Tình trạng ô nhiễm nhựa ở đại dương

Mới đây, một nhóm nhà nghiên cứu do các nhà khoa học Mỹ dẫn đầu thông báo đã phát hiện những mảnh nhựa nhỏ trong băng ở Bắc Cực. Phát hiện này cho thấy hậu quả, mức độ nghiêm trọng của việc sử dụng các vật dụng nhựa, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở các đại dương.

Các nhà khoa học thu thập mẫu băng ở Nam Cực. Ảnh: NEW ATLAS
Các nhà khoa học thu thập mẫu băng ở Nam Cực. Ảnh: NEW ATLAS

Phát hiện gây sốc

Trong chuyến thám hiểm bằng tàu phá băng kéo dài suốt 18 ngày, đi qua tuyến đường nối giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương nhằm phân tích, so sánh các mẫu tuyết từ Bắc Cực, dãy Alps của Thụy Sĩ và một số khu vực nhất định của Đức, các nhà khoa học đã phát hiện vô số hạt vi nhựa trong các mẫu băng. Điều đáng ngạc nhiên là trong số các mẫu băng chứa hạt vi nhựa có cả mẫu thu được ở Bắc Cực. Mặc dù mức độ hạt vi nhựa họ tìm thấy ở Bắc Cực thấp hơn nhiều so các khu vực đông dân cư, song con số này vẫn đáng kể, với khoảng 1.760 hạt vi nhựa/lít. Trong khi đó, các mẫu từ khu vực châu Âu có mật độ hạt vi nhựa cao hơn 20 lần, vào khoảng 24.600 hạt/lít.

Theo phỏng đoán của các nhà khoa học, các hạt vi nhựa có thể đã trải qua một hành trình dài trước khi đến được Bắc Cực. Một số chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng các hạt này bắt nguồn từ các đô thị, “du hành” tới Bắc Cực thông qua gió và mưa. Reuters cho biết, trước đây Bắc Cực được xem là một trong những khu vực nguyên sơ nhất trên Trái đất và không có người ở. Do đó, con số cao đến đáng ngạc nhiên các hạt vi nhựa vừa thu thập được trong các mẫu băng tại đây cho thấy ngay cả những khu vực xa xôi, hẻo lánh và ít người ghé thăm trên Trái đất cũng không thể thoát được những vấn đề đang rất nóng liên quan vật liệu nhựa mà cả nhân loại đang phải đối phó.

Ngoài Bắc Cực và châu Âu, nghiên cứu cũng tìm thấy hạt vi nhựa ở các khu vực tại Mỹ. Theo đó, hạt, sợi và mảnh nhựa được tìm thấy trong hơn 90% mẫu nước mưa tại bang Colorado, kể cả mẫu lấy từ độ cao hơn 3.000 m trong Công viên quốc gia Núi Rocky. Trước đó, tháng 6 vừa qua, tổ chức Hòa bình xanh phân tích mẫu nước của 13 dòng sông tại Anh và kết luận chúng đều chứa hạt vi nhựa. Hơn bốn phần năm lượng polymer mà tổ chức này tìm thấy là polyethylene (PE), polystyrene (PS) và polypropylene (PP), được dùng để chế tạo các sản phẩm như bao gói thực phẩm, chai nước và túi xách.

Theo các nhà khoa học, vi nhựa là những hạt nhựa có kích thước dưới 5 mm, có khả năng gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng. Hiện các hạt vi nhựa gây ô nhiễm nước máy, sông, suối và đại dương, khiến môi trường bị tàn phá, ảnh hưởng sức khỏe của động vật biển và đất liền. Thậm chí, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu tác động nguy hại của vi nhựa đối với sức khỏe con người. Do có kích thước nhỏ, những hạt vi nhựa có thể tự do phát tán trong không khí, nước và tuyết, thậm chí là thức ăn của con người. Nhiều hạt nhựa siêu nhỏ đã được phát hiện trong phổi của một bệnh nhân ung thư. Trước đó, vào tháng 6 vừa qua, một nghiên cứu khác cho thấy con người ăn ít nhất 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm.

