Uruguay chống tham nhũng

Trong nhiều năm, thông qua các cơ chế kiểm soát, minh bạch thông tin, Uruguay đã kiểm soát rất hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Và quốc gia này đã được Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp hạng trong sạch nhất khu vực Mỹ latin.

Biếm họa của BANEGAS
Biếm họa của BANEGAS

Bảo đảm minh bạch trong hoạt động

Uruguay là quốc gia nhỏ tại Nam Mỹ, với dân số khoảng 3,5 triệu người (số liệu năm 2018). Năm 2019, theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Uruguay đứng thứ 21 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về Chỉ số cảm nhận tham nhũng, trở thành quốc gia ít tham nhũng nhất ở Mỹ latin. Các DNNN của Uruguay đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế, bao trùm những lĩnh vực như dầu mỏ, điện, viễn thông, tài chính, nước, vệ sinh và cơ sở hạ tầng. DNNN đều trực thuộc chính quyền trung ương, không có DNNN ở địa phương. Khu vực doanh nghiệp này sử dụng khoảng 35.000 lao động, tương ứng 16,8% việc làm trong khu vực công.

Theo Hiến pháp nước này, DNNN do hội đồng quản trị quản lý. Thành viên hội đồng quản trị được Tổng thống bổ nhiệm sau khi được Thượng viện phê chuẩn. Tương tự, các giám đốc DNNN đều được Tổng thống lựa chọn khi có sự chấp thuận của Thượng viện. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) phân tích hoạt động quản trị các DNNN ở Uruguay cho thấy, việc bổ nhiệm thành viên hội đồng quản trị thường được định hình bởi các đảng chính trị. Theo truyền thống, đảng chiếm đa số trong Quốc hội được chỉ định 60% thành viên hội đồng quản trị, 40% còn lại do phe đối lập chỉ định. Giám đốc và quản lý cấp cao của DNNN thường được thay thế sau mỗi kỳ bầu cử, hoặc hết nhiệm kỳ chính phủ.

Theo WB, các DNNN ở Uruguay tạo được uy tín đối với chính phủ nhờ hiệu quả hoạt động tốt. DNNN được giám sát chặt chẽ bởi nhiều cơ quan, như Văn phòng Ngân sách & Kế hoạch (OPP), Bộ Tài chính (MF) và các bộ, ngành khác. Trong đó, OPP là cơ quan trực tiếp giám sát DNNN, chịu trách nhiệm lập kế hoạch chung đối với khu vực công. Giám đốc OPP chịu trách nhiệm trực tiếp trước Tổng thống và được miễn trừ chất vấn trước Quốc hội. OPP tư vấn cho Tổng thống về các vấn đề kinh tế và kỹ thuật khác nhau. Mặc dù được hưởng một số quyền tự chủ ngân sách và tài chính, DNNN phải báo cáo mọi quyết định kinh tế, tài chính cùng tài liệu kinh doanh cho OPP, thông qua Ban Doanh nghiệp công cộng (DEP). Ban này có nhiệm vụ hướng dẫn chính sách và ngân sách cho các DNNN; kiểm tra và phê duyệt ngân sách do các DNNN đề xuất; giám sát những thỏa thuận quản lý đã ký giữa cơ quan hành pháp với DNNN; kiểm tra cơ cấu chi; sửa đổi và điều chỉnh cơ cấu tổ chức và tiền lương; kiểm tra bảng cân đối kế toán; đánh giá các dự án đầu tư có chi phí vượt quá ngưỡng tối thiểu; giám sát các chương trình tài chính.

Bộ Tài chính cũng có vai trò giám sát các DNNN. Thông qua đơn vị Tư vấn kinh tế vĩ mô, bộ này đưa ra hướng dẫn kinh tế vĩ mô mà OPP và các DNNN phải tuân thủ khi xây dựng kế hoạch đầu tư. Bộ Tài chính bảo đảm rằng, các DNNN hoạt động trong khuôn khổ chương trình tài chính của Chính phủ theo kế hoạch 5 năm và xem xét ngân sách hằng năm.

Môi trường kinh doanh trong sạch, cạnh tranh

Theo Tổ chức Liêm chính GAN (chuyên về chống tham nhũng trong kinh doanh), năm 2019, môi trường đầu tư của Uruguay rất tốt do quốc gia này duy trì được hệ thống pháp lý ổn định, đối xử bình đẳng giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư có thể tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ các khoản đầu tư ra nước ngoài, trong khi nhà đầu tư quốc tế có thể lựa chọn trọng tài kinh tế hoặc hệ thống tư pháp để giải quyết các tranh chấp.

