Thế giới trong đại dịch toàn cầu

Ngày 11-3 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu. Với tuyên bố này, WHO đã xác định Covid-19 nghiêm trọng hơn cả các dịch bệnh gây chết người hàng loạt như Ebola hay Zika. Các dịch bệnh này đều là trường hợp khẩn cấp quốc tế, nhưng chưa đủ trở thành đại dịch toàn cầu.

Các biện pháp chống dịch được thực hiện gấp rút ở nhiều quốc gia. Ảnh: YONHAP
Các biện pháp chống dịch được thực hiện gấp rút ở nhiều quốc gia. Ảnh: YONHAP

Nâng cao nhận thức đối với dịch bệnh

The Guardian dẫn phát biểu của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong buổi họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 11-3 nêu rõ, WHO đã chính thức coi sự bùng phát của dịch Covid-19 hiện nay là “đại dịch toàn cầu”. Ông nói: “Trong vòng hai tuần qua, số ca mắc Covid-19 bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số quốc gia bị ảnh hưởng tăng gấp ba lần. Trong những ngày tới và những tuần tới, chúng tôi dự đoán số ca mắc bệnh mới, số người tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng thậm chí sẽ tăng cao hơn nữa. Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước mức độ lây lan nguy hiểm này, cũng như báo động tình trạng thiếu hành động ở một số quốc gia”.

WHO định nghĩa thuật ngữ đại dịch toàn cầu là “sự lây lan toàn cầu của một bệnh mới”, thí dụ một đại dịch cúm xảy ra khi một chủng virus cúm mới xuất hiện, lan ra khắp toàn cầu và phần lớn người dân trên thế giới không có khả năng miễn dịch đối với chủng virus này. Tuy nhiên, WHO không đặt ra các tiêu chí cụ thể về mặt số liệu như số người tử vong, số ca mắc bệnh, số quốc gia chịu ảnh hưởng,... để đưa ra quyết định công bố đại dịch. Việc công bố “đại dịch” mang ý nghĩa nhấn mạnh cần nâng cao hơn nữa nhận thức về nguy cơ lây lan bệnh dịch trong cộng đồng. Do đó, các chính phủ và hệ thống y tế trên thế giới cần phải bảo đảm đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản này.

Thí dụ, với dịch Covid-19, WHO cho rằng cần nâng mức độ nhận định tình hình khi dịch bệnh lây lan nhanh tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong những ngày qua, cũng như kêu gọi chiến lược ngăn ngừa và phòng dịch phải được thực hiện nghiêm túc ở tất cả các nước. Theo trang Worldometers.info, tâm dịch xuất hiện ở Trung Quốc, Italia, Iran, Hàn Quốc… Dịch cũng đã lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Âu, cũng như bên kia Đại Tây Dương là Mỹ, nơi đang có số ca nhiễm mới tăng lên mỗi ngày. Ngày 12-3, Bộ Y tế Anh cảnh báo, đỉnh dịch dự kiến sẽ đến vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6, và trong trường hợp xấu nhất, sẽ có tới 80% dân số Anh có thể nhiễm virus, tỷ lệ tử vong 1%, tương đương khoảng 500.000 người thiệt mạng.

Ông Ghebreyesus cho rằng, tất cả các quốc gia vẫn có thể xoay chiều đại dịch này nếu kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý, cô lập, theo dõi và huy động người dân ứng phó; những quốc gia có số ít trường hợp có thể ngăn các trường hợp đó thành nhóm đông để không lây nhiễm ra cả cộng đồng. Ngay các quốc gia đã bị lây nhiễm cộng đồng hoặc các cụm dân cư lớn cũng có thể làm để đối phó với dịch Covid-19. Một số quốc gia đã chứng minh rằng virus này có thể bị ức chế và kiểm soát.

Theo WHO, đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng mà là một cuộc khủng hoảng sẽ chạm đến mọi lĩnh vực, vì vậy mọi lĩnh vực và cá nhân đều phải tham gia cuộc chiến chống lại Covid-19. Tổ chức này cũng nhấn mạnh, các quốc gia phải áp dụng cách tiếp cận toàn chính phủ, toàn xã hội, được xây dựng chung quanh một chiến lược toàn diện để ngăn ngừa lây nhiễm, cứu sống và giảm thiểu tác động. Chiến lược được tóm tắt qua bốn giai đoạn chính: chuẩn bị và sẵn sàng; phát hiện, bảo vệ và điều trị; giảm lây nhiễm; đổi mới và học hỏi.

