Tác hại của lạm dụng rượu, bia

Theo Báo cáo toàn cầu về An toàn giao thông của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018, số người tử vong trên thế giới vì tai nạn giao thông là 1,35 triệu người; trong đó, có tới 35% số vụ xảy ra sau khi lái xe sử dụng rượu, bia. Ngoài việc trực tiếp gây mất an toàn cho bản thân và người khác, rượu, bia còn có tác hại lâu dài tới sức khỏe, gia đình và kinh tế - xã hội. Bởi vậy, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đang có biện pháp siết chặt việc sử dụng rượu, bia nhằm bảo đảm an toàn xã hội.

Cảnh sát Mỹ kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: VERYWELL MIND
Cảnh sát Mỹ kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: VERYWELL MIND

Những hậu quả khôn lường

Trong một nghiên cứu công bố tháng 4 vừa qua trên The Lancet - một tuần san về y khoa, các nhà khoa học Anh và Trung Quốc khẳng định, ngay cả khi uống rượu với mức độ nhẹ đến vừa phải cũng làm tăng huyết áp và khả năng đột quỵ. Kết quả này có được sau khi các nhà nghiên cứu tiến hành thí nghiệm theo dõi 500.000 người Trung Quốc trong 10 năm, phản bác lại các tuyên bố trước đây rằng nếu uống một hoặc hai ly rượu mỗi ngày có thể tốt cho sức khỏe. Cụ thể, trong công bố của nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford, Đại học Bắc Kinh và Viện Hàn lâm Y khoa Trung Quốc, nếu một người uống một đến hai ly rượu mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ từ 10 đến 15%.

Trong một báo cáo khác tại Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, có khoảng 18 triệu người ở nước này bị rối loạn sức khỏe do sử dụng rượu, bia. Mức độ lạm dụng rượu, bia sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm các tổn thương gan và não, tăng nguy cơ ung thư, đồng thời gây sang chấn tâm lý và các vụ tự tử... Ngoài ra, uống rượu thường xuyên sẽ nhanh chóng thu hẹp nguồn tài chính và tàn phá sự nghiệp của mỗi cá nhân. Tại Mỹ, ước tính việc uống rượu gây ra hậu quả là 171 tỷ USD mỗi năm cho các chi phí liên quan chăm sóc sức khỏe và suy giảm năng suất của người lao động.

Không dừng ở những hậu quả kể trên, việc sử dụng bia, rượu còn trực tiếp là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại nhiều quốc gia. Theo khảo sát của WHO năm 2015, Nam Phi là một trong những quốc gia đứng đầu về tai nạn đường bộ với tỷ lệ 25,1/100.000 người chết mỗi năm. Trong số đó, có từ 6 - 10 trường hợp tử vong (58%) xuất phát từ lạm dụng rượu, bia. Tiếp theo sau là Canada với tỷ lệ tử vong do lái xe khi say xỉn chiếm 34% tổng số vụ tai nạn giao thông. Trong năm 2019, Cục Quản lý an toàn giao thông quốc lộ của Mỹ (NHTSA) cho biết, có tới 29 người tử vong mỗi ngày do lái xe trong tình trạng say rượu, bia. Mặc dù số người thiệt mạng vì say rượu lái xe đã giảm trong 30 năm qua, nhưng các vụ tai nạn vẫn cướp đi ít nhất 10.000 sinh mạng mỗi năm. Thống kê gần đây nhất của WHO vào năm 2010 cho thấy, những vụ tử vong và thiệt hại vật chất do lái xe khi say rượu, bia đã lên tới 44 tỷ USD trong năm đó.

Cũng theo WHO, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực Đông - Nam Á về số người chết và bị thương do tai nạn giao thông hằng năm, riêng năm 2018 đã có 24.970 trường hợp. Việt Nam cũng đứng thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi nước ta luôn có mặt ở nhóm đầu về số người chết do tai nạn giao thông vì sử dụng rượu, bia.

Tăng cường chế tài xử phạt

Đối với mỗi cá nhân, biện pháp lý tưởng nhất để ngăn chặn tác hại của rượu, bia là ý thức tự giác, tìm động lực của riêng mình để tránh xa rượu, bia. Thí dụ như mong muốn phải trở thành cha mẹ tốt hơn trong mắt con cái được coi là một động lực rất lớn. Bên cạnh đó, việc tham gia trị liệu tại bệnh viện hay trung tâm phục hồi cũng là một công cụ thiết yếu, đặc biệt là việc xác định những bước cần thực hiện để cải thiện sức khỏe cũng như các mối quan hệ. Nhiều nhóm giáo dục và trị liệu tâm lý cũng được chứng minh là giải pháp hữu hiệu nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ và con cái về tác hại của rượu, bia.