Chỉ số kinh doanh năm 2019 của WB xếp Uruguay đứng thứ 5 trong số 12 quốc gia ở Nam Mỹ và vị trí 95 trên tổng số 190 nước trên thế giới. Một khảo sát năm 2018 của Cơ quan xúc tiến xuất khẩu - đầu tư và Bộ Kinh tế Uruguay cho thấy, khoảng một nửa các nhà đầu tư nước ngoài hài lòng hoặc rất hài lòng với môi trường đầu tư của Uruguay, chủ yếu nhờ luật pháp rõ ràng, ổn định kinh tế vĩ mô, vị trí chiến lược và ưu đãi đầu tư. Hầu như tất cả nhà đầu tư đều hài lòng hoặc rất hài lòng với các khu vực thương mại tự do và khu kinh tế tự do của Uruguay. Mặt khác, khoảng một phần tư các nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về chi phí lao động và thuế cao, hoạt động của công đoàn và xung đột lao động.

Thời gian qua, một số DNNN độc quyền đã mở cửa cho khu vực tư nhân cạnh tranh, như các lĩnh vực viễn thông, bảo hiểm và truyền thông. Chính phủ cho phép khu vực tư nhân sản xuất năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, tuy nhiên, Công ty điện nhà nước vẫn giữ độc quyền trong truyền điện. Các công ty nhà nước có xu hướng chiếm thị phần lớn nhất trong các lĩnh vực mở ra cạnh tranh.

Để làm trong sạch khu vực công, tạo tiền đề chống tham nhũng trong DNNN, Uruguay đã thông qua một bộ luật ngăn chặn hối lộ và các hành vi tham nhũng khác. Năm 1998, chính phủ nước này đã phê chuẩn một đạo luật chống tham nhũng trong khu vực công. Theo Bộ luật hình sự của Uruguay, nhận hối lộ được coi là một trọng tội. Chính phủ đã truy tố một số quan chức cấp cao từ các cơ quan hành pháp, tư pháp và Quốc hội vì tội tham nhũng.

Ủy ban Minh bạch & Đạo đức công cộng là cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm xử lý tham nhũng ở khu vực công. Mặc dù chỉ là một văn phòng cấp thấp với thẩm quyền hạn chế, song ủy ban này tạo dấu ấn trong vụ việc Phó Tổng thống Uruguay Raúl Sendic từ chức vào năm 2017. Ông Sendic bị cáo buộc lạm dụng quyền hạn, vi phạm đạo đức chính trị khi sử dụng quỹ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia cho chi tiêu cá nhân khi ông đảm nhiệm chức Chủ tịch Tập đoàn. Kể từ đó, ủy ban này đóng một vai trò mạnh mẽ hơn trong việc tố cáo chủ nghĩa gia đình trị trong khu vực công. Hằng năm, ủy ban liệt kê tên các quan chức chính phủ phải công khai thu nhập, tài sản trên trang web của mình và thông báo cho cơ quan những người này biết để thực hiện.

Theo báo cáo về môi trường đầu tư năm 2019 của Bộ Ngoại giao Mỹ, tham nhũng ở mức nguy cơ thấp đối với các công ty hoạt động tại Uruguay. Luật Chống hối lộ nghiêm cấm các quan chức nhà nước nhận hối lộ hoặc các khoản thanh toán để tạo lợi thế, trong khi những cá nhân trả tiền hối lộ hoặc thanh toán để tạo lợi thế sẽ phải chịu trách nhiệm về hình sự. Hình phạt tối đa là phạt tiền hoặc phạt tù tới sáu năm đối với cá nhân, không áp dụng cho công ty.

Nguy cơ tham nhũng cũng thấp trong các ngành cảnh sát, các dịch vụ cấp phép, quản lý đất đai, thuế, hải quan và nguy cơ tham nhũng vừa phải trong lĩnh vực mua sắm công. Cáo buộc tham nhũng trong ngành cảnh sát thường được giải quyết tại các tòa án. Năm 2015, sau một cuộc điều tra kéo dài ba năm, chín nhân viên cảnh sát đã bị truy tố vì tham nhũng, lạm dụng chức vụ và lừa đảo.

Bên cạnh đó, báo chí Uruguay được đánh giá là tự do nhất ở khu vực Mỹ latin. Nhiều cơ quan truyền thông thuộc sở hữu tư nhân và không bị áp lực bên ngoài. Công chúng được cấp quyền truy cập vào thông tin của chính phủ theo luật định. Việc thực hiện các thủ tục hành chính trong các cơ quan chính phủ cũng được bảo đảm tính minh bạch.

Dù còn một số hạn chế đối với công tác quản lý DNNN, song xu hướng chủ đạo của DNNN Uruguay là minh bạch, được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá cao. Chính vì vậy, Uruguay trở thành trung tâm tài chính lớn tại Nam Mỹ và là thị trường dành cho người tiêu dùng có thu nhập cao.