“Pháo đài” kiên cố bậc nhất Bắc Mỹ

Ngày 12-5 tới, tại TP Colorado Springs, bang Colorado (Mỹ), Bộ Chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 63 năm thành lập. NORAD là tổ chức quân sự đặc biệt được thành lập theo thỏa thuận giữa Chính phủ Mỹ và Canada trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, với căn cứ đặt tại núi Cheyenne, nơi được xem là an toàn nhất thế giới.

Màn hình hiển thị các cảnh báo bên trong căn cứ NORAD. Ảnh: AFP
Màn hình hiển thị các cảnh báo bên trong căn cứ NORAD. Ảnh: AFP

Sứ mệnh của NORAD

Theo TASS, ngày 1-8-1957, Chính phủ Mỹ và Canada tuyên bố hai quốc gia sẽ hợp tác thành lập lực lượng phòng không, không quân chung, đặt căn cứ quân sự tại núi Cheyenne. Thỏa thuận thành lập lực lượng phòng không, không quân chung giữa Mỹ và Canada ra đời từ nỗi lo ngại của cả hai quốc gia trước sự phức tạp, căng thẳng của cuộc Chiến tranh lạnh, đặc biệt là trước khả năng tiến công uy lực từ máy bay ném bom tầm xa của Liên Xô (trước đây). Lực lượng Không quân Hoàng gia Canada (RCAF) và Không quân Mỹ (USAF) cam kết hợp tác chặt chẽ bảo đảm sự an toàn của hai bên.

Ngày 12-5-1958, hai nước chính thức phê chuẩn, ký kết thỏa thuận ban đầu gồm 11 nguyên tắc điều chỉnh tổ chức, hoạt động của Bộ Chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (viết tắt là NORAD). Kể từ khi thành lập đến nay, NORAD được hai chính phủ gia hạn, sửa đổi nhiều lần cho phù hợp diễn biến tình hình thế giới. Năm 1996, nhiệm vụ cơ bản của NORAD đã được biến chuyển thành phát hiện, cảnh báo nguy hiểm, giám sát hoạt động trong không gian. Năm 2006, NORAD được mở rộng thêm nhiệm vụ cảnh báo trên biển, mặc dù lực lượng hải quân của hai nước vẫn được đặt dưới các lệnh chỉ huy riêng biệt.

Nếu trước đây NORAD được thành lập nhằm xây dựng một hệ thống phòng thủ chống lại những đe dọa quân sự từ Liên Xô, thì ngày nay, NORAD tập trung ứng phó các mối đe doạ mới như sức mạnh quân sự từ bên ngoài, tiến công khủng bố, nguy cơ từ tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa hạt nhân từ bán đảo Triều Tiên hay Iran. Ngoài ra, sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001, NORAD bắt đầu giám sát các hoạt động không lưu dân dụng nhằm đề phòng những mối nguy hiểm tiềm tàng từ bên ngoài, đồng thời hỗ trợ các cơ quan an ninh khác phát hiện các máy bay bị nghi ngờ vận chuyển ma túy bất hợp pháp. Theo The Guardian, tính đến năm 2016, NORAD đã phản ứng với hơn 2.500 mối đe dọa tiềm tàng trên không phận Mỹ và Canada, cũng như cho xuất kích khoảng 42 nghìn chuyến bay quân sự tiến hành các hoạt động giám sát.

Về cơ bản, NORAD là một thỏa thuận thành công khi phối hợp hiệu quả hai lực lượng không quân Mỹ, Canada trong việc theo đuổi cùng một nhiệm vụ khó khăn là phòng vệ từ xa nhằm bảo đảm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, do bất kỳ hoạt động nào của NORAD cũng cần có sự đồng ý của chính phủ hai phía, nên đôi khi NORAD gặp một số trở ngại trong việc thảo luận và đưa ra quyết định cuối cùng. Thí dụ điển hình là sự kiện năm 1962 khi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba diễn ra. Trong khi quân đội Mỹ tiếp tục giữ những cảnh báo nguy hiểm ngay sau cuộc khủng hoảng, phía Canada lại trì hoãn các quyết định trong một khoảng thời gian. Khi đó, chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống John F. Kennedy đã tỏ ý không hài lòng và đưa ra nhiều lời chỉ trích đối với Chính phủ Canada.

