Số phận của trẻ em tị nạn Syria

Năm 2011, xung đột bùng nổ tại Syria đã gây ra những thiệt hại to lớn. Và chiến tranh cũng khiến trẻ em Syria phải gánh chịu hậu quả nặng nề, với hơn 5.000 trường hợp tử vong, khoảng một triệu trẻ em phải tị nạn ở các nước láng giềng. Nhằm mục đích giúp đỡ trẻ em tị nạn Syria, các giáo viên tình nguyện ở trại tị nạn Bhora, phía tây bắc Syria, đã biến các túp lều trở thành lớp học giúp các em có được kiến thức và mang lại hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn.

Lớp học của trẻ em Syria trong trại tị nạn ở Idlib. Ảnh: AFP
Lớp học của trẻ em Syria trong trại tị nạn ở Idlib. Ảnh: AFP

Những thảm kịch chiến tranh

Trong thời gian dài, các bên tham gia cuộc xung đột tại Syria đã tiến hành nhiều cuộc tiến công dẫn đến số lượng lớn thương vong dân sự, gây ra khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và ngăn cản các nỗ lực viện trợ quốc tế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của quốc gia Tây Á này bị tàn phá khiến người dân không còn nơi trú ẩn, làm trầm trọng thêm sự thiếu thốn về tài lực và nguồn cung cấp nhu yếu phẩm cơ bản. Khoảng 13,1 triệu người Syria đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, còn lại hầu hết sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Mức độ mất an toàn thực phẩm ngày càng tăng đã ảnh hưởng đặc biệt đến trẻ em, cụ thể là sự gia tăng các chẩn đoán suy dinh dưỡng cấp tính cùng nhiều bệnh liên quan.

Thời gian đầu, phần lớn người tị nạn Syria được các tổ chức nhân đạo ở những nước láng giềng như Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ trợ giúp. Tuy nhiên, việc di cư sang những nước có biên giới tiếp giáp Syria ngày càng trở nên khó khăn. Năm 2017, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan đã ngăn gần 300.000 người Syria tị nạn vào nước mình. Trong số người tị nạn Syria bị Jordan từ chối tiếp cận, LHQ ước tính có bốn phần năm là phụ nữ hoặc trẻ em. Do đó, người Syria buộc phải tìm tới những kẻ buôn người và các tuyến đường nguy hiểm để rời khỏi đất nước. Và tháng 1-2018, 15 người bao gồm trẻ em và một phụ nữ lớn tuổi đã thiệt mạng vì thời tiết lạnh giá khi cố gắng băng qua một con đường núi từ Syria đến Lebanon.

Một số cuộc khảo sát do các tổ chức như Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thực hiện cho thấy, hơn nửa số người tị nạn Syria ở Lebanon hiện sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói, với mức thu nhập dưới 2,87 USD/người mỗi ngày. Hơn 74% số người Syria hơn 15 tuổi được khảo sát không có nơi cư trú hợp pháp tại Lebanon. Do đó, họ phải đối mặt các rào cản trong việc tìm kiếm công việc ổn định, đồng thời có nguy cơ bị bắt giữ và trả về nước cao hơn. Chỉ tính riêng năm 2017, mỗi tháng chính quyền Jordan đã trục xuất khoảng 400 người về Syria.

Trong giai đoạn 2014 - 2019, UNICEF phát hiện đã có tới 5.427 trẻ em thiệt mạng, tương đương 10 giờ đồng hồ lại có một trường hợp tử vong tại Syria. Ngoài ra, tổ chức này còn ước tính có hơn 5.000 trẻ vị thành niên bị ép buộc cầm súng tham gia chiến tranh. “Khi cuộc xung đột bước sang năm thứ 10, hàng triệu trẻ em nước này đang bước vào những năm đầu của cuộc đời, bị bao quanh bởi chiến tranh, bạo lực và làn sóng tị nạn. Nhu cầu hòa bình chưa bao giờ cấp bách hơn hiện nay”, bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF cho biết.

Việc học tập của các em cũng hoàn toàn gián đoạn, nguyên nhân do không còn giáo viên và phần lớn trường học đã bị phá hủy, hay đang được sử dụng cho mục đích nhân đạo hoặc quân sự. LHQ ước tính gần ba triệu trẻ em ở Syria tị nạn ở các nước láng giềng đã nghỉ học. Trẻ em không được học hành có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của tình trạng tảo hôn, bị cưỡng bức lao động, buôn bán tình dục, thậm chí bị ép đi lính hoặc trở thành nô lệ. Ông Ted Chaiban, Giám đốc khu vực của UNICEF phụ trách Trung Đông - Bắc Phi, cho biết: “Các gia đình nói với chúng tôi rằng, trong trường hợp bất khả kháng, cha mẹ các em không có lựa chọn nào khác ngoài việc cho con trai đi làm hoặc cho con gái kết hôn sớm. Không có bậc cha mẹ nào muốn đưa ra quyết định tồi tệ như vậy”.