Thách thức lớn của thế giới

Những thông báo mới đây của các nhà khoa học về việc tìm được hạt vi nhựa tại Bắc Cực đã cho thấy mức độ trầm trọng của tình trạng ô nhiễm nhựa, đặc biệt là trên các đại dương. Số liệu của LHQ cho thấy, ước tính mỗi ngày có khoảng 100 tấn rác thải nhựa trôi ra các đại dương. Nếu không hành động, tổng lượng nhựa đổ vào các đại dương có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025. Trong khi đó, theo dự báo của các nhà khoa học Mỹ, khối lượng rác thải nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá và 99% các loài chim biển sẽ phải ăn nhựa.

Theo The Independent, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do con người ngày càng sử dụng nhiều các sản phẩm nhựa dùng một lần. Hậu quả từ rác thải nhựa là môi trường biển bị ô nhiễm nặng nề. Không chỉ vậy, các ngành kinh tế như nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và du lịch sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, ước tính lên tới 2,5 tỷ USD/năm. Đối với hệ sinh thái biển, tổn thất do ô nhiễm nhựa ước tính lên tới 13 triệu USD/năm, hơn 600 loài sinh vật biển đã bị ảnh hưởng, 15% các loài đang bị đe dọa.

The Guardian cho biết, nhựa là một phát minh khoa học thành công khi chi phí sản xuất thấp, công năng và độ bền vượt trội. Do đó, chất liệu này được sử dụng trong tất cả các ngành như bao bì, đóng gói, xây dựng, chế tạo ô-tô, điện, điện tử, nông nghiệp... Tổng sản lượng nhựa tăng từ 1,5 triệu tấn/năm những năm 50 của thế kỷ trước lên hơn 380 triệu tấn/năm hiện nay.

Các sản phẩm nhựa được sử dụng rộng rãi nhưng công tác quản lý sau sử dụng lại kém và đem lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Theo số liệu của LHQ, quản lý nhựa trên toàn cầu vẫn ở mức kém khi chỉ có 9% được tái chế, 12% được đốt và gần 70% chôn lấp hoặc thải bỏ. Cho đến nay, vẫn có rất ít công trình khoa học nghiên cứu sâu về tác động của các loại hạt vi nhựa đến sức khỏe lâu dài của con người và động vật. Dù vậy, cộng đồng khoa học cho rằng, trước những tác hại mà nhựa đem lại cho môi trường, con người cần phải hành động để thay đổi.

Trước tình hình đó, gần đây nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu hành động. Theo báo cáo của LHQ, ít nhất 50 quốc gia trên toàn thế giới đã áp dụng những biện pháp thiết thực nhằm giảm tình trạng ô nhiễm nhựa. Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bỏ lệnh cấm bán nước đóng chai tại các công viên quốc gia Mỹ.

Tháng 4-2018, Anh tuyên bố cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như bông ngoáy tai, ống hút nhựa,… với hy vọng sẽ thuyết phục các nước cùng tham gia cuộc chiến chống rác thải nhựa. Chính phủ Anh cũng áp dụng chính sách tính phí sử dụng túi nylon. Với chương trình này, Anh đã giảm được chín tỷ chiếc túi nylon trong vòng một năm. Tháng 3 vừa qua, Liên hiệp châu Âu (EU) cũng thông qua đề xuất loại bỏ hầu hết các vật dụng bằng nhựa sử dụng một lần như ống hút nhựa, dao, kéo, đĩa nhựa... Trong khi đó tại Trung Quốc, túi nylon cũng bị cấm hoàn toàn, thay vào đó là các loại túi phân hủy sinh học.

Các quốc gia châu Phi đã hoặc đang xem xét việc cấm sử dụng hoàn toàn túi nylon. Tại Kenya, sử dụng và sản xuất túi nylon có thể bị phạt tới bốn năm tù giam hoặc phải nộp tiền phạt. Chính phủ Cameroon đưa ra chính sách trả tiền cho các hộ gia đình thu thập chất thải nhựa. Nhiều thành phố tại Ấn Độ, Canada và Australia đều thay thế túi nylon bằng túi vải.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, để có thể thay đổi được tình trạng ô nhiễm nhựa kể trên, thay vì chờ chính phủ các nước đưa ra chính sách nghiêm ngặt, mỗi công dân trên thế giới cần nhận thức được tác hại từ các sản phẩm nhựa, từ đó có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng nhựa, thay vào đó là các sản phẩm được làm từ chất liệu thân thiện với môi trường.