“Tuyến cao tốc” nối Việt Nam và EU

Ngày 8-6-2020, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Hai hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cũng như cơ hội tiếp cận thị trường trị giá khoảng 18.000 tỷ USD cho doanh nghiệp trong nước, song kèm theo đó cũng là những thách thức mới đối với nền kinh tế nước ta.

EVFTA sẽ giúp dỡ bỏ nhiều loại thuế với hàng hóa của Việt Nam. Ảnh: HẢI NAM
EVFTA sẽ giúp dỡ bỏ nhiều loại thuế với hàng hóa của Việt Nam. Ảnh: HẢI NAM

Kỳ 1: Những nỗ lực hướng tới EVFTA

Những nỗ lực “bắc cầu” hợp tác

EVFTA được xem là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với nhiều cam kết sâu rộng và tiên tiến hàng đầu trong số các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia. Hiệp định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu đang chịu những tác động mạnh mẽ từ hậu quả của đại dịch Covid-19.

Trước khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hai hiệp định này, ngày 12-2-2020, trong phiên họp toàn thể diễn ra tại Strasbourg (Pháp), các nghị sĩ thuộc Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã biểu quyết phê chuẩn EVFTA và EVIPA giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Việt Nam. Hai hiệp định được EU xem là thỏa thuận tham vọng, chi tiết và hiện đại nhất mà khối này đã ký với một nước đang phát triển. Các nước EU cũng coi đây là một bước đi quan trọng, được 27 quốc gia thành viên EU và Việt Nam, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp, hết sức trông đợi sau gần tám năm kể từ khi hai bên chính thức khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 6-2012. Trong đó, thời gian đàm phán chỉ mất ba năm (từ năm 2012 đến 2015), còn lại là thời gian hoàn tất các thủ tục để hai bên phê chuẩn.

Từ tháng 10-2010, hai bên đồng ý khởi động đàm phán và đến tháng 6-2012 bắt đầu đàm phán hiệp định. Trong thời gian từ tháng 10-2012 đến tháng 8-2015, tổng cộng có 14 vòng đàm phán chính thức cùng nhiều phiên đàm phán giữa kỳ đã diễn ra và đến ngày 4-8-2015 kết thúc cơ bản đàm phán. Ngày 1-12-2015, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 1-2-2016, văn bản hiệp định đã được công bố. Ngày 26-6-2018, một bước đi mới được thống nhất khi hiệp định được tách làm hai cấu phần là EVFTA và EVIPA, đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với EVFTA. Tháng 8-2018, quá trình rà soát pháp lý đối với EVIPA cũng được hoàn tất.

Hai hiệp định được ký kết ngày 30-6-2019 tại Hà Nội trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström. EVFTA và EVIPA được EP phê chuẩn vào ngày 12-2 và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8-6. Đối với EVFTA, sau khi được phê chuẩn, hiệp định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-8-2020, còn EVIPA sẽ cần phải được cơ quan lập pháp của tất cả 27 nước thành viên EU phê chuẩn để chính thức hiệu lực. Theo chia sẻ của Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, quá trình vận động EU ủng hộ để xúc tiến hai hiệp định là kết quả của những nỗ lực lớn của Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ban, ngành liên quan. Lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các cấp của cả Việt Nam và EU đều ủng hộ, coi trọng việc ký kết và phê chuẩn hai hiệp định.

Sau khi được tách thành hai hiệp định, kể từ đầu năm 2018, nhiều chuyến ngoại giao con thoi giữa hai bên đã được tiến hành nhằm vận động, thông tin cho các cơ quan của EU về các điều khoản, lộ trình của các hiệp định. Mỗi cột mốc trong tiến trình xem xét, ký kết các hiệp định đều gắn liền với nỗ lực ngoại giao, vận động giữa hai bên. Nhiều đoàn đặc phái viên Việt Nam đã tiến hành vận động trực tiếp, cung cấp đầy đủ thông tin, giải thích, nêu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của hai hiệp định đối với hai bên.

Thách thức song hành cơ hội

Sau gần 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11-1990, quan hệ Việt Nam và EU đã phát triển nhanh chóng. Năm 2012, hai bên đã ký Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA). Hai bên nhất trí đánh giá việc triển khai EVFTA và EVIPA sẽ tạo những động lực mới nâng tầm quan hệ Việt Nam - EU trong thập kỷ thứ tư của chặng đường phát triển quan hệ giữa hai bên. Với việc ký kết EVFTA, EU đã ký và triển khai FTA với bốn quốc gia châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam, qua đó tạo cơ sở đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế liên khu vực Á - Âu và hợp tác ASEAN - EU.

So các FTA trước đây là cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa và thương mại dịch vụ, hoặc bổ sung các điều khoản bảo hộ đầu tư, sở hữu trí tuệ,… mô hình FTA giữa Việt Nam và EU vừa đạt được là FTA “thế hệ mới”, với nhiều cải tiến quan trọng. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những đặc trưng cơ bản của FTA thế hệ mới, như mức độ cam kết rộng rãi nhất, không có loại trừ (bao gồm gần như toàn bộ hàng hóa, dịch vụ); mức độ cam kết sâu nhất vì cắt giảm thuế gần như về 0% theo lộ trình; cơ chế thực thi chặt chẽ; bao gồm những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ…

Theo các nghiên cứu, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025; GDP của EU ước tính sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu tăng 29% vào năm 2035. Nhờ EVFTA, trong 10 năm tới, mỗi năm sẽ có thêm 150.000 việc làm, 800.000 người thoát nghèo. Hiệp định được đánh giá tạo đà tăng tốc cho xuất khẩu sang EU, khi có tới hơn 80% các loại thuế hải quan sẽ được dỡ bỏ đối với các nhà xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có các ngành quan trọng như dệt may, điện tử, giày dép, nông nghiệp. Bởi vậy, hai hiệp định là cơ hội vàng cho cả hai bên, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động như hiện nay.

Tuy nhiên, một thị trường tiêu chuẩn cao như EU sẽ có những hàng rào kỹ thuật chặt chẽ, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Việc triển khai thực thi thỏa thuận cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, cũng như một số rủi ro từ các vụ kiện tranh chấp thương mại do đối thủ cạnh tranh ở thị trường EU. Ngoài ra, hai hiệp định có thể tạo ra những rào cản mới đối với quá trình phát triển chung, như làm gia tăng khoảng cách tăng trưởng giữa các lĩnh vực, tạo sức ép cho các nhóm ngành chưa phát triển kịp...

Mặc dù vậy, theo đánh giá của EU, EVFTA là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất mà EU từng thỏa thuận với một quốc gia đang phát triển. Việc ký kết hiệp định khẳng định lợi ích chung của Việt Nam và EU trong việc cùng đóng góp thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại và đầu tư bình đẳng, minh bạch và dựa trên luật lệ. Đây cũng là nỗ lực không mệt mỏi của mỗi bên nhằm mở thêm hai tuyến “đường cao tốc” nối EU và Việt Nam, để hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đưa nền kinh tế tiến ra biển lớn bất chấp thách thức chưa từng có đối với toàn cầu do dịch bệnh gây ra.

(Còn nữa)