Những “ngôi trường đáng sợ” ở Nigeria

Mới đây, cảnh sát Nigeria đã giải thoát gần 260 người gồm nhiều quốc tịch ở châu Phi, bị bạo hành, ngược đãi trong một ngôi trường Hồi giáo ở khu phố Oyo thuộc thành phố Ibadan, phía tây nam Nigeria. Hành động này nằm trong nỗ lực truy quét các “địa ngục” núp bóng trường học tại quốc gia châu Phi này.

Cảnh sát đột kích một cơ sở giáo dưỡng trái phép ở Nigeria. Ảnh: GETTY IMAGES
Cảnh sát đột kích một cơ sở giáo dưỡng trái phép ở Nigeria. Ảnh: GETTY IMAGES

Fadeyi Olugbenga, người phát ngôn của Sở Cảnh sát bang Oyo cho biết, ngày 5-11 vừa qua, cảnh sát đã đột kích một ngôi trường ở thành phố Ibadan sau khi tiếp nhận thông tin từ một nam sinh 18 tuổi vừa trốn thoát khỏi đây. Trong ngôi trường này, cảnh sát chứng kiến cảnh tượng 259 người bao gồm nam giới, phụ nữ, trẻ em gồm nhiều quốc tịch tại châu Phi đang bị ngược đãi, giam giữ trái pháp luật. Một số người còn bị xiềng xích và trong tình trạng ốm yếu, bệnh tật. Sau khi được trả tự do, những người này đã được chính quyền đưa tới các cơ sở chăm sóc y tế miễn phí. Chín đối tượng, bao gồm cả chủ sở hữu cơ sở kể trên, đã bị bắt. Các hoạt động điều tra vẫn đang diễn ra.

Đây không phải lần đầu tiên lực lượng an ninh Nigeria đột kích một trường học, trung tâm giáo dưỡng của người Hồi giáo, nhằm kiểm tra các cơ sở này khi được thông báo về các hoạt động đáng ngờ. Trước đó, ngày 26-9, cảnh sát thành phố Kaduna - phía bắc Nigeria, cũng đã bất ngờ ập vào một trường học tại thành phố này, phát hiện hơn 500 người, chủ yếu là đàn ông và các bé trai bị giam giữ. Khá nhiều trẻ em, trong đó có một em bé chỉ khoảng 5 tuổi, đều bị xích chân, tay và có dấu hiệu bị lạm dụng tình dục.

Trả lời cảnh sát, Bell Hamza - một học sinh vừa được giải cứu cho biết: “Cháu đã bị xích chân suốt ba tháng ở đây. Nếu ai đó có ý định chạy trốn sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, như bị trói và treo lên trần nhà. Trong thời gian ở đây, đã có người chết vì bị tra tấn”. Trong khi đó, nhiều thiếu niên có quốc tịch ở Burkina Faso, Mali khai báo với cảnh sát rằng, người thân đưa các em đến đây bởi tin đây là một trường học kinh Koran. Reuters dẫn lời một phụ huynh cho biết, họ không hề hay biết con mình phải sống với “tình trạng khắc nghiệt” như vậy.

Hồi giữa tháng 10 vừa qua, cảnh sát Nigeria cũng đã giải cứu hơn 90 người tại một trường học ở bang Katsina của nước này. Cảnh sát phát hiện nhiều học sinh từ 7 - 18 tuổi bị xích vào tường, bị quấy rối, đánh đập và hứng chịu nhiều hình thức tra tấn khác. Như vậy, chỉ trong hơn một tháng qua, cảnh sát đã giải cứu tới gần 1.000 người trong những “ngôi trường địa ngục”, phần lớn là trẻ em, đã bị giam cầm, ngược đãi, có người bị tra tấn đến mức không đi lại được.

