Thách thức an ninh mang tên al-Shabaab

Ngày 28-12-2019, một vụ đánh bom xe đã xảy ra tại Thủ đô Mogadishu (Somalia), khiến ít nhất 200 người thương vong. Vụ tiến công cho thấy lực lượng Hồi giáo cực đoan al-Shabaab tuyên bố trung thành với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, được cho là thực hiện vụ đánh bom nói trên, vẫn là mối đe dọa an ninh thường trực tại quốc gia châu Phi này.

Biếm họa của OSVAL
Biếm họa của OSVAL

Các vụ tiến công đẫm máu

Ngày 28-12-2019, một vụ đánh bom xe liều chết đã xảy ra tại trạm kiểm soát an ninh trước một trung tâm thu thuế trong giờ cao điểm buổi sáng ở Thủ đô Mogadishu của Somalia. Vụ việc khiến ít nhất 79 người thiệt mạng và 149 người bị thương. Trong số nạn nhân có nhiều sinh viên, dân thường đi trên xe buýt chạy qua khu vực đúng lúc xe bom phát nổ, và cả công dân nước ngoài đang tham gia dự án xây đường giao thông ở Somalia. Cảnh sát mô tả vụ đánh bom là hành vi “hủy diệt”.

Ngay sau vụ việc, Tổng thống Somalia, ông Mohamed Farmajo đã lên án vụ khủng bố nhằm vào những dân thường vô tội, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình nạn nhân, bày tỏ hy vọng những người bị thương sớm bình phục. Ông cam kết sẽ thúc đẩy điều tra và buộc các phần tử khủng bố phải đền tội.

Dư luận thế giới cũng lên án mạnh mẽ vụ đánh bom. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình các nạn nhân. Giới chức LHQ cũng nhắc lại cam kết của cơ quan này là hỗ trợ chính phủ và người dân Somalia theo đuổi các nỗ lực hòa bình, đồng thời nhấn mạnh rằng những kẻ đã gây ra tội ác khủng khiếp này phải bị trừng trị trước pháp luật.

Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) cũng cam kết tăng cường nỗ lực ổn định tình hình ở quốc gia vùng Sừng châu Phi, bất chấp các vụ tiến công khủng bố gia tăng. Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat tuyên bố, liên minh này sẽ không khoan nhượng đối với những tội ác chống lại loài người như vậy, và sẽ không để những hành vi bạo lực hèn nhát của các phần tử khủng bố đe dọa.

Theo The Guardian, vụ đánh bom vừa qua là một trong những vụ tiến công tồi tệ nhất xảy ra ở Somalia. Quốc gia Đông Phi này chìm trong bạo lực từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi xung đột bùng phát giữa các nhóm vũ trang. Những năm qua, hàng loạt các vụ đánh bom đẫm máu đã xảy ra tại đây. Cụ thể, tháng 10-2017, vụ đánh bom xe kinh hoàng đã xảy ra tại Thủ đô Mogadishu khiến hơn 500 người thiệt mạng và 300 người bị thương. Đây là vụ đánh bom tàn bạo nhất trong lịch sử Somalia và khu vực Đông Phi. Tháng 2-2018, một vụ đánh bom kép nhằm vào các cơ quan chính phủ, trong đó có Phủ Tổng thống, cũng khiến 18 người thiệt mạng, hơn 20 người bị thương. Nhiều vụ tiến công khác cũng liên tiếp xảy ra khiến hàng chục người chết và thương vong, đã đặt Somalia trong thách thức an ninh nghiêm trọng.

Thách thức an ninh mang tên al-Shabaab ảnh 1

Nhóm cực đoan al-Shabaab gây bất ổn an ninh tại Somalia. Ảnh: AP

Tổ chức cực đoan nguy hiểm

Theo CNN, hầu hết các vụ đánh bom xảy ra ở Somalia đều không có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, nhà chức trách Somalia cáo buộc các vụ tiến công do phiến quân Hồi giáo cực đoan al-Shabaab, thề trung thành với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda thực hiện. Trong tiếng Arab, al-Shabaab có nghĩa là “Tuổi trẻ”. Al-Shabaab được cho là một nhánh của Liên minh các tòa án Hồi giáo (UIC), tổ chức kiểm soát Thủ đô Mogadishu của Somalia vào năm 2006. AP dẫn một báo cáo của giới chức Somalia ước tính al-Shabaab có từ 7.000 - 9.000 chiến binh, trong đó có cả chiến binh thánh chiến là người nước ngoài đến từ các nước láng giềng, hoặc một số các quốc gia ở châu Âu và Mỹ.

