Sứ mệnh kiến tạo hòa bình của LHQ

Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ (1945 - 2020), tổ chức hợp tác lớn nhất thế giới. Tại thời điểm toàn cầu đang lâm vào một cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có, với những tác động kinh tế, xã hội rất nghiêm trọng, vai trò của LHQ lại càng nổi lên rõ nét hơn trong việc củng cố hòa bình và hợp tác quốc tế.

Một phiên họp của Đại hội đồng LHQ. Ảnh: GETTY IMAGES
Một phiên họp của Đại hội đồng LHQ. Ảnh: GETTY IMAGES

Nhiệm vụ to lớn

Đến nay, LHQ đã trải qua 75 năm phát triển, trở thành tổ chức toàn cầu lớn nhất với sự tham gia của hầu như toàn bộ các quốc gia trên thế giới. Từ 51 quốc gia thành viên khi mới thành lập, LHQ hiện có 193 thành viên. Vai trò và hoạt động của LHQ được mở rộng về mọi mặt, trong đó có nhiều nỗ lực đã đem lại các tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và từng quốc gia, dân tộc.

Trong cuốn hồi ký “Hành hương vì hòa bình” (1997), cựu Tổng Thư ký LHQ Pérez de Cuéllar (giai đoạn 1982 - 1991) kể lại những năm tháng làm việc tại LHQ, mà ông coi đây là khoảng thời gian của một “nhà ngoại giao mang nhiệm vụ hàn gắn”. Thực tế, nhiệm vụ của ông gắn liền với các sứ mệnh hàn gắn của LHQ trong một giai đoạn nhiều diễn biến phức tạp của lịch sử thế giới. Hầu hết thành tựu của ông Pérez de Cuéllar đều đến trong nhiệm kỳ thứ hai, từ năm 1987 đến 1991, khi ông và các đồng nghiệp ở LHQ đã thúc đẩy các bên ký kết nhiều thỏa thuận hòa bình.

Chẳng hạn, năm 1988, ông có vai trò là nhà đàm phán ngừng bắn chấm dứt chiến tranh Iran - Iraq, khôi phục độc lập ở các quốc gia châu Phi như Angola, Namibia... Năm 1989, ông tham gia thúc đẩy các thỏa thuận ngừng bắn, tiến tới hòa đàm trong các cuộc nội chiến ở Nicaragua, El Salvador… Nhà ngoại giao người Peru viết: “một trong những sứ mệnh của LHQ là đàm phán hòa bình cho thế giới”. Các tổng thư ký trước và sau ông cũng đều nỗ lực thực hiện chung một mục đích như vậy. Năm 1988, giải Nobel Hòa bình được trao cho “Những người gìn giữ hòa bình ở LHQ”, trong đó có Tổng Thư ký Pérez de Cuéllar, với ghi nhận nỗ lực lập lại ổn định ở Mozambique và Angola.

Tổ chức tiền thân của LHQ là “Hội quốc liên” ra đời cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ngày 25-4-1945, Hội nghị quốc tế Sanfrancisco (Mỹ) đã được triệu tập và sau đó 51 nước ký vào Hiến chương LHQ. Ngày 24-10-1945, LHQ chính thức được thành lập. Một tuần sau, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ họp lần đầu và thiết lập các quy tắc về thủ tục. Tuy nhiên, tới ngày 24-1-1946, kỳ họp đầu tiên của Đại hội đồng LHQ mới diễn ra và thông qua nghị quyết đầu tiên, kêu gọi sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình, loại bỏ vũ khí nguyên tử và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

Dù ý định ban đầu là “cam kết thành lập một thể chế hòa bình và an ninh sau chiến tranh”, song LHQ đã ra đời trong điều kiện những cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai quan điểm, hai thái độ khác nhau về tổ chức quốc tế quan trọng này. Trong đó, Liên Xô (trước đây) đại diện cho quan điểm ủng hộ thành lập một tổ chức quốc tế với các phương tiện thực chất và đấu tranh chống xâm lược, hoạt động trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, thỏa thuận và hợp tác bình đẳng. Tuy nhiên, các nước phương Tây, đi đầu là Mỹ và Anh, muốn biến tổ chức này thành công cụ trong cuộc đấu tranh chống Liên Xô và các lực lượng tiến bộ trên thế giới.

Tổng Thư ký đầu tiên của LHQ, ông Trygve Lie (người Na Uy), được bổ nhiệm năm 1946. Trong 75 năm qua, LHQ đã có chín Tổng thư ký, được xem là người đại diện cho lý tưởng hòa bình của LHQ, là người phát ngôn cho lợi ích của các dân tộc trên thế giới. Đến nay, tổ chức này đã trở thành một hệ thống toàn diện gồm sáu cơ quan chính, là Ðại hội đồng, HÐBA, Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC), Hội đồng Quản thác (chính thức chấm dứt hoạt động theo quyết định của Hội nghị cấp cao LHQ năm 2005), Tòa án Quốc tế và Ban Thư ký; cùng nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 ủy ban kinh tế - xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế - xã hội…

Vai trò không thể thay thế

Những năm qua, vai trò quan trọng của LHQ còn được thể hiện qua thực tiễn hoạt động với tác động tích cực, to lớn đến mọi mặt của đời sống quốc tế. Từ khi thành lập, tổ chức này đã phải trải qua nhiều khó khăn, một số hạn chế, song các nhà nghiên cứu khẳng định đóng góp lớn nhất của LHQ là đã góp phần ngăn ngừa không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Một số cuộc khủng hoảng quốc tế đã được giải quyết với sự trung gian hòa giải của LHQ.

Một bài xã luận trên tờ The New York Times cho rằng, các cuộc họp của Đại hội đồng LHQ đã trở thành một hoạt động “như một Quốc hội toàn cầu”. Ðể bảo đảm tổ chức, thể chế của LHQ đảm nhiệm được nhiệm vụ của mình, Hiến chương LHQ quy định những nguyên tắc cho quan hệ giữa các quốc gia và hoạt động của LHQ, mà sau này trở thành các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Theo thống kê của LHQ, tổ chức này đã hỗ trợ các cuộc thương lượng đưa đến giải pháp hòa bình cho hơn 170 cuộc xung đột ở các khu vực. Trong thời gian 75 năm tồn tại và phát triển, LHQ đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, có thất bại nhưng thành tựu của LHQ có nhiều điểm nổi bật, ngày càng chứng tỏ là một tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị thế giới. Sự lớn mạnh của LHQ chính là nhờ ở mục tiêu đúng đắn của tổ chức phù hợp với nguyện vọng hòa bình, độc lập, phát triển và tiến bộ xã hội của các dân tộc.

LHQ đã soạn thảo và xây dựng được 15 công ước quốc tế về giải trừ quân bị, trong đó có Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (1968), Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (1996), Công ước cấm vũ khí hóa học (1992) và Công ước cấm vũ khí sinh học (1972), tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các loại vũ khí này. Mặc dù vậy, nỗ lực của LHQ về giải trừ quân bị vẫn gặp nhiều khó khăn, đôi khi bế tắc, do chạy đua vũ trang còn diễn biến phức tạp cùng với các toan tính chiến lược về quân sự, chính trị và sự bất ổn trong môi trường an ninh quốc tế.

HĐBA được Hiến chương LHQ trao trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng là cơ quan duy nhất của LHQ có thể ra các quyết định ràng buộc với 193 quốc gia thành viên. Trong năm 2020, Việt Nam đã chính thức đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, đồng thời giữ vai trò Chủ tịch HĐBA trong tháng 1.