Tội phạm ma túy tại Đông - Nam Á

Thời gian gần đây, những đường dây tội phạm sản xuất, mua bán, vận chuyển bất hợp pháp ma túy đang diễn biến phức tạp trên thế giới nói chung, khu vực Đông - Nam Á nói riêng. Điểm nóng của tình trạng buôn bán ma túy ở khu vực này vẫn là “Tam giác vàng”, nơi có địa hình rừng núi hiểm trở, nằm giữa biên giới Lào, Thái-lan và Myanmar.

Cảnh sát Thái-lan thu giữ lượng lớn ma túy sau một chiến dịch truy quét. Ảnh: AP
Cảnh sát Thái-lan thu giữ lượng lớn ma túy sau một chiến dịch truy quét. Ảnh: AP

Tội phạm ma túy gia tăng

Theo The Diplomat, trong vài năm trở lại đây, Đông - Nam Á là khu vực trọng điểm của tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Số người sử dụng ma túy ở khu vực đang gia tăng chóng mặt, trong đó ma túy tổng hợp là mặt hàng được buôn bán nhiều nhất. Thống kê cho thấy trong năm 2019, riêng tại Thái-lan đã tịch thu hơn 515 triệu viên ma túy tổng hợp, với nguồn cung cấp chủ yếu từ Myanmar.

Thời gian qua, các chất ma túy tổng hợp dạng amphetamine (ATS) được sử dụng nhiều ở Thái-lan, Campuchia, Lào, Philippines và tình trạng gia tăng sử dụng cần sa tại Indonesia. Đáng lưu ý, tình trạng mua bán và sử dụng ketamine, một chất thường sử dụng chủ yếu trong thuốc thú y đang nổi lên ở một số nước trong khu vực. Ketamine là chất không nằm trong danh mục kiểm soát quốc tế nên khó kiểm soát.

Giới phân tích cho rằng, ở Đông - Nam Á đã có tình trạng bùng nổ của việc sản xuất ma túy trái phép. Khu vực này trở thành nơi sản xuất và là thị trường ma túy tổng hợp lớn nhất trên thế giới. Trong 10 năm qua, lượng ma túy sản xuất ở Đông - Nam Á tăng khoảng 30%, lượng heroin và morphine tăng 88% (từ 7,1 tấn lên 13,3 tấn).

“Tam giác vàng” tiếp tục là trung tâm sản xuất ma túy của khu vực, chủ yếu là thuốc phiện, ma túy tổng hợp dạng viên và tinh thể (đá). Ghi nhận từ các vụ thu giữ ma túy với số lượng lớn kỷ lục ở các quốc gia trong khu vực cho thấy sản lượng thuốc phiện hằng năm ở khu vực “Tam giác vàng” là khoảng 650 tấn. Ma túy tổng hợp, số lượng ma túy đá (methamphetamine) thu giữ ở Đông - Nam Á lên tới 82 tấn, tăng hơn tám lần so giai đoạn 2007 - 2017, chiếm 45% các vụ bắt giữ toàn cầu. Năm 2018, methamphetamine bị thu giữ tại khu vực này là 116 tấn, tăng 210% so năm 2013.

Myanmar vẫn là nước cung cấp methamphetamine dạng viên lớn nhất do bất ổn chính trị ở khu vực phía đông, nơi các nhóm phiến quân kiểm soát. Tội phạm có tổ chức ở khu vực đang tham gia ngày càng sâu vào hoạt động điều chế, vận chuyển ma túy tổng hợp cùng các chất ma túy khác. Chúng không chỉ vận chuyển lượng methamphetamine lớn mà còn bán với giá rất rẻ, khiến giá ma túy tổng hợp ở Đông - Nam Á có giá thấp hơn nhiều so các thị trường khác. Thuốc giá rẻ thường được buôn bán sang Thái-lan, Lào, Trung Quốc, Myanmar. Các tinh thể có độ tinh khiết hơn được đưa đến các cảng và vận chuyển đến Australia, Nhật Bản, New Zealand hay Hàn Quốc.

Đáng chú ý, tội phạm ma túy tại khu vực hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và rất manh động. Từ địa phận “Tam giác vàng” giáp biên giới Myanmar, ma túy được vận chuyển qua Thái-lan, Lào, Campuchia sang Việt Nam và Trung Quốc để đi các nước khác. Gần đây, cơ quan chức năng khu vực cũng đã phát hiện các đường dây vận chuyển cocaine từ các nước Mỹ latin vào châu Á qua ngả Campuchia, Philippines, Việt Nam, Hồng Công (Trung Quốc). Trên các tuyến hàng không, bưu điện và đường biển đã phát hiện một số vụ vận chuyển ma túy, đặc biệt là chuyển phát nhanh qua đường bưu điện từ Mỹ, Hà Lan, Australia, Canada đến khu vực Đông - Nam Á. Đáng chú ý, việc các đường dây ma túy quốc tế lợi dụng tuyến đường biển để vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ khu vực Trung Đông - châu Phi vào khu vực Đông - Nam Á hoặc đi nước thứ ba tiêu thụ diễn ra rất phức tạp.

