Nước Anh và tiến trình Brexit

Từ khoảnh khắc cựu Thủ tướng Anh David Cameron cam kết tiến hành trưng cầu ý dân về việc Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đến nay, qua các cuộc đàm phán căng thẳng, hai lần thay đổi thủ tướng hoặc phải trì hoãn, tiến trình Brexit gần như chắc chắn đến đích đúng hẹn vào ngày 31-1-2020 sau chiến thắng của đảng Bảo thủ do Thủ tướng Anh Boris Johnson đứng đầu tại cuộc tổng tuyển cử vừa qua.

Thủ tướng B.Johnson phát biểu ý kiến về Brexit tại Hạ viện Anh. Ảnh: NBC NEWS
Thủ tướng B.Johnson phát biểu ý kiến về Brexit tại Hạ viện Anh. Ảnh: NBC NEWS

Nhiều lần “lỡ hẹn”

Trên thực tế, từ năm 1975, chính phủ mới của Công đảng Anh cũng đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc đưa Anh rời EU, nhưng khi đó, phần lớn người dân Anh đã không chọn việc thay đổi. Chuyện Anh rời khỏi EU đã “nóng” trở lại vào năm 2013, khi Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là ông David Cameron dưới áp lực mạnh mẽ từ nhiều nghị sĩ trong chính đảng Bảo thủ và sự trỗi dậy mạnh mẽ của đảng Độc lập Anh (Ukip) đã cam kết sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này, nếu đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015.

Theo đúng cam kết được ông Cameron đưa ra, ngày 23-6-2016, người dân Anh đi bỏ phiếu về việc ở lại hay rời khỏi EU. Tại cuộc bỏ phiếu này, có tới 52% số cử tri Anh ủng hộ việc London rời khỏi EU. Kết quả gây sốc đã khiến cụm từ “Brexit” phủ đầy các mặt báo, và làm “nóng” các ý kiến trong xã hội Anh cho đến nay. Với kết quả bỏ phiếu trên, ông Cameron đã từ chức do ông có chủ trương ở lại EU.

Ngày 13-7-2016, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May được đảng Bảo thủ bầu chọn làm người đứng đầu đảng này, đồng nghĩa với việc trở thành người tiếp quản ghế Thủ tướng Anh. Điều đáng nói là bà May vốn là người ủng hộ việc Anh rời khỏi EU. Đến ngày 29-3-2017, bà May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để Anh bắt đầu quá trình đàm phán rời EU. Theo dự kiến, toàn bộ quá trình này kéo dài khoảng hai năm, và Brexit diễn ra ngày 29-3-2019. Tại một cuộc họp báo khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) Donald Tusk cho rằng việc kích hoạt Điều 50 không phải chuyện vui vẻ, đồng thời phát đi thông điệp với Anh: “Chúng tôi nhớ các bạn. Cảm ơn và tạm biệt”.

Ngày 18-4-2017, sau nhiều lần khẳng định không tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn, Thủ tướng May bất ngờ thay đổi ý định, thông báo cuộc bầu cử sớm ở Anh sẽ được tổ chức vào ngày 8-6 cùng năm, vừa nhằm bảo đảm bà được công nhận là thủ tướng do dân bầu, vừa hàn gắn những chia rẽ trong chính phủ mà theo bà có thể gây cản trở Brexit diễn ra đúng hạn định. Kết quả bỏ phiếu ngày 8-6 cho thấy, đảng của bà từ chỗ đang ở thế đa số lại trở thành phe thiểu số trong Quốc hội, khiến cho tiến trình Brexit đã có lúc rơi vào thế khó, thậm chí đã có nhiều ý kiến hoài nghi, cho rằng nước Anh cần tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới để đảo ngược Brexit.

Dù có nhiều khó khăn, Chính phủ Anh vẫn chật vật đàm phán “hóa đơn ly hôn” với EU để xúc tiến Brexit. Ngày 8-12-2017, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã đạt được tiến bộ trong giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán về Brexit, bao gồm các điều khoản về đường biên giới với Ireland và quyền công dân, mở ra giai đoạn hai của việc bàn thảo về tương lai quan hệ thương mại với nước Anh.

Ngày 25-11-2018, các nhà lãnh đạo EU đã phê chuẩn bản thỏa thuận Brexit dày 600 trang với Anh, trong đó vạch ra các điều khoản liên quan việc Anh rời khỏi EU vào ngày 29-3-2019, bao gồm cả vấn đề “hóa đơn ly hôn” trị giá 39 tỷ bảng, bản kế hoạch dự phòng liên quan biên giới Ireland trong trường hợp các cuộc đàm phán thương mại bế tắc,… cùng tuyên bố dài 26 trang phác thảo quan hệ thương mại tự do giữa hai bên trong tương lai. Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker khẳng định đó là thỏa thuận duy nhất có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, đến ngày 15-1-2019, chỉ còn chưa đầy ba tháng là đến hạn chót Brexit, các nghị sĩ Anh đã bác bỏ kế hoạch Brexit của bà May với 432 phiếu phản đối và 202 phiếu ủng hộ. Kết quả này diễn ra chỉ ít lâu sau khi bà May đưa ra lời kêu gọi cuối cùng để các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận mà bà đã ký với Brussels vào tháng 11-2018 sau gần hai năm đàm phán. Đây cũng là cuộc bỏ phiếu lịch sử đẩy tương lai chính phủ của bà May và Brexit vào cảnh bất định.

