Thách thức của báo in

Báo chí - truyền thông, đặc biệt là báo in, đang đối mặt sự suy giảm doanh số do hệ quả của các biện pháp phong tỏa, cách ly tại từng quốc gia trên thế giới trong đại dịch Covid-19, cũng như việc kinh tế suy thoái mạnh, doanh thu quảng cáo giảm. Đây là lúc độc giả, người dân cần được cập nhật, tiếp cận những tin tức chất lượng nhất, nhưng các tờ báo giấy lại đứng trước thách thức chưa từng có.

Nhiều tòa soạn báo địa phương ở Mỹ phải cắt giảm nhân viên do kinh tế khó khăn. Ảnh: ABQJOURNAL
Nhiều tòa soạn báo địa phương ở Mỹ phải cắt giảm nhân viên do kinh tế khó khăn. Ảnh: ABQJOURNAL

Bài toán doanh thu giảm sút

Trong bối cảnh khủng hoảng do dịch bệnh, độc giả lại càng có nhu cầu tìm đến các tin chính thống từ báo chí và truyền thông địa phương để nắm bắt tình hình và tránh bị nhiễu loạn bởi tin giả trên những kênh thông tin phi chính thức. Thế nhưng, báo giấy và các ấn phẩm in ấn khác lại đang chịu áp lực sụt giảm doanh số quảng cáo. Vừa qua hãng thông tấn AP đã cảnh báo tình trạng nhiều tờ báo ở Mỹ phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân viên hoặc ngừng các ấn bản in, thậm chí một số ấn phẩm phải đóng cửa hoàn toàn. Trước đó, báo The New York Times ước tính các hãng tin tức ở Mỹ đã cắt giảm khoảng 28.000 việc làm do cuộc khủng hoảng Covid-19 và những tác động kinh tế đi kèm.

Theo khảo sát của Hiệp hội Truyền thông tin tức quốc tế thực hiện gần đây ở Mỹ, dự kiến 20 hãng thông tấn cung cấp tin tức toàn cầu của nước này sẽ giảm trung bình 23% doanh số quảng cáo trong năm 2020. Khảo sát này cũng cho thấy, lưu lượng truy cập trang web và một số báo mạng tăng lên hằng ngày, đặc biệt là các chuyên mục, tin tức bao trùm về dịch bệnh. Tuy nhiên, một số lượng lớn các tờ báo địa phương vẫn phải cắt giảm nội dung và nhân sự, do không đủ kinh phí duy trì.

Gần đây, các tờ báo lớn của Mỹ như The New York Times, The Washington Post hay The Wall Street Journal đã tìm cách tăng nguồn thu từ người theo dõi các ấn phẩm kỹ thuật số. Còn lại, nhiều tờ báo giấy khác vẫn phụ thuộc nguồn thu quảng cáo. Tổng Biên tập hãng tin Sun Chronicles, Craig Borges cho rằng đại dịch Covid-19 đang tạo nên một đợt “viêm phổi” với báo chí, khiến các tòa soạn báo hiện nay phải đau đầu với bài toán doanh thu giảm sút. Nhiều tòa soạn đã giảm phát hành báo in, trong khi các tờ báo, tạp chí điện tử mặc dù có lượng người đọc tăng vọt nhưng quảng cáo giảm, thậm chí không có vì doanh nghiệp khó khăn, các hợp đồng truyền thông cũng bị đình trệ. Nguồn thu của các báo, đài truyền hình từ quảng cáo cũng sụt giảm, vì doanh nghiệp phải hạn chế chi phí dành cho quảng cáo.

GS Penelope Abernathy của Đại học Bắc Carolina (Mỹ) nghiên cứu về ngành báo chí - truyền thông cho rằng, ngay cả từ trước khi có dịch Covid-19, nếu xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế thì đó sẽ là một “biến cố ở cấp độ tuyệt chủng” đối với các tờ báo in. Và đến nay, nguy cơ đó đang hiển hiện. Theo các nhà nghiên cứu, trong 15 năm qua, hơn 2.100 tòa báo địa phương và báo giấy ở các thành phố, thị trấn của Mỹ đã phải đóng cửa. Số lượng việc làm ở các tòa báo cũng giảm một nửa kể từ năm 2004. Nhiều ấn phẩm phải “vật lộn” để tồn tại khi ngày càng có nhiều độc giả chuyển sang xem tin tức trên internet. Thị trường quảng cáo cho báo in ở Mỹ cũng tuột dốc sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế giai đoạn 2007 - 2009 và sự nổi lên của những “người khổng lồ” như Google và Facebook, hiện thống trị thị trường quảng cáo kỹ thuật số.

