Phía sau kế hoạch rút quân

Mối quan hệ giữa Mỹ và Đức, thành viên chủ chốt của Liên hiệp châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lao dốc, thể hiện rõ nhất khi cuối tháng 7 vừa qua, Mỹ đã thông báo kế hoạch rút 12 nghìn quân ra khỏi Đức. Sự kiện này là hệ quả tất yếu sau một thời gian dài Washington mâu thuẫn với Berlin trong nhiều vấn đề. 

Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Đức Merkel tại một cuộc gặp ở Nhà trắng. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Đức Merkel tại một cuộc gặp ở Nhà trắng. Ảnh: AP

Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Đức đã giảm sút rõ rệt trong các năm gần đây. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas từng cảnh báo rằng, sau những bất đồng về chi tiêu quốc phòng của các thành viên NATO, về cơ sở hạ tầng năng lượng, các công việc của Nhóm bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và căng thẳng thương mại,… quan hệ giữa giữa Mỹ và Đức có thể sẽ không bao giờ trở lại như cũ.

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thái độ gây sức ép rõ ràng đối với NATO và các đồng minh gần gũi nhất của Mỹ ở châu Âu. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã có động thái hiện thực hóa cảnh báo của Tổng thống Trump về việc rút quân khỏi Đức. Ông thông báo sẽ rút 12 nghìn lính Mỹ ra khỏi nước Đức, chỉ để lại một phần ở châu Âu, chủ yếu là ở Bỉ và Italia, đưa các binh sĩ còn lại về Mỹ để tham gia những đợt triển khai luân phiên tại Đông Âu và trên toàn thế giới. Việc rút quân ảnh hưởng đến cam kết của Mỹ đối với NATO, đặc biệt là trong trường hợp Tổng thống Donald Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới thì việc Mỹ rút quân khỏi Đức báo hiệu tương lai ảm đạm đối với liên minh quân sự lớn nhất thế giới này.

Khi ông Trump mới lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, châu Âu chưa hề lo ngại về các chính sách đối ngoại mới của Mỹ. Dù có sự ưu ái khác thường với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng “ông chủ” Nhà trắng vẫn tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với Moscow liên quan nhiều vấn đề. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu. 

Tuy nhiên đến nay, trong bối cảnh tình hình địa - chính trị ở châu Âu đang có sự thay đổi, Mỹ dần thực hiện việc bố trí lại lực lượng, cũng như chuyển cơ quan đầu não của quân đội Mỹ từ Đức sang Bỉ. Một quyết định như vậy đòi hỏi phải có sự phối hợp và tham vấn với các lực lượng quân sự, đồng minh của Mỹ trong khu vực, cũng như phải giải tỏa mối quan ngại về hậu cần. Do đó, động thái tái bố trí lực lượng của chính quyền Mỹ được giới phân tích nhận định là do Washington muốn mở rộng tiếp cận châu Âu, hàn gắn quan hệ hợp tác với Nga.

Phía sau kế hoạch rút quân -0
Mỹ sẽ rút khoảng 12 nghìn lính khỏi Đức và bố trí sang những khu vực khác của châu Âu. Ảnh: ZUMA PRESS 

Từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Trump đã bày tỏ sự nghi ngờ về việc Mỹ có nên tiếp tục tôn trọng các cam kết an ninh với NATO, thậm chí nhiều lần thảo luận về việc rút Mỹ khỏi NATO. Tổng thống Donald Trump cho rằng, Mỹ phải gánh quá nhiều trách nhiệm trong NATO, nhiều lần chỉ trích việc Đức do dự tăng chi tiêu quốc phòng để phù hợp quy định các nước thành viên NATO cần tự nguyện sử dụng 2% GDP cho hoạt động quốc phòng. Trong cuốn sách mới ra mắt của mình, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton tiết lộ rằng, ông đã thuyết phục “ông chủ” Nhà trắng không nên rút Mỹ khỏi NATO, vì điều này sẽ gây tổn hại các lợi ích về an ninh của Mỹ, ông Trump vẫn tỏ thái độ phớt lờ và tiếp tục thực hiện tuyên bố của mình. 

NATO có lý do để lo ngại vì nếu không có “chiếc ô an ninh” của Mỹ, liên minh quân sự này sẽ rơi vào tình trạng chỉ hoạt động trên danh nghĩa mà không có thực chất. Việc Mỹ rút bớt quân như thế, bất kể ít hay nhiều, trong bối cảnh NATO coi Nga là đối thủ đều phản ánh quan điểm của Mỹ không còn coi trọng NATO như trước, cũng như không còn coi liên minh quân sự này là công cụ để đảm nhận và thể hiện vai trò chính trị - an ninh hàng đầu thế giới. Quyết sách đó của Mỹ làm cho nội bộ NATO bị phân hóa, tạo thế bất lợi cho NATO bao nhiêu thì lại có lợi cho Nga bấy nhiêu.

Hy vọng lớn nhất hiện nay của NATO là nếu đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Trump sẽ không quá quan tâm tới liên minh này cũng như việc rút quân khỏi châu Âu. Tuy nhiên, thái độ thân thiện của ông Trump về việc cải thiện quan hệ với Nga lại báo hiệu các khó khăn sắp tới đối với tương lai của NATO. Cạnh tranh với NATO là mục tiêu chiến lược hàng đầu của Nga kể từ khi liên minh này được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Lâu nay, Nga đã kêu gọi Mỹ rút quân đội khỏi châu Âu. Trả lời phỏng vấn CNN, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi cho rằng quân đội Mỹ càng ít hiện diện thì châu Âu càng yên bình”. 

Giờ đây, Tổng thống Mỹ ngày càng tỏ rõ thái độ bất hợp tác với NATO, trong khi có ý định cải thiện quan hệ song phương với Nga. Tháng 7-2018, cuộc gặp Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Trump đã diễn ra tại Helsiki (Phần Lan). Lúc này, Tổng thống Mỹ phải đối mặt với nhiều sức ép cộng dồn như cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, cuộc điều tra về những cáo buộc về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Mặc dù vậy, ông Trump vẫn tỏ rõ sự nhiệt tình, thái độ cởi mở đối với Tổng thống Nga. Tại cuộc gặp đó và một số cuộc gặp khác, Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin đều tỏ thái độ hòa hợp với nhau. Theo AP, ông Trump đã giấu các quan chức Mỹ nội dung của ít nhất năm cuộc gặp với Tổng thống Putin. Gần đây, có rò rỉ một số thông tin tiết lộ rằng hai bên đã đối thoại với nhau bảy lần kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, nhưng hầu như không ai biết gì về nội dung các cuộc đối thoại đó. 

Tất cả những diễn biến nói trên khiến tương lai liên minh quân sự NATO trong trường hợp Tổng thống Donald Trump tiếp tục tại vị càng thêm ảm đạm. Cựu Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu, ông Ben Hodges miêu tả việc Mỹ rút quân khỏi Đức mới đây là “một món quà dành tặng Tổng thống Nga Putin” và việc Mỹ rút quân khỏi nước Đức có thể là “chỉ dấu” báo hiệu hồi kết của NATO.