Gần hai tháng sau diễn biến trên, ngày 14-2-2019, Hạ viện Anh tiếp tục bỏ phiếu bác bỏ các kế hoạch Brexit mới nhất của bà May. Kết quả này lặp lại ở phiên bỏ phiếu diễn ra ngày 12-3-2019. Phương án Brexit không thỏa thuận (Brexit cứng) cũng bị Hạ viện Anh loại bỏ tại cuộc bỏ phiếu sau đó một ngày. Tại phiên bỏ phiếu đầy chia rẽ ngày 14-3, các nghị sĩ Anh ủng hộ việc đề nghị EU trì hoãn Brexit đến sau hạn chót 29-3.

Ngày 27-3-2019, các nghị sĩ Anh bác bỏ toàn bộ tám lựa chọn liên quan Brexit, trong đó có đề xuất trưng cầu ý dân lần thứ hai về thỏa thuận Brexit và đề xuất Anh rút khỏi EU mà không có thỏa thuận. Trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 29-3, ngày Anh dự kiến rời khỏi EU, thỏa thuận Brexit đã bị Hạ viện Anh từ chối lần thứ ba. Trong bối cảnh đó, bà May đã viết thư cho ông Tusk, đề nghị trì hoãn thời điểm Brexit đến ngày 30-6. Đến ngày 11-4, các nhà lãnh đạo 27 nước EU nhất trí gia hạn sáu tháng đối với tiến trình Brexit, tức tới ngày 31-10-2019 nhằm ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận.

“Cú dứt điểm”

Trong thời gian này, Anh lại thêm một lần chứng kiến sự thay đổi lãnh đạo. Tháng 5-2019, bà May thông báo sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ trong sự tiếc nuối vì không thể thực hiện quá trình Brexit. Đến ngày 23-7, ông Boris Johnson được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ và trở thành Thủ tướng tiếp theo của Anh sau khi đánh bại đối thủ là ông Jeremy Hunt. Hai ngày sau, ông Johnson thông báo sẽ nỗ lực đạt được một thỏa thuận mới về việc Anh rời khỏi EU, nhưng ngay trong cuộc điện đàm đầu tiên với tân Thủ tướng Anh, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã khẳng định thỏa thuận với người tiền nhiệm Theresa May là tốt nhất và duy nhất. Ông Johnson cũng tuyên bố chính phủ của ông sẽ chuẩn bị cho một cuộc “ly hôn” không thỏa thuận sau ngày 31-10 nếu EU từ chối đàm phán. EU sau đó cũng đã từ chối yêu cầu đưa ra những thay đổi lớn trong một thỏa thuận Brexit mới do ông Johnson đề xuất.

Ngày 4-9, các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu thông qua một dự luật nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận. Và Thủ tướng Johnson đã thúc đẩy một cuộc tổng tuyển cử sớm nhưng không thành công, do không giành được sự ủng hộ cần thiết của hai phần ba số nghị sĩ. Với quyết tâm thực hiện Brexit đúng thời hạn 31-10, sau đó Thủ tướng Anh đã quyết định đình chỉ hoạt động của Quốc hội Anh từ ngày 9-9 đến ngày 14-10. Có điều, Quốc hội Anh vào ngày 25-9 đã nối lại hoạt động sau khi Tòa án tối cao nước này ra phán quyết rằng quyết định của ông Johnson là trái luật. Ông Johnson tiếp tục thúc đẩy tiến hành một cuộc tổng tuyển cử sớm nhưng vẫn không thành.

Ngày 17-10, sau những cuộc đàm phán căng thẳng, Thủ tướng Boris Johnson thông báo Anh đã đạt được một “thỏa thuận tuyệt vời” với EU. Tuy nhiên, thỏa thuận mới vẫn không được nghị viện Anh thông qua. Ngày 19-10, ông Johnson đã phải gửi thư đề nghị EU lùi Brexit đến ngày 31-1-2020 theo một dự luật đã được Hạ viện Anh thông qua. Sau khi Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit, ông Johnson khẳng định rằng cách duy nhất để thực hiện được Brexit là tổ chức một cuộc tổng tuyển cử và phá vỡ thế bế tắc trong nghị viện. Đến ngày 28-10, Công đảng đối lập đã ủng hộ một dự luật của chính phủ, theo đó cho phép tiến hành tổng tuyển cử. Quốc hội Anh đã bị giải tán vào ngày 6-11, mở đường cho “trận chiến” giành quyền kiểm soát ghế thủ tướng.

Với việc đảng Bảo thủ của ông Johnson giành được thế đa số tại Quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử ngày 12-12 vừa qua, ông Johnson có được đầy đủ tiền đề và điều kiện cần thiết để thực hiện cam kết cũng như khẩu hiệu tranh cử là thực hiện dứt điểm Brexit. Với kết quả này, việc hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết cho Brexit trong Quốc hội Anh sẽ không còn gặp trở ngại gì. Vấn đề còn lại là hạn chót diễn ra Brexit là ngày 31-1-2020 hay sớm hơn. Tuy nhiên, tới đây ông Johnson và EU sẽ phải đối mặt những vòng đàm phán đầy khó khăn và gay cấn để đạt được các thỏa thuận xác lập khuôn khổ quan hệ mới giữa Anh với EU về hợp tác kinh tế, thương mại, chính trị, an ninh, pháp lý.