Nơi khởi nguồn của Nghị viện Anh hiện đại

Tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Anh Theresa May công bố ý định từ chức sau ba lần trình dự thảo phương án Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, ra Quốc hội nhưng đều bị bác bỏ. Điều đó cho thấy những nguyên tắc, truyền thống lâu đời đã hình thành trong một quá trình kéo dài hàng trăm năm lịch sử của Vương quốc Anh.

Lễ khai mạc truyền thống của Quốc hội Anh. Ảnh: THE ROYAL FAMILY
Lễ khai mạc truyền thống của Quốc hội Anh. Ảnh: THE ROYAL FAMILY

Quốc hội Anh là một cơ quan được lập ra bởi nhu cầu tự nhiên của lịch sử. Năm 1215, trước áp lực của các nhà quý tộc nổi loạn, Vua John của Anh đã phải ký vào Đại Hiến chương Magna Carta. Đây là văn bản pháp lý chấm dứt quyền lực tuyệt đối của các bậc quân vương nước Anh, và yêu cầu nhà vua cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Kể từ đó, trong suốt 800 năm, để có được quyền lực như hôm nay, Quốc hội Anh phải luôn luôn đấu tranh bền bỉ và kiên quyết, từng bước giành lại quyền lực từ tay các vua chúa phong kiến.

Hệ thống nghị viện Anh đã trở thành hình mẫu cho rất nhiều cơ quan lập pháp ở các nước trên thế giới, trực tiếp hoặc gián tiếp, nhiều nghị viện của các nước không theo hệ thống Anh nhưng học hỏi rất nhiều yếu tố và mô hình vận hành của Anh. Vì thế nghị viện Anh được coi là “mẹ đẻ” của hệ thống nghị viện trên thế giới. Dù tên gọi chính thức ở các nước có khác nhau nhưng một nghị viện theo hệ thống Anh thông thường gồm hai viện: Thượng viện và Hạ viện. Đáng chú ý là trái với tên gọi của mình, Hạ viện mới là nơi có nhiều quyền lập pháp hơn và là nơi thành lập chính phủ. Tên gọi Hạ viện (hay “Viện dưới”) bắt nguồn từ việc Hạ viện của Anh (thường dịch là “Viện thứ dân”) là nơi các đại biểu được người dân bầu vào không kể nguồn gốc xuất thân, hay tầng lớp xã hội. Song song với đó là Thượng viện (hay “Viện trên”), ở Anh gọi là “Viện quý tộc”, bao gồm các chức sắc, tăng lữ của Giáo hội Anh và các gia đình quý tộc có quyền tập ấm (là quyền cho con, cháu được thừa kế tước hiệu của cha, chú).

Việc Hạ viện có nhiều quyền lực hơn Thượng viện cho thấy một điều là những người được dân bầu có nhiều quyền lực hơn hẳn những người được thừa hưởng tước hiệu từ đời trước, bao gồm cả Nhà vua. Ngày nay, Viện quý tộc Anh chỉ còn một phần nhỏ là quý tộc được thế tập tước vị từ nhiều đời trước, đa phần thành viên của Thượng viện là người bình thường do Thủ tướng giới thiệu, được phong tước hiệu mà không có quyền tập ấm.

Từ thuở sơ khai thành lập, Quốc hội Anh được gọi là Hội đồng Hoàng gia, vì gồm những lãnh chúa, quý tộc giàu có và hùng mạnh nhất để thương lượng với Nhà vua về việc thu thuế và chi tiêu ngân khố. Dần dần, Quốc hội có sự tham gia của nhiều thành phần xã hội, với độ tuổi và nghề nghiệp đa dạng. Năm 1341, Hạ viện chính thức ngồi họp riêng, tách khỏi Thượng viện. Hạ viện lúc này gồm các hiệp sĩ và thị dân, các nhà tư sản, việc bầu cử vẫn hạn chế ở những người có học vấn và địa vị trong xã hội dù không phải quý tộc. Đến năm 1430, tức là phải 100 năm sau, bất kỳ người nào có tài sản trên 40 shilling (20 shilling bằng 1 bảng Anh) thì có quyền bầu cử. Hạ viện dần kiểm soát việc chi tiêu của Hoàng gia, chỉ trích Nhà vua khi phung phí tiền bạc vào những việc không đáng và những cuộc chiến thất bại.

