Phòng, chống căn bệnh lạ

Mới đây, Ủy ban Y tế sức khỏe TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc) xác nhận đã có 59 trường hợp bị mắc bệnh viêm phổi cấp không rõ nguyên nhân, và con số này vẫn tiếp tục tăng lên. Các ca nhiễm bệnh đang khiến chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới và nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực đã phải đưa ra những biện pháp phòng, chống khẩn cấp.

Bộ trưởng Y tế Thái-lan (thứ hai, phải sang) chỉ đạo việc đo thân nhiệt các hành khách đến từ Vũ Hán tại sân bay Suvarnabhumi. Ảnh: AP
Bộ trưởng Y tế Thái-lan (thứ hai, phải sang) chỉ đạo việc đo thân nhiệt các hành khách đến từ Vũ Hán tại sân bay Suvarnabhumi. Ảnh: AP

Đại diện Ủy ban Y tế sức khỏe TP Vũ Hán cho biết, tính đến ngày 5-1-2020, đã có 59 người mắc viêm phổi cấp được cho là do virus lạ, trong đó bảy người đang ở tình trạng nguy kịch. Như vậy, số ca bệnh đã tăng lên so 44 ca công bố ngày 3-1. Hiện tất cả các bệnh nhân tại thành phố này đang được cách ly, khoảng 163 người có tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân nhiễm bệnh đang được theo dõi sát sao. Giới chức Vũ Hán cũng đang xác định thêm những người từng tiếp xúc với các ca mắc bệnh.

Theo The Straits Times, ngày 12-12-2019, các bệnh viện tại Vũ Hán bắt đầu ghi nhận những ca mắc viêm phổi do một loại virus lạ gây nên. Kể từ thời gian đó, số ca mắc bệnh liên tục tăng. Tuy nhiên, tới ngày 31-12, chính quyền TP Vũ Hán mới lên tiếng xác nhận hàng chục ca viêm phổi không rõ nguyên nhân, sau khi một thông báo khẩn cấp gửi các bệnh viện vô tình bị đăng tải lên internet, gây ra một cơn hoảng loạn trong cộng đồng mạng. Các thảo luận về dịch bệnh nhanh chóng trở thành chủ đề “nóng” trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Sau đó, giới chức y tế Trung Quốc đã công bố thông tin liên quan dịch bệnh này. Thông tin cho biết, hầu hết bệnh nhân là người bán hàng trong một chợ bán buôn hải sản địa phương của thành phố. Ngoài hải sản, chợ này cũng bán các động vật sống như chim, rắn và một số động vật hoang dã khác. Lo ngại dịch bệnh bùng phát rộng, khu chợ đã bị chính quyền Vũ Hán buộc đóng cửa từ ngày 1-1-2020.

Tại Hồng Công (Trung Quốc), ngày 5-1, đã ghi nhận tổng cộng 14 trường hợp nghi mắc bệnh viêm phổi lạ và tất cả trường hợp này đều từng đến Vũ Hán. Họ đều có triệu chứng sốt, nhiễm trùng đường hô hấp hay dấu hiệu viêm phổi. Nhà chức trách Macau (Trung Quốc) cũng báo cáo bốn trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ viêm phổi sau khi đến Vũ Hán, nhưng sau đó đều được xác nhận là nhiễm cúm hoặc những loại virus thông thường khác.

Ngoài ra, một bé gái ba tuổi người Singapore từng đến thành phố Vũ Hán cũng đã nhập viện với triệu chứng viêm phổi. Tuy nhiên, sau đó bé gái được xác nhận là mắc viêm phổi thông thường do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra. Bộ Y tế Singapore cũng khẳng định, ca bệnh này không liên quan dịch viêm phổi do virus lạ ở Vũ Hán, song bệnh nhi tiếp tục được theo dõi, điều trị cách ly tại bệnh viện.

Diễn biến của dịch bệnh này trong thời gian qua đã gây nhiều lo ngại. Đặc biệt, dịch bệnh xuất hiện khi chỉ còn vài tuần nữa là Tết Nguyên đán, thời điểm hàng trăm triệu người Trung Quốc đổ ra các ga tàu, xe, máy bay để về quê, đưa tới khả năng bệnh sẽ lây lan nhanh chóng. Dù đã bắt đầu tiến hành điều tra nguyên nhân gây bệnh, đồng thời triển khai một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh, song đến nay lực lượng chức năng vẫn chưa xác định được loại virus lạ này. Hiện chưa có bằng chứng dịch bệnh lây từ người sang người, và cũng chưa ghi nhận cán bộ y tế nào nhiễm bệnh.

