Tình trạng trục lợi trong dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu mua sắm khẩn cấp trang thiết bị y tế tăng cao chưa từng có, kéo theo là cơ hội cho nạn tham nhũng và hối lộ. Bên cạnh những quyết định nhanh chóng và hành động quyết đoán, các chính phủ cũng đồng thời phải bảo đảm nguồn tiền, hàng hóa, vật tư đến đúng người, đúng chỗ và đúng chủng loại.

Tình trạng khan hiếm máy trợ thở làm tăng nguy cơ tham nhũng tại châu Âu. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Tình trạng khan hiếm máy trợ thở làm tăng nguy cơ tham nhũng tại châu Âu. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Lỗ hổng trong quy trình mua sắm khẩn cấp 

Nhiều quốc gia, tổ chức đang mua và nhập khẩu thiết bị vật tư y tế thông qua các quy trình mua sắm khẩn cấp, đồng thời cũng xuất hiện các khiếu nại về sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, giá cả leo thang, nạn hối lộ trong thời Covid-19. Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD phát hiện có đến 57% số vụ việc hối lộ liên quan mua sắm công. Nguy cơ này rất rõ ràng ở các nước đang phát triển, trong đó nhiều vụ hối lộ có yếu tố nước ngoài trong ngành y tế. Nạn hối lộ làm biến dạng thị trường, dẫn đến việc cung cấp các sản phẩm kém chất lượng hoặc sản phẩm giả, gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm và khiến cuộc sống của người dân tiếp tục gặp rủi ro. Trong điều kiện phải tiến hành mua sắm khẩn cấp, có thể xuất hiện nguy cơ không tuân thủ quy trình mua sắm công và quy trình báo cáo, giám sát, gây khó khăn cho việc kiểm toán, kiểm tra hoặc điều tra. Bằng chứng thực tế từ vụ dịch Ebola ở Tây Phi giai đoạn 2013 - 2016 cho thấy các thủ tục mua sắm đã bị nhiều cơ quan chính phủ phớt lờ. Trong đại dịch Covid-19, cơ quan y tế tại một số quốc gia đã lách luật trong mua sắm khẩn cấp, dẫn đến những lổ hổng về quy trình pháp lý. 

Một số quốc gia áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu và hạn chế đối với hàng hóa thiết yếu như khẩu trang, máy thở để bảo đảm nguồn cung của quốc gia. Nhu cầu tăng cao đối với một số sản phẩm cũng làm tăng nguy cơ gian lận và hành vi sai trái của các nhà cung cấp. Bên cạnh việc phải chấp nhận biến động giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, các chính phủ buộc phải mua khẩn cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ y tế cần thiết để đối phó cuộc khủng hoảng Covid-19. 

Cuộc chiến với Covid-19 ở Nam Phi, quốc gia có số lượng trường hợp mắc bệnh Covid-19 cao thứ 5 trên thế giới, đang bị ảnh hưởng bởi các cáo buộc tham nhũng quanh gói cứu trợ kinh tế trị giá 26 tỷ USD. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố tiến hành một cuộc điều tra trên phạm vi rộng đối với các quan chức và công ty tư nhân bị cáo buộc tham nhũng. Ông Ramaphosa nói: “Hơn bất cứ lúc nào, tham nhũng khiến cuộc sống của chúng ta gặp nguy hiểm. Thực phẩm cho người nghèo, thiết bị bảo vệ cá nhân cho nhân viên y tế, hỗ trợ cho những người mất việc… đều bị ảnh hưởng”. 

Tính đến ngày 4-8, Nam Phi có hơn 511.485 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đã được xác nhận và hơn 8.366 ca tử vong. Hơn 5.000 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh. Bệnh viện công đang phải vật lộn chống đỡ. Trong khi đó, nạn đầu cơ và tăng giá quá mức các vật tư cấp thiết đang diễn ra. Sau khi tăng giá khẩu trang lên tới 900%, các công ty Sicuro Safety và Hennox Supplies đã nhận tội và bị phạt nặng. Tại tỉnh Kwazulu-Natal, chính phủ đã đình chỉ công tác các quan chức bị cáo buộc lợi dụng dịch bệnh để mua quá nhiều hàng hóa trị giá tới 2,4 triệu USD cho thiết bị bảo vệ cá nhân và chăn màn cho người nghèo.