Mỗi khi Hạ viện không “hài lòng” với việc thu chi của Nhà nước thì Chủ tịch Hạ viện chính là người truyền đạt điều đó đến Nhà vua. Vì thế, Chủ tịch Hạ viện phải là người rất dũng cảm và khéo léo, và nếu Nhà vua “khó chịu” với ý kiến của Hạ viện thì Chủ tịch Hạ viện sẽ là người đầu tiên có nguy cơ phải gánh chịu hậu quả. Thế nên, đây là một “nghề” khá nguy hiểm, bởi trong lịch sử nước Anh bảy đời Chủ tịch Hạ viện đã bị xử chém. Dẫn đến một truyền thống còn tồn tại đến tận hôm nay là mỗi khi có ai được bầu làm Chủ tịch Hạ viện thì người này sẽ “được” các nghị sĩ khác túm áo lôi đi, và đặt vào ghế Chủ tịch.

Nơi khởi nguồn của Nghị viện Anh hiện đại ảnh 1

Một phiên họp của Quốc hội Anh. Ảnh: THE LEADER NEWSPAPER

Phòng họp chính của Hạ viện có mầu xanh lá, khác với Thượng viện là mầu đỏ. Chủ tịch Hạ viện ngồi chính giữa trên bục cao là người điều hành mọi hoạt động. Chính phủ chiếm đa số luôn ngồi bên tay phải Chủ tịch, còn phe đối lập và các đảng nhỏ ngồi bên tay trái. Những thành viên giữ các vị trí cao nhất trong Đảng, bao gồm Thủ tướng và các Bộ trưởng thì luôn ngồi hàng ghế đầu. Tầng lửng là một bộ phận quan trọng của phòng họp. Đó là những dãy ghế trên cao, phía sau ghế Chủ tịch Hạ viện. Dãy ghế này dành cho báo chí và người dân vào theo dõi các phiên họp của Hạ viện. Bên ngoài phòng họp, dọc hai bên tường là hai hành lang. Hai hành lang này dùng cho việc biểu quyết theo một cách thức độc đáo. Khi tiến hành biểu quyết, các đại biểu cho phiếu thuận sẽ đi vào hành lang bên này, các vị bỏ phiếu chống sẽ đi vào hành lang bên kia, thư ký sẽ ghi tên từng đại biểu trước khi vào hành lang để kiểm phiếu.

Những nghi thức cổ truyền và lạ lùng của Quốc hội Anh được thể hiện rõ nét nhất ở một sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu: Lễ khai mạc Quốc hội. Quốc hội luôn luôn được khai mạc bởi bài diễn văn của người đứng đầu nhà nước quân chủ. Nữ hoàng tại vị Elizabeth Đệ Nhị giữ kỷ lục trong lịch sử Anh, đã khai mạc tất cả các kỳ họp Quốc hội trong suốt 67 năm trị vì, trừ hai lần ngoại lệ vào năm 1959 và 1963 khi bà mang thai hai hoàng tử.

Khi hai viện tề tựu đông đủ tại Nghị viện, Nữ hoàng sẽ đọc diễn văn khai mạc Quốc hội. Điều đáng nói là diễn văn này do Chính phủ soạn thảo. Đó chính là bản kế hoạch hành động trong năm của Chính phủ, mượn lời Nữ hoàng để công bố với toàn dân. Sự việc này thể hiện đỉnh cao quyền lực của Quốc hội, một cách gián tiếp đại diện cho quyền lực của cử tri. Sau khi Nữ hoàng đọc xong diễn văn, bà sẽ rời đi bằng xe ngựa và buổi lễ kết thúc. Buổi chiều, Hạ viện sẽ tranh luận về bài diễn văn hay bản kế hoạch. Buổi lễ này là một dịp ít ỏi trong năm cho thấy Quốc hội Anh có đông đủ đại biểu, dù tất cả đại biểu đều làm việc toàn thời gian ở Quốc hội, nhưng họ chủ yếu làm việc ở các ủy ban và do có rất nhiều công việc khác nhau cần xử lý nên thường không có mặt ở phòng họp chính.

Những thủ tục thú vị nhắc đến ở trên chỉ là hình thức để duy trì nét truyền thống của một cơ quan lập pháp có lịch sử lâu dài và phức tạp như Quốc hội Anh, nhưng ẩn trong đó lại là một bộ máy “đời mới”, hoạt động hết công suất, sôi động và hấp dẫn, luôn chạm đến những vấn đề nóng bỏng của xã hội để kịp thời đáp ứng những đòi hỏi liên tục phát sinh của một đất nước thời đại toàn cầu hóa.