Pháo đài bất khả xâm phạm

Theo trang tin Thememoryhole2.org, dù được thành lập từ năm 1958, song đến năm 1966, căn cứ của NORAD tại núi Cheyenne mới đi vào hoạt động. Sau khi xây dựng xong, căn cứ này được xem là một trong những nơi bất khả xâm phạm trên thế giới, là công trình đáng tự hào của quân đội Mỹ và Canada, đồng thời cũng là biểu tượng lịch sử của thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Khi xây dựng căn cứ, Mỹ muốn có một trung tâm kiểm soát có thể tạm thời tự cung cấp và chịu được một cuộc tiến công hạt nhân. Vì vậy, lòng núi Cheyenne đã được khoét sâu và khu phức hợp núi Cheyenne được bao bọc bởi hai cánh cửa thép nặng 23 tấn. Khu phức hợp này có 15 tòa nhà được xây dựng trên 1.300 lò xo thép khổng lồ, giúp các tòa nhà giữ được đàn hồi khi có động đất hoặc vụ nổ hạt nhân xảy ra. Hai cánh cửa phải mất 40 giây mới hoàn toàn đóng chặt, có thể bảo vệ căn cứ trước các cuộc tiến công từ bên ngoài. Trước đây, NORAD được yêu cầu một trong hai cánh cửa phải luôn đóng, điều này đã bị thay đổi vào năm 1991, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Hiện nay, ngoại trừ những khi diễn tập, cả hai cánh cửa bảo vệ căn cứ NORAD đều trong tình trạng mở, lần cuối chúng bị đóng là vào ngày đen tối trong lịch sử nước Mỹ, khi xảy ra vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Ngoài ra, do được bao bọc bởi đá hoa cương, nên vô hình trung toàn bộ căn cứ được bảo vệ bằng một tấm khiên ngăn chặn nguy cơ tiến công bằng xung điện từ. Đáng chú ý, trong khu phức hợp còn có năm hồ nước, một hồ chứa đầy dầu diesel và bốn hồ còn lại chứa nước. Thông thường, các hoạt động trong pháo đài này được cấp nhiên liệu từ TP Colorado Springs, nhưng nếu NORAD bị cô lập, hồ chứa dầu này sẽ được sử dụng để cấp nhiên liệu cho các máy phát điện ngầm, bốn hồ chứa nước còn lại cũng có nhiệm vụ riêng như cung cấp nước uống, chữa cháy hoặc làm mát...

Ước tính xấp xỉ 350 nhân viên làm việc thường trực trong căn cứ. Ngoài nhân viên chuyên môn của NORAD còn có cả các nhân viên cứu hỏa, an ninh, y tế. Do căn cứ biệt lập với bên ngoài nên nơi đây được thiết kế bao gồm cả các khu vực như phòng tập thể dục, bệnh viện, nhà thờ và một vài cửa hàng tiện lợi, phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Có thể ví căn cứ quân sự này như một thành phố thu nhỏ nằm sâu trong lòng núi Cheyenne. Các thiết bị công nghệ trong trung tâm chỉ huy hiện đại đến mức có khả năng rà soát mọi hoạt động tên lửa trên khắp thế giới, cũng như mọi mối đe dọa từ vùng trời, vùng biển và thậm chí từ không gian. Thông tin từ các vệ tinh, cảm biến trên mặt đất và những hệ thống do thám khác đều được truyền về căn cứ, sau đó được tổng hợp, xử lý để làm cơ sở cho các quyết định quân sự. Tất cả các hoạt động tại NORAD đều được thực hiện tập trung cao độ để bảo đảm tốc độ phát hiện, xử lý và dự đoán thông tin trong khoảng thời gian ngắn nhất.

Hiện, trụ sở chỉ huy của NORAD được đặt ở căn cứ không quân Peterson (có chung sân bay với sân bay TP Colorado Springs), và căn cứ tại ngọn núi Cheyenne được xem là phương án dự phòng. Trong trường hợp Mỹ và Canada đối mặt mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, trụ sở sẽ được chuyển về đây. Giới chuyên gia nhận định, dù trong 60 năm qua, tình hình chính trị thế giới chuyển biến mau lẹ và khó lường, căn cứ NORAD tại Cheyenne vẫn được Chính phủ Mỹ và Canada đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng phó, không ngừng theo đuổi mục tiêu chung từ ngày đầu thành lập là “bảo đảm an ninh khu vực Bắc Mỹ”.

Căn cứ chỉ huy của NORAD trong lòng núi Cheyenne được coi như một trong những kỳ công của kiến trúc quân sự, được bảo vệ tuyệt mật vì liên quan an ninh quốc gia. Đến nay, khi NORAD đã được chuyển sang căn cứ mới thì “pháo đài” trong lòng núi Cheyenne vẫn còn nhiều điều bí ẩn.