Vai trò của báo chí trong khủng hoảng

Báo chí, các hãng tin tức là lực lượng đi đầu đã đồng hành cùng những cơ quan y tế, giới chức và chính phủ nhiều nước trong nỗ lực phòng, chống dịch. Thông tin hằng ngày được đăng tải trên báo giấy nhanh chóng, kịp thời và chính xác, đóng góp tích cực và làm nâng cao nhận thức cộng đồng, được xem là biện pháp hiệu quả trong việc đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, ước tính trung bình mức doanh thu sụt giảm có thể lên tới từ 40 đến 50% tùy thuộc điều kiện ngành báo chí - truyền thông mỗi nước, khiến các tờ báo, hãng truyền thông phải tính tới phương án cắt giảm thu nhập.

Theo đó, ngay cả khi các biện pháp cách ly hay hạn chế được nới lỏng, độc giả trở lại thói quen đọc báo giấy, thì thiệt hại do virus SARS-CoV-2 gây ra cho nền kinh tế sẽ tiếp tục giáng đòn thứ hai với dịch vụ quảng cáo trên báo in. Theo GS Abernathy, nguồn thu từ quảng cáo đối với báo chí luôn bị ảnh hưởng từ những cú sốc thị trường và dễ suy sụp khi “sức khỏe” của nền kinh tế nói chung không được ổn định.

Trong lịch sử, cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2009 từng gây hậu quả nặng nề với ngành quảng cáo, in ấn. Khi các nền kinh tế phục hồi chậm, phần lớn số tiền đó thay vì quay trở lại với báo chí, đã chuyển sang quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số, đặc biệt là Facebook và Google. “Đại dịch này có khả năng sẽ bồi một đòn mạnh hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu. Lịch sử cho thấy kể cả khi kinh tế phục hồi, quảng cáo báo in vẫn đi theo hướng ngược lại”, ông Abernathy cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng điều đó sẽ đặt ra một mối đe dọa kép cho nhiều tờ báo và tạp chí.

Trong bối cảnh đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra tác động đến kinh tế khiến các khoản thu từ quảng cáo giảm sút, theo đó báo chí đang phải làm việc trong những điều kiện bất thường để cập nhật tin tức cho mọi người. Nhiều nước đã tính đến các phương án hỗ trợ ngành tin tức, xuất bản. Tại Mỹ, giới chức đang lên kế hoạch phân bổ gói cứu trợ 2.200 tỷ USD để cung cấp những khoản vay hoặc trợ cấp cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có các nhà xuất bản, báo chí địa phương. Một đề xuất khác là tạo ra quỹ liên bang trả tiền cho các quảng cáo trên báo in liên quan bảo vệ sức khỏe.

Ngoài ra, các “ông lớn” công nghệ như Facebook và gần đây là Google đã thông báo các khoản hỗ trợ báo chí địa phương ở Mỹ. Tập đoàn Google ngày 15-4 thông báo sẽ gây quỹ khẩn cấp nhằm hỗ trợ các hãng tin địa phương duy trì hoạt động trước những khó khăn hiện nay do đại dịch Covid-19 gây ra. Phó Chủ tịch phụ trách mảng tin tức của Google, ông Richard Gingras nhấn mạnh: “Tin tức địa phương là một kênh quan trọng duy trì kết nối người dân và các cộng đồng tại thời điểm hiện nay. Tin tức trên báo chí địa phương thậm chí còn giữ chức năng lớn hơn trong việc tuyên truyền quyết định của chính phủ về phong tỏa địa phương hoặc yêu cầu người dân ở nhà, đóng cửa trường học, công viên,… đồng thời cung cấp những dữ liệu phản ánh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong cuộc sống hằng ngày”.

Còn theo Facebook, công ty này cam kết khoản đầu tư gồm 25 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho báo chí địa phương thông qua Dự án báo chí của Facebook (FJP), và 75 triệu USD tiếp thị để hỗ trợ các nhà xuất bản khắp nơi trên thế giới. Đợt giải ngân đầu tiên sẽ dành cho 50 đơn vị báo chí tại Mỹ và Canada, trong khi một phần ngân sách hỗ trợ sẽ được trao trực tiếp cho các nhà xuất bản tại những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19.