Quân bài chiến lược của Nga tại châu Âu

“Dòng chảy phương Bắc 2” là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Gazprom của Nga với năm công ty lớn của châu Âu nhằm xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang các nước Tây Âu qua biển Baltic. Đây chính là quân bài chiến lược để Nga duy trì ảnh hưởng tại “lục địa già”. Thời gian qua, Mỹ tìm mọi cách ngăn chặn việc triển khai “Dòng chảy phương Bắc 2”, song Nga và các đối tác tham gia dự án vẫn quyết tâm đưa đường ống dẫn khí đốt trên vào hoạt động trong năm nay.

Lắp đặt một đoạn đường ống của “Dòng chảy phương Bắc 2” ở biển Baltic. Ảnh: AP
Lắp đặt một đoạn đường ống của “Dòng chảy phương Bắc 2” ở biển Baltic. Ảnh: AP

Dự án thế kỷ

Theo TASS, “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2) là dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga, đi qua các vùng lãnh thổ, đặc quyền kinh tế của các quốc gia ngoài khơi biển Baltic là Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức, được lắp đặt song song đường ống “Dòng chảy phương Bắc” (Nord Stream). Quyết định xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” dựa trên kinh nghiệm trong việc xây dựng thành công đường ống “Dòng chảy phương Bắc”, bắt đầu hoạt động từ năm 2012.

Tháng 9-2015, bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại Vladivostok (Nga), Công ty “Nord Stream 2 AG” thuộc Tập đoàn Gazprom ký thỏa thuận với Công ty Engie (Pháp), OMV (Áo), Royal Dutch Shell (liên doanh Anh và Hà Lan), Uniper & Wintershall (Đức) về việc tài trợ dự án đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 2”, với 51% vốn đầu tư từ Nga và 49% từ năm công ty châu Âu. Tháng 9-2018, các bên bắt đầu triển khai lắp đặt các đường ống đầu tiên của dự án. Theo thiết kế, dự án gồm hai tuyến đường ống chính, mỗi tuyến có chiều dài 1.224 km, với tổng công suất 110 tỷ m³/năm và trị giá khoảng 9,5 tỷ euro (tương tương 11 tỷ USD). Hiện “Dòng chảy phương Bắc 2” đã hoàn thành 95%, chỉ còn 150 km cuối cùng đoạn đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch.

Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” phục vụ lợi ích của nhiều quốc gia, vì thế đã trở thành chủ đề tranh luận để ủng hộ cũng như phản đối từ nhiều phía. Những nước ủng hộ dự án này là Nga, Đức, Áo, Hà Lan, Pháp, Czech, Phần Lan, Thụy Sĩ, Malta, Slovakia và Na Uy, coi đây là “dự án tin cậy”, cung cấp khí đốt giá rẻ và tiết kiệm nhiều chi phí xây dựng. Trong khi Mỹ, Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Hungary và Ukraine lại là những nước phản đối dự án này với nhiều lý do khác nhau, không chỉ liên quan tới kinh tế, chính trị mà còn cả vấn đề an ninh khu vực.

Theo lập luận của các nước Đông Âu, đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” đang đi ngược lại các chính sách của châu Âu trong việc bảo đảm an ninh năng lượng khu vực cũng như gây tổn thất nghiêm trọng về địa - chính trị cho châu Âu. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) khi đó là Jean-Claude Juncker đã bác bỏ lập luận này của các nước Đông Âu, khi cho rằng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” chỉ đơn thuần là dự án thương mại, không liên quan đến chính trị hay an ninh. Trong số các nước phản đối “Dòng chảy phương Bắc 2” thì Mỹ được coi là nước có hành động quyết liệt, khi nước này liên tục đưa ra những đe dọa trừng phạt các bên liên quan. Xuất phát từ sự cạnh tranh địa - chính trị với Nga, phía Mỹ lo ngại châu Âu sẽ phụ thuộc năng lượng cũng như bị ảnh hưởng chính trị của Nga, đưa tới hậu quả là các nước châu Âu có xu hướng “thoát Mỹ”, gây khó khăn với chính sách trừng phạt Nga của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ từng cảnh báo các công ty châu Âu hỗ trợ xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt trên có nguy cơ đối mặt các lệnh trừng phạt. Những công ty có thể nằm trong danh sách trừng phạt bao gồm những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm, hỗ trợ lắp đặt đường ống ngầm dưới biển hoặc thẩm tra thiết bị xây dựng của dự án.

