Số phận của các tù binh IS

Sau khi liên quân quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tuyên bố đánh bại hoàn toàn tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), thì việc phải làm thế nào với các tay súng có quốc tịch nước ngoài của tổ chức này, hiện bị giam giữ tại Iraq và Syria, đã trở thành chủ đề mà dư luận thế giới quan tâm. Trên thực tế, vấn đề này đang gây ra nhiều cuộc tranh cãi giữa giới chức các nước thành viên của liên quân nói trên.

Người Kurd không đủ lực lượng để canh giữ hàng nghìn tù binh IS. Ảnh: THE NEW YORKER
Người Kurd không đủ lực lượng để canh giữ hàng nghìn tù binh IS. Ảnh: THE NEW YORKER

Ngày 14-11 vừa qua, cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao của liên quân quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đã diễn ra tại Washington D.C (Mỹ). Ðây là cuộc họp khẩn đầu tiên do Pháp đề xuất sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi miền bắc Syria. Hiện, mối quan tâm hàng đầu của liên quân là giải quyết số phận của khoảng 10.000 tay súng IS cùng gia đình đang bị giam giữ ở khu vực đông bắc Syria và Iraq. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh hồi đầu tháng 11, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thực hiện kế hoạch hồi hương các tay súng thánh chiến IS, trong đó có hàng nghìn đối tượng mang quốc tịch Đức, Pháp, Bỉ, Ireland và Mỹ, bị bắt giữ tại nước này.

Trong cuộc họp vừa qua, đại diện 31 nước thành viên của liên quân đã thể hiện những quan điểm bất đồng. Theo đó, Mỹ cho rằng Liên hiệp châu Âu (EU) phải chịu trách nhiệm tiếp nhận phần lớn tù binh IS mang quốc tịch châu Âu. Tuy nhiên, giới chức EU tìm cách trì hoãn với các lý do an ninh ở trong nước và các thách thức về mặt hậu cần.

Cụ thể, giới chức Đức dù công nhận “quyền cơ bản” được trở về nước của công dân, nhưng cho biết sẽ chỉ đồng ý để các tay súng hồi hương nếu chính quyền có thể bảo đảm những người này sẽ được đưa ra xét xử lập tức và phải bị giam giữ. Chính phủ Đức thậm chí vừa phê chuẩn một dự luật sửa đổi cho phép tước bỏ quyền công dân Đức đối với những người mang hai quốc tịch, nếu như họ từng chiến đấu trong hàng ngũ của các tổ chức khủng bố nước ngoài.

Trong khi đó, Pháp, Anh, Thụy Điển cho rằng, nên xét xử các tù binh IS mang quốc tịch Pháp ở nơi “các tội ác được thực hiện”, tức là ngay tại Syria và Iraq. Pháp cũng cho biết đã thương lượng với Iraq về vấn đề trên và đạt được sự đồng ý của Baghdad. Trên thực tế, kể từ đầu năm 2018, tòa án Iraq đã ra phán quyết đối với 514 đối tượng IS là công dân Pháp, trong số này có nhiều trường hợp bị kết án tử hình. Đổi lại, Chính phủ Iraq cũng yêu cầu phương Tây bồi thường tài chính cho các hoạt động giam giữ, xét xử và cung cấp thực phẩm cho số tù binh này.

Số phận của các tù binh IS ảnh 1

Điều kiện tồi tệ bên trong nhà tù giam giữ các tay súng IS ở Syria. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, dư luận thế giới cho rằng, tiến trình xét xử một tù binh IS tiêu tốn nhiều thời gian trong khi điều kiện các cơ sở giam giữ còn yếu kém, vì vậy sẽ gây ra gánh nặng đối với một quốc gia còn nhiều bất ổn an ninh và khó khăn như Iraq. Ông Nathan Sales - điều phối viên hành động chống khủng bố của Mỹ nhận định, sẽ là vô trách nhiệm nếu các quốc gia châu Âu yêu cầu Iraq giải quyết vấn đề tù nhân IS thay cho mình.