Phòng, chống căn bệnh lạ ảnh 1

Khu chợ bán buôn hải sản, nơi bùng phát dịch bệnh lạ tại Vũ Hán. Ảnh: SCMP

Tăng cường kiểm soát

Theo CNN, dịch bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân được phát hiện trong bối cảnh các năm gần đây Trung Quốc liên tục ghi nhận một số dịch bệnh mới, nguy hiểm, như cúm A (H7N9), dịch hạch... Virus bí ẩn ở Vũ Hán đang làm dấy lên nỗi ám ảnh về đại dịch SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính ở dạng viêm phổi nặng).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), SARS được phát hiện lần đầu tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vào tháng 11-2002. Ngày 26-3-2003, Trung Quốc chính thức thông báo có dịch. Chỉ trong một thời gian ngắn, dịch bệnh này đã lây lan ra 32 quốc gia trên thế giới với 8.422 trường hợp và đã có 916 trường hợp tử vong. Việc thiếu thông tin khi dịch mới xuất hiện là lý do khiến giới chức y tế thế giới hết sức cảnh giác trước căn bệnh mới này. Trước lo ngại của dư luận, vừa qua nhà chức trách y tế Trung Quốc lên tiếng khẳng định virus này không phải là SARS, nhưng việc xác định chủng virus này vẫn cần thời gian để có thể đưa ra kết quả chính xác.

Nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, một số nước và vùng lãnh thổ tại châu Á đã thực hiện nhiều biện pháp phòng tránh. Cụ thể, giới chức Hồng Công (Trung Quốc) đã nâng mức độ kiểm soát và phòng ngừa bệnh lên mức “nghiêm trọng”; Cục Y tế đang tăng cường biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tổng thể hành khách đến khu hành chính đặc biệt này ngay tại cửa khẩu. Trong đó, tại sân bay lắp thêm camera hồng ngoại tầm soát thân nhiệt và các chuyến tàu từ Vũ Hán đến Hồng Công (Trung Quốc) đã được lắp đặt thiết bị, bố trí nhân viên để giám sát và kiểm tra thân nhiệt hành khách.

Tại Singapore, việc kiểm tra nhiệt độ bắt buộc sẽ được thực hiện tại sân bay Changi với tất cả hành khách đến từ Vũ Hán, bắt đầu từ tối 3-1 vừa qua. Các trường hợp nghi viêm phổi, nếu họ trở về từ Vũ Hán trong vòng 14 ngày, đều nằm trong diện theo dõi như một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh thâm nhập.

Tương tự, chính quyền Thái-lan cũng đã triển khai hệ thống máy quét thân nhiệt đối với tất cả hành khách trên các chuyến bay từ thành phố Vũ Hán hạ cánh xuống các sân bay Suvarnabhumi, Don Mueang, Phuket và Chiang Mai. Hành khách có dấu hiệu hoặc bị nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ được đưa đi thực hiện các xét nghiệm cần thiết và cách ly lập tức.

Trong khi đó, website của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Việt Nam đã đưa ra văn bản liên quan dịch bệnh. Cụ thể, văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch y tế, ngăn chặn bệnh thâm nhập qua cửa khẩu. Trong đó, thực hiện kiểm dịch y tế đối với người, xe và hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh truyền nhiễm. Cục Y tế Dự phòng cũng yêu cầu tăng cường giám sát gia cầm nhập lậu, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vận chuyển qua biên giới.

Sau khi có thông tin về dịch bệnh bắt nguồn từ Vũ Hán, giới chức WHO thông báo đã thành lập một lực lượng kiểm soát nguy cơ dịch bệnh tại thành phố này; đồng thời đã mở kênh liên lạc để kết nối thông tin giữa nhà chức trách trong khu vực trong trường hợp khẩn cấp. WHO đã chủ động liên hệ Chính phủ Trung Quốc nhằm tổ chức phối hợp, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và chia sẻ chi tiết hơn ngay khi nắm được thông tin mới nhất để các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực có biện pháp phòng tránh kịp thời.