Nhiều báo cáo an ninh của Somalia và phương Tây đã cho thấy al-Shabaab có liên kết với một số nhóm chiến binh khác ở châu Phi, như Boko Haram ở Nigeria và AQIM (một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda tại Bắc Phi), đặt căn cứ tại sa mạc Sahara. Sau khi tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) thành lập năm 2014, các thành viên al-Shabaab từng tranh luận về việc có nên gia nhập tổ chức này hay không, song cuối cùng các thành viên đã quyết định hình thành một nhóm tách biệt. Al-Shabaab hiện nằm dưới sự chỉ huy của Ahmad Umar, còn được gọi là Abu Ubaidah - kẻ bị chính quyền Mỹ treo thưởng tới sáu triệu USD cho bất cứ thông tin nào dẫn đến việc bắt giữ hoặc tiêu diệt y.

Giới chuyên gia an ninh cho biết, al-Shabaab được thành lập và hoạt động với mục tiêu tìm cách lật đổ chính quyền trung ương Somalia và lập ra một chính quyền dựa trên thực thi Luật Hồi giáo Sharia hà khắc. Theo luật này, người dân bị cấm xem phim, khiêu vũ ở lễ cưới, rung chuông ở trường học, chơi hoặc xem bóng đá, trẻ em gái bị cấm tới trường… Al-Shabaab đã hành hình một cách dã man nhiều người bị chúng cho là vi phạm Luật Hồi giáo.

Trước sự bành chướng của al-Shabaab cũng như hoạt động đẫm máu của tổ chức này, giới chức Somalia và một số nước đã thực hiện hàng loạt chiến dịch không kích vào năm 2008, dẫn đến việc thủ lĩnh của nhóm khi đó là Aden Hashi Ayro thiệt mạng. Tháng 8-2011, sau một cuộc tiến công của khoảng 22.000 binh sĩ AU, các tay súng al-Shabaab đã bị đẩy lui khỏi Mogadishu, sau đó là Kismayo - cảng lớn nhất ở miền nam Somalia, vào tháng 9-2012. Việc mất Kismayo đã khiến nguồn tài chính của al-Shabaab bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi cảng này là nơi giao dịch chính của thị trường than đá Somalia.

Dù al-Shabaab đã bị đánh đuổi khỏi Thủ đô Mogadishu từ năm 2011, nhưng đến nay lực lượng này vẫn kiểm soát nhiều vùng ở Somalia, thường xuyên thực hiện các vụ đánh bom liều chết nhằm vào trụ sở các cơ quan chính phủ hoặc cơ sở an ninh, gây thương vong lớn. Trước các hoạt động khủng bố ngày càng gia tăng của al-Shabaab, Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Farmajo cam kết sẽ không để đất nước rơi vào bất ổn. Trước đó, Thủ tướng Somalia Hassan Ali Khaire cũng từng triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các đại diện của AU, Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ nhằm tìm cách tiêu diệt tổ chức này.

Trong cuộc họp, Chính phủ Somalia cho biết, ưu tiên hàng đầu của nước này là bảo đảm an ninh và an toàn cho người dân vô tội. Giới chức Somalia đã nêu các mối đe dọa do nhóm al-Shabaab gây ra, đồng thời kiến nghị các chiến lược chống khủng bố, cũng như thảo luận kế hoạch giành lại các khu vực bị al-Shabaab chiếm giữ. Thủ tướng Khaire cam kết sẽ quét sạch các nhóm khủng bố trong “tương lai gần”.

Các đại diện nước ngoài cũng bày tỏ ủng hộ chiến lược an ninh cũng như các nỗ lực của Somalia nhằm loại trừ các phần tử khủng bố al-Shabaab. Tháng 3-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê duyệt kế hoạch để Lầu năm góc tăng cường binh lực chống lại al-Shabaab tại Somalia. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự kết dính giữa các quốc gia còn chưa được chặt chẽ, cộng với sự liều lĩnh của các phần tử thánh chiến al-Shabaab, cuộc chiến chống nhóm khủng bố này được cho là sẽ còn rất gian nan đối với chính quyền Somalia.