Không chỉ vậy, việc Mỹ rút quân tại miền đông bắc Syria, động thái được cho là “bật đèn xanh” để quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến công lực lượng người Kurd, cũng tạo ra cơ hội để một số lượng lớn tay súng thánh chiến bị người Kurd giam giữ ở khu vực này đào thoát khỏi nhà tù. Theo số liệu từ tổ chức The Soufan của Mỹ, đang có hơn 1.000 tù nhân IS mang quốc tịch châu Âu bị giam giữ tại các nhà tù do người Kurd kiểm soát tại đông bắc Syria, cùng 1.500 người là thân nhân của những phần tử cực đoan này. Điều kiện tồi tệ trong các trại giam giữ tù nhân như diện tích chật chội, an ninh kém đã gây lo ngại rằng nhiều phần tử IS có thể lợi dụng để trốn thoát.

Theo The Guardian, việc châu Âu tìm cách trì hoãn cũng như đùn đẩy trách nhiệm hồi hương các tay súng IS có quốc tịch ở “lục địa già” cũng có cơ sở. Trước hết, do các tù nhân IS phạm tội ở nước ngoài, nên lực lượng an ninh châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc tìm bằng chứng để truy tố, kết tội và giam giữ. Nếu không thể giam giữ, những đối tượng này có thể tiến hành các cuộc tiến công khủng bố ngay trên lãnh thổ châu Âu.

Ngay cả khi không trực tiếp tiến hành hoạt động khủng bố, những tay súng IS cũng có khả năng truyền bá tư tưởng cực đoan. Trên thực tế, dù IS đã bị đánh bại, song thời gian qua, hàng loạt các cuộc tiến công khủng bố ở châu Âu do các cá nhân thực hiện cũng bắt nguồn từ việc thủ phạm bị lây nhiễm các tư tưởng cực đoan của IS trên internet.

Mới đây, The Sunday Times công bố các tài liệu được tìm thấy trong ổ cứng máy tính mà một thành viên IS đánh rơi khi tham chiến tại thành trì cuối cùng ở Syria. Theo đó, IS đang âm mưu thực hiện các vụ khủng bố trên khắp châu Âu. Các tài liệu này đề cập chi tiết cách thức IS tiếp tục sử dụng để điều hành những mạng lưới quốc tế, vận chuyển thành viên qua biên giới, lên kế hoạch cướp ngân hàng, đâm xe, ám sát, tiến công mạng. Chính những lo ngại về an ninh kể trên khiến người dân châu Âu phản đối mạnh mẽ kế hoạch hồi hương chiến binh IS bởi những nguy cơ không thể kiểm soát.

Rõ ràng, số phận của hàng trăm tay súng thánh chiến châu Âu từng chiến đấu ở Trung Đông hiện bị giam giữ ở Syria và Iraq đang đặt ra thách thức lớn đối với EU. Nhiều rủi ro đang rình rập không chỉ với châu Âu mà ở nhiều nơi trên thế giới từ những “quả bom nổ chậm” này. Tuy nhiên, một nghiên cứu do Chương trình nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan của Trường đại học George Washington (Mỹ) thực hiện cho thấy, hiểm họa từ việc các tay súng IS hồi hương đã bị thổi phồng quá mức. Theo kết luận từ nghiên cứu này, tới nay chưa ghi nhận trường hợp công dân Mỹ hồi hương nào tiến hành một hoạt động khủng bố. Cùng với đó, số lượng cũng như ảnh hưởng của số tay súng hồi hương trong thời gian qua cũng ở mức hạn chế, nhất là đối với khu vực Tây Âu.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng, chẳng ai dám bảo đảm các tù binh IS sau khi hồi hương sẽ không tạo ra những bất ổn an ninh tại quốc gia tiếp nhận. Do đó, việc giải quyết các tay súng này vẫn là vấn đề hóc búa, đòi hỏi các quốc gia thuộc EU phải tìm ra biện pháp ổn thỏa.