Mái trường của hy vọng

Giống như nhiều trại tị nạn khác, hầu hết trẻ em sống trong trại tị nạn Bhora phía tây bắc Syria đã ở trong tình trạng khó khăn quá lâu, đến nỗi các em không thể nhớ cuộc sống bình thường trước đây ra sao. Nơi này thường xuyên thiếu thực phẩm, thuốc men và những nhu yếu phẩm khác. Tuy nhiên, các tình nguyện viên tham gia cứu trợ nhân đạo đã cố gắng cung cấp lều, nước sạch, thực phẩm và nhiên liệu để duy trì cuộc sống tại đây. Trong khi đó, các bác sĩ và y tá đã tiếp tục chăm sóc những người bệnh. Đối với nhu cầu học tập của các em nhỏ, bốn giáo viên trong nhóm tình nguyện là những người đầu tiên nảy ra ý tưởng thành lập ngôi trường đặc biệt này.

Ngôi trường mang tên “Trường hồi hương” được lập ra bên trong trại tị nạn tại làng Bhora thuộc tỉnh Idlib ở tây bắc Syria, là nơi dành cho khoảng 60 học sinh nam và nữ từ 4 đến 14 tuổi theo học. Thực tế, ngôi trường này chỉ là một túp lều chật chội với những bức tường làm từ tấm nhựa, chỉ đủ che mưa, nắng cho các em học sinh ngồi chen chúc. Lớp học không có bàn, ghế và hầu như không có sách, chỉ có duy nhất một tấm bảng trắng. Anh Qassem Al-Ahmad (30 tuổi), hiệu trưởng của ngôi trường đặc biệt này, cho biết: “Tôi là một trong số những người may mắn trốn khỏi ngôi làng Al Iss, gần Aleppo hai tháng trước. Như hầu hết học sinh tại đây, chúng tôi không còn nơi nào để đi. Một số học sinh có gia đình đã phải chạy nạn nhiều lần để thoát khỏi các khu vực chiến sự, bởi vậy các em đã không đi học trong nhiều năm. Theo tôi ước tính, có khoảng 40% số học sinh tại đây không biết chữ”.

Thành lập trường, lớp cho các em đi học đã khó, duy trì việc học còn khó khăn hơn. Nhiệt độ tại Syria vào ban đêm thường rất lạnh và an ninh thì không được bảo đảm. Bởi vậy, nhiều gia đình buộc phải cho con cái đi kiếm củi đốt, hoặc làm những công việc lặt vặt để kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra, có gia đình thường xuyên di chuyển từ trại này sang trại khác để tìm nơi trú ẩn tốt hơn. “Các em học sinh còn lại đến với lớp của tôi đều co ro vì không đủ áo ấm, với cái bụng đói vì chỉ được ăn một bữa mỗi ngày, ngồi học mà trên đầu là tiếng máy bay chiến đấu gầm rú. Hầu hết các em đều sợ hãi khi nghe thấy tiếng máy bay và khi đó, chúng tôi phải tìm mọi cách giúp các em quên đi để tiếp tục vào bài học”, anh Qassem cho biết.

Được sự hỗ trợ của người vợ là Malak, anh Qassem và hai giáo viên trong làng đã cùng nhau phân công nhiệm vụ dạy học cho các em học sinh. Trong khi cô giáo Malak dạy cho trẻ em dưới bảy tuổi những kỹ năng cơ bản, thì các giáo viên khác truyền đạt những kiến thức cao hơn, như chữ cái và chữ số Arab. Học sinh trong lớp thì chia sẻ với nhau từng mẩu giấy để ghi chép bài. “Chúng tôi không có các giáo cụ trực quan nên các em không được đọc truyện, không thể vẽ tranh,… nhưng chúng tôi nỗ lực dạy cho các em những điều cơ bản nhất”, cô Malak nói. Mỗi ngày, lớp học chỉ kéo dài trong vài giờ nhưng thu nhiều trẻ em tới học.

Khó khăn là thế, nhưng thầy Qassem vẫn thưởng cho các học sinh giỏi nhất lớp những món quà nhỏ như đồ chơi cũ, một ít sách vở hay giấy bút... “Tôi đã cố gắng thực hiện lời hứa tặng quà cho các em học sinh giỏi, mặc dù tôi biết rất khó để giữ lời hứa như vậy. Nhiều lúc, tôi còn không có đủ tiền mua bánh mì cho gia đình, song tôi hy vọng những phần thưởng đó sẽ là động lực giúp các em tiếp tục học vì tương lai sau này”, anh Qassem chia sẻ.