Sứ mệnh truyền cảm hứng

Sự tham gia của phụ nữ trong các lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) đã được ghi nhận và trong nhiều trường hợp, họ trở thành cầu nối giúp giao tiếp tốt hơn với người dân địa phương, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Nhờ đó, lực lượng GGHB có thể thu thập thêm nhiều thông tin, nắm rõ hơn về tình hình và nâng cao hiệu quả hoạt động. Không chỉ vậy, những nữ quân nhân mũ nồi xanh đã trở thành biểu tượng về truyền cảm hứng học tập và không ngừng phấn đấu cho thế hệ trẻ. 

Nữ quân nhân GGHB Việt Nam giao lưu với người dân địa phương. Ảnh nhân vật cung cấp
Nữ quân nhân GGHB Việt Nam giao lưu với người dân địa phương. Ảnh nhân vật cung cấp

Kỳ 1: Dấu ấn của Việt Nam 

Nữ quân nhân đầu tiên 

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã được đánh giá cao khi tham gia các lực lượng GGHB toàn cầu, đặc biệt là nỗ lực tăng cường sự hiện diện của các nữ quân nhân trong lực lượng mũ nồi xanh. Năm 2017, Đỗ Thị Hằng Nga là nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan. Nhớ lại thời điểm nhận quyết định cử đi, chị vẫn tự hào vì “vai trò lịch sử” của mình, là người đại diện cho các nữ quân nhân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Chị đã chia sẻ với Thời Nay về quá trình công tác và ý nghĩa nhiệm vụ của mình. 

Hai năm sau khi trở về từ Nam Sudan, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga nay đảm nhiệm vị trí Phó trưởng Phòng hợp tác quốc tế của Cục GGHB Việt Nam. Chị là nữ quân nhân mũ nồi xanh đầu tiên vào năm 2017 đã lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan. Lúc đó lực lượng GGHB của chúng ta mới tham gia đến năm thứ tư trong hoạt động của LHQ. Càng tự hào hơn khi chị lên đường với vai trò là sĩ quan làm việc độc lập trong môi trường độc lập, trong khi nữ quân nhân các quốc gia khác tham gia lần đầu thường theo hình thức đơn vị. Ở thời điểm đó, LHQ cũng như các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao những đóng góp này của Việt Nam. Từ khi nhận quyết định đến lúc chị sang đến nơi là gần ba tháng. Do truyền thông trong nước và các nước cũng đưa tin nên bạn bè quốc tế biết rằng Việt Nam chuẩn bị cử một nữ sĩ quan mũ nồi xanh tới phái bộ ở Nam Sudan. Cảm xúc được chào đón lúc đó đến nay đối với chị vẫn còn rõ nét. 

Đất nước Nam Sudan để lại trong chị niềm xúc động sâu sắc, khi phải chứng kiến cuộc sống khốn khó của người dân địa phương. “Dù đã được chuẩn bị và huấn luyện kỹ càng song tôi không thể nghĩ rằng hiện nay vẫn có nhiều người, nhất là trẻ em, phải sống khó khăn như vậy. Thậm chí nhà vệ sinh hay nước sạch, vốn là những nhu cầu rất đơn giản song ở đó cũng không có”, chị chia sẻ về sự đồng cảm với những phụ nữ và trẻ em địa phương. Điều đó đã thôi thúc chị dùng phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình xin phép chỉ huy phái bộ và chỉ huy của Cục GGHB Việt Nam được ra ngoài tiếp xúc với nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ nhỏ. Qua những buổi chia sẻ đó chị đã được họ xem như người thân trong gia đình. 

“Khi nói mình sắp hết nhiệm kỳ về nước, những em nhỏ đã ôm tôi khóc, khiến tôi không cầm được nước mắt. Những bà mẹ nói rằng không biết đến bao giờ mới được gặp lại và mời tôi ở lại dùng bữa, mà bữa ăn của họ thật ra không nhiều nhặn gì, nhưng tôi hết sức cảm động khi họ dành tất cả tấm lòng vào bữa ăn đó”, nữ Trung tá xúc động nhớ lại. Thời gian quây quần với gia đình người dân và nghe những câu chuyện của họ đọng lại ấn tượng mãi không quên trong đời quân nhân của chị. Trong hành trang trở về nhà của Trung tá Hằng Nga còn có những món quà nhỏ từ Nam Sudan, đó là những đồ vật do người dân địa phương tự tay làm và tranh do các em nhỏ vẽ tặng chị trong ngày chia tay. Đến bây giờ chị vẫn giữ gìn cẩn thận những món quà đó để nhớ về ký ức ấm áp ở địa bàn đầu tiên công tác. 

