Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28-8-1945 - 28-8-2020)

Phiên dịch ngoại giao - cây cầu vững chãi

Tháng 8 này đánh dấu 75 năm kỷ niệm Ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28-8-1945 - 28-8-2020). Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, ngoại giao là một trong những “binh chủng” luôn có mặt ở tuyến đầu. Trong đó, có những con người đặc biệt đã chứng kiến các sự kiện, giai đoạn của lịch sử dân tộc, có những đóng góp thầm lặng nhưng rất quan trọng trong các cuộc tiếp xúc, đàm phán, chiêu đãi quốc tế… 

Nguyên Đại sứ Nguyễn Thị Hồi (giữa) từng phiên dịch cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu
Nguyên Đại sứ Nguyễn Thị Hồi (giữa) từng phiên dịch cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu

Những “cung bậc” của nghề phiên dịch

Phòng phiên dịch là một trong những đơn vị ra đời sớm nhất của Bộ Ngoại giao, nhưng do yêu cầu của công việc từng thời kỳ, Phòng tồn tại dưới nhiều tên khác nhau. Có giai đoạn Phòng không chính thức tồn tại dù vẫn có những người tiếp tục đảm nhiệm công việc biên, phiên dịch. Một “thế hệ vàng” tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo cấp cao và thế hệ tiếp nối của Phòng phiên dịch đã chứng kiến các giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. Với họ, nghề biên, phiên dịch mang lại cơ hội gặp gỡ, dịch, làm việc, học hỏi từ các lãnh tụ và các vĩ nhân của thế giới.

Phiên dịch ngoại giao được thành lập năm 1946 theo Sắc lệnh số 47 ngày 7-4-1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với tên gọi Phòng thông dịch. Trải qua nhiều đổi thay, có thời kỳ các đơn vị chuyên môn chủ động về ngôn ngữ cho đến khi đơn vị phiên dịch được tái lập vào năm 1991, do nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên hiệp châu Âu (EU) và tại Bỉ, bà Tôn Nữ Thị Ninh làm Trưởng phòng. Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, trước khi lập phòng, bà đã tham gia công tác thông ngôn và sau này vẫn tiếp tục phiên dịch. Bà nói rằng, niềm đam mê với nghề biên, phiên dịch không biết xuất phát từ đâu nhưng “chưa thấy bao giờ giảm đi chứ đừng nói là tắt”. 

Bà Nguyễn Thị Hồi, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Canada và Áo, trải qua sáu năm làm ở Phòng phiên dịch, từ tháng 11-1970 đến khi đi học ở Australia năm 1976. Với gần 40 năm ở Bộ Ngoại giao, bà đã chứng kiến rất nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, đặc biệt là trong những năm 70 của thế kỷ trước. Bà từng tham gia phiên dịch cho phái đoàn Việt Nam tại Hiệp định Paris, mà mỗi lần nhớ lại bà gọi đó là “những cung bậc” không thể quên trong cuộc đời. Cuộc đấu tranh ngoại giao của nhân dân Việt Nam ở Paris (Pháp) đã thật sự góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bà Nguyễn Thị Hồi chia sẻ về ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc đời làm ngoại giao của mình chính là kỷ niệm khi phiên dịch giúp Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), khi Thủ tướng tiếp đại diện của Palestine tại Hà Nội. Đây là cuộc tiếp người nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng sau khi đất nước thống nhất. “Cuộc gặp vô cùng ấn tượng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đích thân đón đại diện của Palestine đến chúc mừng đất nước, nhân dân Việt Nam anh hùng. Sau đó, vị đại biểu Palestine có nói một câu là “Sự nghiệp của chúng tôi không biết đến bao giờ”. Thế là hôm đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tất cả mọi người đều khóc”, bà bồi hồi nhớ lại cuộc gặp cảm động mà bà không bao giờ quên. 

Theo Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, không chỉ cứ giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng Anh mà có thể làm phiên dịch được. “Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc, chẳng hạn như trong cuộc đi thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải sang Canada năm 2005, lúc đó tôi đang làm Đại sứ ở đó, tại cuộc tiếp xúc chính thức của Thủ tướng Canada tiếp Thủ tướng nước ta, phiên dịch phía Canada gặp khó khăn do không biết về ngành dọc, một đồng chí đoàn ta phải trực tiếp dịch”, bà kể lại.