Tuy nhiên, ngoài ý thức tự giác thì nhiều quốc gia có những biện pháp kiểm soát việc buôn bán và sử dụng rượu, bia. Nga là một thí dụ điển hình trong việc áp dụng và triển khai thành công các chính sách mạnh mẽ. Chính phủ Nga tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia 10% mỗi năm từ 2008, tới năm 2014 tăng lên 33%. Nước này cũng quy định mức giá bán lẻ tối thiểu của rượu mạnh có nồng độ cồn từ 28% trở lên. Từ năm 2005 đến nay, nước Nga cấm bán rượu có độ cồn hơn 15% tại một số địa điểm công cộng, các điểm không được cấp phép và cấm mọi hình thức bán sỉ hoặc lẻ đồ uống có cồn trên internet. Năm 2011, Nga tăng cường thực thi quy định cấm bán rượu, bia cho người chưa đến tuổi pháp luật cho phép và tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm, đồng thời cấm bán rượu, bia tại các cây xăng dầu.

Đối phó với tình trạng tai nạn giao thông do rượu, bia, quy định trong pháp luật nhiều nước về giới hạn nồng độ cồn trong máu (BAC) chính là giải pháp cốt lõi, kết hợp với công tác kiểm tra và giám sát công khai, chặt chẽ của lực lượng cảnh sát giao thông. Thông thường, tại các quốc gia thực hiện tốt nhất việc kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông, tỷ lệ giới hạn BAC là 0.05 g/dl (đơn vị đo nồng độ cồn trong máu) cho tất cả người dân và giới hạn BAC là 0.02 g/dl đối với thanh niên hoặc người mới biết lái xe. Tại Mỹ, quốc gia có tới 143 triệu người tham gia giao thông mỗi ngày, việc thực thi chính sách khắt khe đối với người tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB) ước tính, nếu hạ giới hạn BAC xuống 0.05 g/dl trên toàn quốc có thể cứu được ít nhất 1.500 sinh mạng mỗi năm. Bởi vậy, một số bang như Utah, New York, Massachusetts,… đã ban hành luật mới, trong đó hạ giới hạn BAC xuống 0.05 g/dl từ cuối năm 2018. Ngoài ra, người vi phạm luật lái xe khi say rượu lần đầu sẽ đối mặt án tù lên tới 2,5 năm, phạt tiền từ 500 - 5.000 USD. Nếu lái xe không hợp tác khi cảnh sát yêu cầu xác định nồng độ cồn trong máu, hình phạt có thể tăng nặng thêm từ 18 - 36 tháng cho hầu hết các trường hợp vi phạm.

Nằm trong số những nước có mức độ giao thông đường bộ cao hàng đầu thế giới, chỉ số an toàn giao thông đường bộ của Anh trở nên đặc biệt ấn tượng dù nước này có truyền thống sử dụng bia, rượu dẫn đầu thế giới. Thành tích này là kết quả của thực tế ở Anh có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tiên tiến, tiêu chuẩn an toàn phương tiện rất cao, cùng Bộ luật Giao thông Đường bộ rất chặt chẽ và nghiêm khắc. Tất cả người học lái xe phải vượt qua một kỳ thi lý thuyết gắt gao, với rất nhiều câu hỏi xoay quanh các quy định và mức phạt nghiêm khắc nếu uống rượu khi lái xe.

Phát hiện và xử lý người uống rượu, bia khi lái xe là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của cảnh sát Anh. Chỉ cần bị kết luận lái xe hoặc tìm cách lái xe khi có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép là người vi phạm có thể phải ngồi tù đến sáu tháng, bị phạt tiền gần 6.500 USD và bị treo bằng lái ít nhất một năm, có thể tăng nặng nếu tái phạm. Còn đối với các trường hợp gây tai nạn chết người do lái xe trong tình trạng say rượu, thủ phạm có thể phải chịu án tù lên đến 14 năm, bị phạt tiền không giới hạn và bị cấm lái xe trong vòng ít nhất hai năm.

Từ những bài học của các nước, thiết nghĩ tại Việt Nam cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền kết hợp với sự giáo dục của các cấp, các ngành, các đoàn thể, nhà trường và gia đình để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tham gia giao thông của cộng đồng, đặc biệt là với thanh niên. Đồng thời phải có những biện pháp, chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm luật an toàn giao thông do uống rượu, bia. Chỉ khi có chế tài nghiêm khắc, người điều khiển phương tiện mới không dám vi phạm.