Nghiêm trọng hơn cả “trường hợp khẩn cấp quốc tế”

Với việc công bố đại dịch Covid-19, WHO đưa Covid-19 vượt lên trên cả các dịch bệnh gây chết người như Ebola ở Congo giai đoạn 2018-2019, dịch Zika ở Brazil năm 2016, Ebola năm 2014 ở Tây Phi… Các dịch bệnh này đều là “trường hợp khẩn cấp quốc tế”. WHO coi sự bùng phát hiện nay của dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu, là một căn bệnh bùng phát và lây lan trên phạm vi toàn thế giới. Tại cuộc họp báo ở Geneva, ông Ghebreyesus cũng nêu rõ: “Đây là đại dịch đầu tiên do virus corona gây ra”. Trước đây, từng có hai dịch bệnh khác cũng do virus corona chủng khác gây ra là SARS và MERS.

Tuy vậy, thuật ngữ “đại dịch” về lý thuyết không phải nhằm tới mức độ nghiêm trọng của căn bệnh đó. Chẳng hạn năm 2009, bệnh cúm H1N1 (còn gọi là cúm lợn được WHO công bố là một “đại dịch” vì có tới 20% dân số toàn thế giới mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh này có tỷ lệ người chết trong dịch chỉ ở mức 0,02%.

Theo The Guardian, các chủng virus corona trước đây cũng rất nguy hiểm nhưng WHO không gia tăng cấp độ trở thành đại dịch trên toàn thế giới. Dịch SARS giai đoạn 2002 - 2003 do một chủng virus corona cùng họ với virus SARS-CoV-2 hiện nay, đã lây nhiễm cho khoảng 8.000 người ở 26 quốc gia, tỷ lệ tử vong 10%, song không được coi là “đại dịch”. Dịch bệnh này đã nhanh chóng được kiểm soát từ năm 2004, và sau đó không còn ca nào mới xuất hiện.

Bởi vậy, việc tuyên bố thuật ngữ “đại dịch” được đưa ra trong trường hợp này đã được cân nhắc và có sự cố vấn của các chuyên gia đa lĩnh vực. Theo TS Nathalie MacDermott, giảng viên Viện Nghiên cứu Y tế thuộc Trường King College London (Anh), trong một số trường hợp tuyên bố đại dịch có thể gây ra hoảng loạn toàn cầu, điều này có thể phá hỏng mục đích cố gắng nâng cao nhận thức. Đã có báo cáo cho rằng, động thái tuyên bố về bệnh cúm lợn H1N1 là đại dịch năm 2009 gây ra sự hoảng loạn không cần thiết, làm quá tải các khoa cấp cứu bệnh viện, khiến chính phủ nhiều nước phải chi quá nhiều cho thuốc chống virus.

Tuy vậy, các đại dịch cúm khi bùng phát trên phạm vi toàn cầu đều có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng, vì dễ lây lan. Những đại dịch cúm trong quá khứ đều gây ra tỷ lệ bị bệnh và tử vong rất cao, làm rối loạn hoạt động của xã hội và gây tổn thất nặng về kinh tế. Trong thế kỷ 20 đã xuất hiện ba đại dịch, đó là đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 - 1919 do chủng virus H1N1 gây ra, làm hơn 50 triệu người chết trên toàn thế giới; đại dịch cúm Á châu H2N2 giai đoạn 1957 - 1958 và đại dịch cúm Hồng Công H3N2 giai đoạn 1968 - 1969.

Đại dịch thường kéo dài lâu hơn nhiều so hầu hết các trường hợp khẩn cấp quốc tế khác và có thể có nhiều đợt, các giai đoạn dịch có khi cách nhau từ 3 tháng đến 12 tháng. Một tình trạng đáng quan ngại trong đại dịch là số cán bộ y tế và những người chăm sóc ở tuyến đầu có thể giảm dần, trong khi nhu cầu được chữa trị lại tăng cao, gây áp lực với cả hệ thống y tế. Bởi vậy, theo TS MacDermott, thay đổi thuật ngữ không thay đổi bất cứ điều gì về thực trạng dịch bệnh, song nhấn mạnh tất cả các quốc gia cũng như người dân cần thực hiện nghiêm túc hơn nữa việc phòng, chống dịch. Việc sử dụng thuật ngữ này cũng làm nổi bật tầm quan trọng của việc hợp tác và cởi mở giữa các quốc gia trên toàn thế giới, cùng nhau nỗ lực xây dựng một mặt trận thống nhất để kiểm soát tình hình hiện nay.