Những “gạch nối” của thế hệ vàng

Các cán bộ thời kỳ đầu của Phòng phiên dịch cũng được xem là những gạch nối giữa “thế hệ vàng” đi trước và thế hệ sau này làm công tác biên, phiên dịch. Bà Đinh Thị Minh Huyền, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Canada, nhớ lại những ngày đầu làm ở phòng phiên dịch. Theo bà, trước đây, các văn bản đều được đánh máy, đòi hỏi phải rất kỹ càng và tỉ mỉ, nếu sai phải đánh lại từ đầu cả trang. Mà lúc bấy giờ có rất nhiều công hàm của Bộ Ngoại giao, công hàm phản đối, phát ngôn của Bộ Ngoại giao, văn bản ra liên tục. “Tôi nhớ thông thường ban ngày trình văn bản để các cán bộ lãnh đạo duyệt, nên lúc đánh máy, soát mo-rát thường vào ban đêm rất mệt”, bà chậm rãi kể. 

Khi đã khuya, Phòng hành chính đánh máy xong mới có văn bản để soát lỗi mo-rát. Bà nói rằng: “Về sau mọi người phát hiện nhà tôi ở gần cơ quan, chỉ cách hai bức tường là đến, thế là cứ gõ xong là gọi tôi và tôi thành người soát mo-rát chuyên nghiệp. Những kinh nghiệm ban đầu đó đã giúp đỡ tôi rất nhiều khi làm ở LHQ sau này. Các văn bản tôi phát hiện lỗi rất nhanh, nếu có vấn đề gì đó thì mình cũng soát lỗi kịp thời, có như vậy mới đáp ứng yêu cầu công việc ở LHQ”.

Tự nhận mình làm công việc khiêm tốn, thế nhưng những người phiên dịch trong khi tác nghiệp thường xuyên gặp phải nhiều “thử thách” đòi hỏi xử lý tình huống hết sức quan trọng. Nhiều năm làm việc tại Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), sự khéo léo, áp dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền đã nhiều lần gỡ thế khó cho ta, tạo được sự tin tưởng, uy tín và đánh giá cao của phái đoàn quốc tế. Bà nói: “Tôi rất tâm đắc với ý kiến rằng nghề phiên dịch là cơ hội cho mình học hỏi nhiều điều. Tôi cảm thấy may mắn vì được đi theo các vị lãnh đạo để thông dịch, kể cả mình không dịch thì cũng được ngồi nghe và học hỏi”. 

Giai đoạn 1979 - 1990 là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử ngành Ngoại giao Việt Nam thời hiện đại. Khi đó, do ảnh hưởng của một số nước lớn, Việt Nam đã bị đối xử bất công ở LHQ, nhiều nước vốn có cảm tình với Việt Nam cũng bị lôi kéo lên án Việt Nam. Đó là lý do vì sao những năm 80, mỗi cuộc họp hằng năm của Đại hội đồng LHQ thật sự là một cuộc đấu trí của các thành viên phái đoàn Việt Nam khi “vấn đề về Campuchia” được đưa ra bàn ở Đại hội đồng.

Đại sứ Huyền kể lại: “Trong suốt quá trình công tác tại LHQ, về vấn đề Campuchia, tôi cùng nhiều đồng chí may mắn được làm việc cho Bộ trưởng Ngoại giao khi đó là đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. Trong những chuyến công tác cùng Bộ trưởng, chúng tôi không phải dịch giúp ông, vì riêng với vấn đề Campuchia ông sử dụng tiếng Anh và tiếng Pháp, không cần phiên dịch viên. Tôi thường ngồi phía sau với vai trò nhắc từ, thỉnh thoảng ông có thiếu một chữ gì đấy là quay lại hỏi và mình nhắc luôn. Mới đầu, khi ngồi tôi có lơ đãng đôi chút, sau đó phải chăm chú dần. Lâu dần thì mình đoán được ý của ông, thí dụ như chỗ này mình biết ông sẽ nói từ gì, hay thấy ông hơi ngắc ngứ chữ nào là mình bật ra chữ đó ngay”. 

“Đây là những kỷ niệm mà tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ cách làm việc và nhất là tính thuyết phục trong từng câu nói, từng lập luận của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Tôi từng dự các cuộc họp với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, có cuộc khi lãnh đạo ta bắt đầu trả lời là tất cả hội trường đều đứng lên vỗ tay rầm rầm. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng vậy. Những câu trả lời đấu tranh trước các nhận thức sai lầm về Việt Nam của ông đều để lại ấn tượng rất tuyệt vời và được bạn bè quốc tế đánh giá cao”.

Đó chỉ là những lát cắt trong khối lượng công việc đồ sộ mà các nhà ngoại giao, những người đại diện cho tiếng nói, quan điểm của nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế, đã đóng góp cho sự phát triển sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, những người làm công tác biên, phiên dịch đã đi qua hành trình hết sức gian lao, song cũng rất đáng tự hào, có ý nghĩa đối với ngành Ngoại giao trong 75 năm qua.