Sứ mệnh truyền cảm hứng -0
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga. Ảnh: THANH TÂM 

Vượt lên chính mình

Trung tá Hằng Nga tự tin khẳng định đã làm tốt vai trò không kém các đồng nghiệp nam giới. Dù công việc mỗi người mỗi khác, song tất cả những khó khăn chung tại khu vực thì toàn bộ lực lượng đều phải vượt qua. Cuộc sống xa gia đình, xa quê hương, lại làm việc trong môi trường độc lập, chị và các nữ quân nhân trong phái bộ phải sống trong điều kiện thiếu thốn. Ngay như việc lấy nước sạch hằng ngày hay đi chợ cũng không hề đơn giản. Chợ thì xa nơi ở và phải có đồng đội bảo vệ trên đường đi. Còn nước sạch sử dụng hằng ngày theo hạn mức LHQ cung cấp, nhưng nhiều khi mất nước các chị phải tự đi xách từng can về dùng. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ chỉ huy phái bộ và chỉ huy Việt Nam luôn động viên tinh thần, chia sẻ kinh nghiệm giúp các sĩ quan mới sang vượt qua giai đoạn khó khăn chính là động lực thôi thúc chị quyết tâm vượt qua. “Tôi hiểu rằng đây là cơ hội để mình thể hiện, khẳng định bản thân. Phải vượt qua chính mình, đó là điều tôi luôn tâm niệm để giúp mình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, chị nói. 

Tại Hội nghị quốc tế về vai trò của phụ nữ và phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động GGHB tổ chức tại Hà Nội tháng 11 vừa qua, đại diện LHQ đã đánh giá cao các nữ quân nhân của Việt Nam về tính chuyên nghiệp, khả năng hoàn thành nhiệm vụ và là điểm sáng trong nhiều hoạt động của LHQ tại các phái bộ thực địa, nhất là trong công tác đối ngoại nhân dân. Những nữ quân nhân thuộc lực lượng GGHB trong nhiệm kỳ 14 tháng của mình đã để lại những hình ảnh tốt đẹp về người phụ nữ Việt Nam, những nữ quân nhân, trong lòng đồng nghiệp và bạn bè quốc tế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát khiến cuộc sống của phụ nữ trong quân đội trở nên khó khăn hơn, các nữ sĩ quan đã có những đóng góp tích cực trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh. Tại Trung Phi, Trung tá Nguyễn Thị Liên đã trực tiếp may hàng trăm khẩu trang tặng cán bộ, nhân viên LHQ tại trụ sở phái bộ CH Trung Phi (MINUSCA) và người dân Thủ đô Bangui vào thời điểm dịch Covid-19 lây lan. Lãnh đạo Phái bộ MINUSCA và LHQ đã có thư và bằng khen tặng Trung tá Liên về những đóng góp của chị.

Năm 2020 đánh dấu 20 năm Nghị quyết 1325 về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh được LHQ phê chuẩn và tròn hai năm Sáng kiến Hành động vì hòa bình đề cao vai trò của phụ nữ được đưa ra. Tuy nhiên, đại dịch bùng phát khiến hoạt động GGHB của LHQ bị đình trệ tại nhiều phái bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mục tiêu của LHQ, trong đó có vấn đề phụ nữ với GGHB. Việc kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19 là vô cùng khó khăn, đặc biệt là tại môi trường Phái bộ GGHB LHQ. Theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, sự đoàn kết, chung tay của các quốc gia tại các phái bộ đã được thể hiện rõ trong việc đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho lực lượng công tác. Một trong những điểm sáng là sự nỗ lực của lực lượng y tế tại các phái bộ, trong đó có nhiều y, bác sĩ là phụ nữ. 

(Còn nữa)