“Tuyến cao tốc” nối Việt Nam và EU

Việc Quốc hội Việt Nam thông qua EVFTA và EVIPA đã “bật đèn xanh” cho việc thực thi hiệp định EVFTA, tạo tiền đề để cơ quan lập pháp của các quốc gia thành viên EU xem xét, phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là EVIPA, trong thời gian tới. Cùng với EVFTA, EVIPA được kỳ vọng cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, giúp Việt Nam giải quyết được một trong vấn đề khó khăn khi thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước phát triển như EU. Đây cũng được xem là cơ hội tăng trưởng và phát triển “có một không hai” của cả hai bên.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Đông - Nam Á. Ảnh: HẢI NAM
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Đông - Nam Á. Ảnh: HẢI NAM

Kỳ 2: Cơ hội từ EVIPA

“Thỏi nam châm” thu hút đầu tư

Khác với một hiệp định thương mại, các điều khoản của EVIPA tập trung khía cạnh pháp lý của đầu tư. Theo đó, hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc trong lĩnh vực đầu tư; cam kết đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài; cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng; cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba khi bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn... Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa một bên và nhà đầu tư của bên kia, hai bên thống nhất ưu tiên giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua đàm phán, hòa giải. Trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, hòa giải mới sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể trong Hiệp định này.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, Hiệp định EVFTA sẽ sớm có hiệu lực, trong khi EVIPA sẽ được triển khai sau khi được từng quốc gia thành viên EU phê chuẩn. EuroCham hoan nghênh việc Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu tích cực cho hai Hiệp định EVFTA và EVIPA, sự kiện này cũng đánh dấu một khởi đầu mới trong mối quan hệ giữa Việt Nam và EU, mở ra thị trường mới cho đầu tư và đổi mới của châu Âu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam.

Theo EuroCham, hai hiệp định lịch sử này tượng trưng cho sự ghi nhận và tin tưởng đối với Việt Nam, khi đây là quốc gia thứ hai trong ASEAN ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới” với EU. Trang Euronews của châu Âu nhận định, EU đặt kỳ vọng cao trong việc ký kết EVFTA để tiếp tục đà phát triển. Cùng với đó, việc các nước thành viên tiếp tục xem xét thông qua EVIPA dự kiến sẽ giúp đầu tư của châu Âu vào Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể. Điều này sẽ thay thế các thỏa thuận song phương kiểu cũ và cung cấp sự bảo vệ đầu tư cao thông qua các tiêu chuẩn được xác định rõ ràng.

EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ năm của Việt Nam. Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đóng một vai trò lớn với sự phát triển kinh tế và EVIPA sẽ khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là từ EU. Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, không chỉ về phía Việt Nam mà với EU, EVFTA và EVIPA là các hiệp định có mức độ cam kết sâu rộng nhất của EU với một thành viên đang phát triển, do đó quá trình phê chuẩn cần tuân thủ các quy định chặt chẽ của Nghị viện châu Âu (EP) và của cơ quan lập pháp các quốc gia thành viên. Việc xem xét phê chuẩn phải đi đôi với bảo đảm hiệu quả thực thi. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ gia tăng, các biến động trong chính trị nội bộ của EU, đặc biệt tiến trình Anh rời EU (Brexit), quan điểm và lợi ích khác biệt trong nội bộ EP, sự khác nhau về trình độ phát triển, thể chế chính trị - xã hội giữa hai bên,... cũng đặt ra nhiều thách thức trong quá trình xem xét, phê chuẩn hai hiệp định.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, kết quả bỏ phiếu tại EP hồi tháng 2 vừa qua cho thấy phần lớn các nghị sĩ ủng hộ EVFTA và EVIPA, nhưng cũng có một bộ phận chưa thể hiện quan điểm tích cực. Một số đảng trong EP kiên quyết theo đuổi chính sách bảo hộ thị trường nội địa, không ủng hộ các thỏa thuận thương mại tự do, mặc dù ủng hộ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và đánh giá cao vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam. Nhiều nhóm nghị sĩ lại đặc biệt quan tâm những vấn đề về phát triển bền vững, chống đánh bắt cá trái phép, việc thực thi các tiêu chuẩn cao về lao động, quyền con người, lao động trẻ em, các cơ chế bảo đảm hiệu quả thực thi...

Do vậy, quá trình trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, giúp các nước thành viên EU và hơn 700 nghị sĩ EP hiểu về thực tế khách quan ở Việt Nam, nỗ lực cải cách và hội nhập của Việt Nam, phối hợp giải quyết những vấn đề cùng quan tâm là hết sức cần thiết. Song, cốt lõi vẫn nằm ở vai trò của doanh nghiệp để thúc đẩy thương mại giữa hai bên. Khi thương mại diễn ra tốt đẹp, các nhà đầu tư EU mới nhìn thấy tiềm năng và tìm tới đầu tư tại Việt Nam. Các công ty của mỗi bên cần phải biết và hiểu rõ hơn về đối tác của mình, đây là yêu cầu quan trọng nhất trong xúc tiến đầu tư cũng như thương mại.

Tín hiệu quan trọng đối với thương mại tự do

Đưa tin về việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hai hiệp định EVFTA và EVIPA, hãng tin Pháp AFP nhận định: “Các nước châu Âu cũng háo hức tham gia thị trường 95 triệu dân với nhu cầu tiêu dùng cao của Việt Nam”. Trước đó, tờ DW của Đức dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức, ông Peter Altmaier cho biết, Việt Nam là thị trường đạt mức tăng trưởng cao, với tiềm năng thị trường rất lớn cho các sản phẩm và dịch vụ của châu Âu, do đó việc hai bên triển khai hiệp định sẽ mở ra tiềm năng thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp châu Âu. Bộ trưởng Peter Altmaier cũng coi hai thỏa thuận của EU với Việt Nam là “tín hiệu quan trọng cho thương mại tự do cũng như chống lại chủ nghĩa bảo hộ”.

Đưa tin “Việt Nam phê chuẩn thỏa thuận thương mại lớn với EU”, trang Euronews nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Đông - Nam Á. Thương mại hai chiều giữa Hà Nội và EU lên tới 56 tỷ USD (tương đương 49,5 tỷ euro) vào năm 2019. Trong điều kiện đó, hai Hiệp định EVFTA và EVIPA bảo đảm cho các sản phẩm của châu Âu tiếp cận Việt Nam, một thị trường ngày càng trở nên quan trọng hơn.

DW trích lời ông Erwin Schweissmus, cựu Giám đốc Quỹ Friedrich-Ebert tại Việt Nam cho rằng, EVFTA là một phần của chiến lược kinh tế rộng lớn hơn của EU ở Đông - Nam Á: “Về lâu dài, có thể có một thỏa thuận ASEAN - EU”. Ông Schweissmus nói thêm rằng, Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược đối với EU khi đang nỗ lực thể hiện là quốc gia có trách nhiệm trong khu vực.

Còn theo France 24, thỏa thuận thương mại và đầu tư với Việt Nam được gọi là “cơ hội duy nhất” để EU tăng cường thương mại và ảnh hưởng ở Đông - Nam Á. Mặc dù vậy, theo báo này, các bên cũng cần chú ý cam kết thực hiện các mục tiêu liên quan khí hậu, môi trường song hành với phát triển thương mại và đầu tư. Với tầm quan trọng chiến lược và đạt được trong một thời điểm có ý nghĩa như hiện nay, việc triển khai và xúc tiến EVFTA và EVIPA được coi là hai “đường cao tốc” quy mô lớn để kết nối thị trường Việt Nam với EU, là động lực để doanh nghiệp hai bên hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.