Sở y tế tỉnh Eastern Cape, một trong những vùng nghèo nhất và là điểm nóng Covid-19 ở Nam Phi, đang đối mặt cáo buộc mua 100 chiếc xe máy tay ga cứu thương với giá 5.993 USD/chiếc, trong khi giá bán lẻ của loại xe này chỉ là 2.337 USD mỗi chiếc. Các cơ sở y tế cũng ghi nhận những hành vi tham nhũng, như thanh toán các khoản không chính thức, kê đơn quá mức, thiên vị và tình trạng đặc cách trong đối xử với bệnh nhân nhiễm Covid-19. 

Ở Việt Nam cũng đã phát hiện và xử lý một số trường hợp lợi dụng dịch bệnh để tham nhũng và bán hàng giả. Đáng chú ý là vụ việc xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội. Giám đốc cơ quan này thông đồng với các nhà cung cấp nâng giá thiết bị y tế lên gần ba lần. Các thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống dịch Covid-19 được nâng khống giá, bao gồm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR, bình bơm tay của Đức, hệ thống đo thân nhiệt từ xa bằng camera hồng ngoại. Hiện nay, cơ quan chức năng TP Hà Nội cũng đang làm rõ vụ làm giả, buôn bán 14.587 bộ trang phục phòng dịch do Trương Thị Bình, Phó Giám đốc Công ty Đức Anh và đồng phạm thực hiện. Thủ đoạn của các đối tượng là mua những bộ trang phục bảo hộ rời, in tem, nhãn mác giả đem bán thu lời bất chính.

Quan ngại khi giải ngân các gói tài trợ khẩn cấp

Để chữa trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19, cần phải có kinh phí để mua thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ chăm sóc đặc biệt. Các nước châu Âu đang phải tranh giành mua máy thở để đối phó khủng hoảng. Chi phí cho một máy thở tiêu chuẩn là 25.000 USD và cần bảo trì thường xuyên. Sự khan hiếm máy thở và các thiết bị chăm sóc đặc biệt khác sẽ làm tăng nguy cơ tham nhũng trong việc mua sắm các mặt hàng này. Nhận diện nguy cơ tham nhũng trong đại dịch, nhiều quốc gia ban hành hoặc sửa đổi quy định về mua sắm khẩn cấp. 

Australia đã ban hành Kế hoạch ứng phó khẩn cấp của ngành y tế đối với Covid-19, trong đó có mua sắm hàng hóa. Cục Hàng hóa điều trị thuộc Bộ Y tế Australia đang theo dõi một số vấn đề liên quan mua sắm hàng hóa điều trị, bao gồm thuốc và thiết bị y tế như khẩu trang, máy thở. 

Tất cả các bang và vùng lãnh thổ, trừ bang New South Wales, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cho phép người đứng đầu ngành y tế có toàn quyền đưa ra quyết định liên quan sức khỏe, trong đó có quyết định mua sắm và mua sắm khẩn cấp. Hầu hết các bang và vùng lãnh thổ đã ban hành hướng dẫn mua sắm khẩn cấp đối với các cơ quan ký hợp đồng. Chẳng hạn, bang Tây Australia ban hành hướng dẫn cảnh báo người mua. Bang Queensland thúc đẩy mua sắm linh hoạt, ưu tiên sử dụng các nhà cung cấp địa phương. Hướng dẫn chi tiết về mua sắm khẩn cấp của bang này phân chia ba loại mua sắm, gồm: đáp ứng khẩn cấp, cứu trợ khẩn cấp bền vững và đáp ứng phục hồi.

Để hỗ trợ các quốc gia trong phòng, chống dịch Covid-19, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã chuẩn bị hơn 83 tỷ USD cho hơn 80 quốc gia vay. Tuy nhiên, một số tổ chức quốc tế tỏ ra lo ngại việc sử dụng số tiền không đúng mục đích. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva phát đi thông điệp yêu cầu các nước nhận hỗ trợ tài chính Covid-19 phải bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với các khoản vay. Tổ chức Minh bạch quốc tế tiến hành theo dõi thông tin về khoản tài trợ khẩn cấp của IMF bằng cách thiết lập biểu đồ đánh giá các biện pháp chống tham nhũng và minh bạch đối với thỏa thuận cho vay. Các biện pháp phổ biến nhất là kiểm toán chi tiêu liên quan Covid-19, mua sắm công và quyền sở hữu hưởng lợi.

Vấn đề lợi dụng dịch bệnh thu lợi bất chính đang diễn ra ở nhiều nước, với nhiều thủ đoạn khác nhau. Chắc chắn những kẽ hở của các hệ thống y tế sẽ bị khai thác tối đa trong dịch bệnh. Do đó, các quốc gia vừa chống dịch nhưng vừa phải chống tham nhũng mới bảo đảm đẩy lùi đại dịch Covid-19.