đang có, Nga chỉ đứng sau Mỹ và Israel. Hơn một thập kỷ qua, các UAV đa chức năng đã được quân đội Nga nghiên cứu, thiết kế và chế tạo, từng bước đưa vào trang bị cho các lực lượng vũ trang. Hiện, Nga đã xây dựng được một trong những binh chủng UAV lớn nhất thế giới và trong tương lai, binh chủng này sẽ còn phát triển và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn. Một số lớp UAV đã có trong biên chế của lục quân, không quân, hải quân và một số cơ cấu vũ trang khác của Nga. 

Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong biên chế của quân đội nước này hiện có 70 đại đội chịu trách nhiệm khai thác sử dụng UAV, sở hữu hàng trăm tổ hợp UAV khác nhau, trong đó có ít nhất là 2.000 thiết bị bay. Phần lớn UAV trang bị cho lục quân Nga là các UAV hạng nhẹ, chủ yếu thực hiện chức năng giám sát, trinh sát. Phổ biến nhất là tổ hợp Orlan-10, nặng 14 kg/chiếc, có khả năng mang tải trọng 5 kg. UAV Eleron được thiết kế có trọng lượng từ 3,4 đến 15 kg; có thể hoạt động trên không trong một khoảng thời gian dài và tiến hành trinh sát một cách bí mật, khó bị phát hiện. Ngoài ra, Nga còn đang hoàn thành dự án chế tạo UAV Forpost-R, với trọng lượng nặng hơn, thời gian bay nhiều hơn so UAV tiền nhiệm (Forpost), chỉ sử dụng các linh kiện và phần mềm của Nga. Hiện, quân đội Nga cũng đang sử dụng hàng loạt drone nhỏ trong tác chiến. Ngoài việc dùng cho các hoạt động do thám, trinh sát, tuần tiễu, Nga còn có kế hoạch sử dụng drone tiến công các mục tiêu, biến các thiết bị bay này trở thành vũ khí cực kỳ hiệu quả trên mặt đất, trên biển hoặc trên không. 

Có thể thấy, chiến tranh hiện đại đã chuyển sang một cấp độ công nghệ mới, khi con người được thay thế bằng máy móc, công nghệ không người lái. Kết quả là thương vong về người sẽ giảm đáng kể trong các cuộc chiến tương lai, khi UAV và những thiết bị chiến đấu tự hành khác đảm nhận hầu hết các nhiệm vụ.