Khu vực sáu nước Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng đang trở thành trọng điểm của tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có xu thế chuyển dịch từ sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng heroin, thuốc phiện sang ma túy tổng hợp và các loại chất hướng thần. Hoạt động sản xuất, mua bán ma túy ở khu vực này được điều hành bởi các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Do giá thành của các loại ma túy tổng hợp rẻ hơn nhiều so giá bán tại một số nước ngoài khu vực, nên methamphetamine sản xuất tại Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng đang lan nhanh và chiếm lĩnh thị trường thế giới, có mặt tại một số địa bàn mới như Philippines, Indonesia...

Siết chặt phòng, chống tội phạm ma túy

Theo Nikkei, trước bối cảnh phức tạp trên, các quốc gia Đông - Nam Á đã tích cực hợp tác, chủ động đề xuất và tham gia các sáng kiến khu vực nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, nhất là trong khuôn khổ hợp tác giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng và giữa Tiểu vùng với các đối tác như Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC). Đồng thời, các nước Đông - Nam Á còn tích cực tham gia và đóng góp quan trọng tại các hội thảo, hội nghị khu vực và quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường mối quan hệ gắn kết trong phòng, chống tội phạm ma túy trên phạm vi toàn cầu; tăng cường hợp tác với các cơ quan LHQ và tổ chức quốc tế như Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB), Ủy ban Tư vấn kế hoạch Colombo (Colombo Plan), Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) phối hợp triển khai nội dung Công ước LHQ về kiểm soát ma túy; tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các tổ chức này trong công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ cán bộ, các dự án kỹ thuật, thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự liên quan tội phạm ma túy. 

Nỗ lực hợp tác trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy giữa các nước Đông - Nam Á đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại các bất cập nhất định. Theo đó, cơ chế hợp tác nhiều nhưng hiệu quả thực chất mang lại chưa cao, do có sự bất đồng quan điểm trong phòng, chống tội phạm ma túy giữa các nước trên thế giới, tập trung năm vấn đề chính gồm: chính sách ma túy toàn cầu; vấn đề nhân quyền trong phòng, chống ma túy; vấn đề phi hình sự hóa tội phạm ma túy và việc áp dụng hình phạt tương xứng các nước EU; áp dụng án tử hình đối với tội phạm ma túy; vấn đề hợp pháp hóa việc sử dụng một số loại ma túy. Xu hướng hợp pháp hóa việc sử dụng một số loại thuốc giảm đau có chứa tiền chất ma túy (opioid, morphin…) đang được nhiều quốc gia Mỹ latin, châu Âu chấp nhận, với lý do bảo đảm quyền tiếp cận thuốc giảm đau hay duy trì văn hóa, tập tục của người bản địa. Đặc biệt, Chile, Peru, Bolivia, Colombia và Uruguay kêu gọi hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa. Trong khi đó, Nga, Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước châu Á không ủng hộ xu hướng này, cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, vận chuyển các chất hướng thần theo đúng tinh thần Công ước quốc tế của LHQ về kiểm soát ma túy.

Bên cạnh đó, quá trình hợp tác quốc tế vẫn tồn tại những khác biệt và hạn chế, như cơ chế trao đổi thông tin chưa được mở rộng, còn chậm, nhiều thông tin chưa đầy đủ, quy chế phối hợp điều tra, bắt giữ tội phạm lẩn trốn liên quan nước ngoài còn khó khăn do rào cản về pháp lý... Đây là những rào cản lớn đối với nhiệm vụ của lực lượng phòng, chống ma túy các nước trên thế giới, nhất là khu vực Đông - Nam Á. 

Thời gian tới, dự báo tội phạm ma túy vẫn là thách thức lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, là mối nguy hại cho cộng đồng và ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của người dân trên toàn cầu. Đông - Nam Á tiếp tục là một trong những nơi sản xuất và thị trường ma túy tổng hợp lớn trên thế giới. Trong đó, có sự gia tăng đáng báo động của tình hình sản xuất, vận chuyển và mua bán ma túy bất hợp pháp. Các loại ma túy, thị trường ma túy sẽ ngày càng đa dạng, mở rộng. Những thách thức đó đòi hỏi giới chức khu vực là cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn làn sóng tội phạm ma túy xuyên quốc gia hiện nay.