Nhà trắng nhiều lần chỉ trích lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU), đặc biệt là Đức, khi tham gia dự án này, cáo buộc “Dòng chảy phương Bắc 2” khiến EU phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Thực tế, Mỹ đang muốn bán khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU với giá cao. Tuy nhiên, trước hàng loạt sức ép của Mỹ, các nhà thầu của dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” khẳng định, việc xử phạt đối với các nhà đầu tư châu Âu là “hoàn toàn vô tác dụng”.

Công cụ sưởi ấm lại quan hệ Nga - châu Âu

Theo các chuyên gia của Viện Carnegie (Mỹ), dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” có vai trò đặc biệt quan trọng đối với EU và Nga. Khi dự án đi vào hoạt động, EU không chỉ được nhận khí đốt trực tiếp từ Nga mà còn được bảo đảm nguồn cung ổn định, tránh được các sự cố gián đoạn đã từng xảy ra liên tiếp trong những năm gần đây do Nga và hai nước trung chuyển là Ukraina, Belarus gặp vấn đề trong xác định mức thuế quá cảnh khí đốt. Đặc biệt, trục trặc về cung cấp khí đốt thường xảy ra vào mùa đông, khi nhu cầu sưởi ấm của EU ở mức cao nhất. Năm 2009, khi Gazprom nâng giá bán khí đốt, Chính phủ Ukraine chặn đường trung chuyển khí đốt của Nga sang EU, khiến cho 18 nước Tây Âu bị lâm vào tình cảnh “đóng băng” đúng vào lúc cần khí đốt để sưởi ấm trong mùa đông. Do đó, dự án trên sẽ khiến quan hệ giữa Nga và EU nồng ấm trở lại sau những căng thẳng từ sự kiện bán đảo Crime sáp nhập Nga năm 2014.

Ngoài ra, “Dòng chảy phương Bắc 2” đang hoàn thiện đúng vào thời điểm nhu cầu tiêu thụ khí đốt của châu Âu lên mức cao nhất trong lịch sử. Trước đây, các nhà máy điện hạt nhân của châu Âu (chiếm số lượng nhiều nhất thế giới, tập trung chủ yếu tại Pháp và Đức) bảo đảm khoảng 20% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng của châu lục này. Tuy nhiên, sau sự cố hạt nhân Fukushima (Nhật Bản), Ủy ban An toàn hạt nhân châu Âu đã quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, khiến nguồn cung năng lượng suy giảm đáng kể. Do đó, việc mua khí đốt của Nga được xem là “cứu cánh” cho “lục địa già”.

Bất chấp khó khăn tài chính và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, Tổng thống Vladimir Putin vẫn tuyên bố sẽ hoàn thành dự án trong năm nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của nhà lãnh đạo Nga. Các phát biểu của ông cùng những bước đi của Điện Kremlin cho thấy việc củng cố vai trò tại châu Âu bằng công cụ năng lượng là chiến lược đã được tính toán kỹ lưỡng. Theo trang Mordern Diplomacy, với lợi nhuận thu được từ “Dòng chảy phương Bắc”, Nga sẽ tái đầu tư, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, bảo đảm chắc chắn về mặt tài chính để dự án sớm đi vào hoạt động. Khi đó, cùng dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đã đi vào hoạt động (có chiều dài 930 km, gồm hai đường ống cùng công suất 15,75 tỷ m3/năm. Tuyến thứ nhất cung cấp nhiên liệu cho Thổ Nhĩ Kỳ, tuyến thứ hai cung cấp khí đốt đến Nam và Đông - Nam Âu), Nga chắc chắn sẽ duy trì được tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực.

Chính vì những lý do trên, truyền thông thế giới cho rằng không phải tên lửa phòng thủ chiến lược hay các tiêm kích hiện đại của Nga, mà chính nguồn khí đốt mới là công cụ giúp nước này tiếp tục chiếm “thế thượng phong” trước Mỹ trong quan hệ với EU nói riêng và lấy lại vị thế siêu cường thế giới nói chung.