Những “ngôi trường đáng sợ” ở Nigeria ảnh 1

Cảnh sát Nigeria phát hiện hàng trăm người bị xiềng xích tại một trường học ở Kaduna. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo CNN, những ngôi trường Hồi giáo nói trên còn gọi là Almajiri, rất phổ biến tại miền bắc Nigeria và thường do các đối tượng mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan điều hành. Theo CNN, hiện có khoảng 10 triệu học sinh ở các quốc gia Tây Phi theo học tại các trường trên khắp châu Phi. Các em học sinh được cha mẹ gửi đến những ngôi trường đó vì nghe lời quảng cáo rằng, con cái mình sẽ được học về kinh Koran và các chân lý của đạo Hồi. Người dân địa phương cho biết, các thiếu niên bị cho là ngang bướng hoặc nghiện ma túy thường được gia đình đưa vào những ngôi trường Hồi giáo để rèn luyện nền nếp. Hầu hết đó là các gia đình đa thê, có mức sống thấp, thu nhập trung bình hằng ngày không quá hai USD. Điều kiện sống khó khăn, bằng việc gửi con vào các trường Hồi giáo, nhiều phụ huynh mong muốn chúng được dạy dỗ và trở thành người có trách nhiệm. Nhưng dường như đây cũng là một cách để họ trút bớt đi gánh nặng đối với con cái.

Theo thông báo của cảnh sát Nigeria, khi đến các ngôi trường như vậy, không ít học sinh phải ra đường xin ăn, xin tiền để về nộp cho các thầy giáo. Rabiu Umar, nạn nhân vừa được giải thoát khỏi trung tâm giáo dưỡng ở thành phố Ibadan, bàng hoàng kể lại: “Mỗi ngày, họ đánh chúng tôi bằng roi hơn 30 lần, sáng 10 lần, chiều 10 lần và tối thêm 10 lần nữa, vì không kiếm đủ số tiền mà họ yêu cầu”.

Điều kiện sống tại những ngôi trường này vô cùng tồi tệ. Thường là khoảng 40 học sinh phải sống chen chúc trong một căn phòng bẩn thỉu, dột nát rộng chưa đến 20 m². Các em phải ngủ mà không có giường chiếu, chăn màn. Những bữa ăn ở đó cũng “không thể nuốt nổi”. “Nó giống như đồ ăn cho động vật chứ không phải con người”, một đứa trẻ cho biết. Hơn nữa, khoảng 10 - 20 người phải tắm chung và chia nhau một xô nước. “Hầu như ai cũng mắc các chứng bệnh về da, rối loạn tâm lý”, một bác sĩ khẳng định.

Cơ quan an ninh Nigeria cho biết, hệ thống trường học này thiếu giáo viên tốt và điều kiện vệ sinh. Tiêu chí giảng dạy ở đây rất thấp do giáo viên gần như cũng không biết chữ. Họ dùng hệ thống trường học để tạo vỏ bọc cho hoạt động tội phạm, lạm dụng trẻ em, hành xử một cách phi xã hội và cuối cùng là sử dụng chúng như những nô lệ tình dục.

Điều đáng nói là trường học Hồi giáo kiểu này đã xuất hiện khoảng vài thập kỷ trở lại đây tại Nigeria. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đến từ các quốc gia khác ở châu Phi đều tin tưởng vào những ngôi trường đó. Nhiều người cho biết họ được phép đến thăm con vài tháng một lần, nhưng chỉ được gặp ở nơi quy định và không được thăm thú nơi sinh hoạt của con, nên hoàn toàn không biết con mình đang ở trong hoàn cảnh nào. Mỗi học sinh đều bị “răn đe” trước khi được gặp người nhà. Các em sẽ phải “trả giá đắt” nếu dám hé lộ tình cảnh của mình.

Theo The Guardian, gần đây, sau khi các vụ việc bị phanh phui, dư luận đã lên án gay gắt và yêu cầu lực lượng chức năng Nigeria phải có biện pháp mạnh tay. Vụ giải cứu vừa qua được cho là có thể sẽ gây thêm áp lực buộc Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari phải nhanh chóng xử lý các trung tâm giáo dưỡng và trường học Hồi giáo, vốn được quản lý hết sức lỏng lẻo. Trước đó, Tổng thống Buhari đã kêu gọi cảnh sát đóng cửa các trung tâm như vậy.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cần phải có biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với những “giáo viên” và chủ sở hữu các trung tâm kể trên, cùng với đó là ban hành các chính sách xóa đói, giảm nghèo mới mong có thể ngăn chặn được tình trạng kiếm tiền phi pháp trên thân xác những đứa trẻ, vốn vẫn rất phổ biến tại quốc gia châu Phi này.