Những đóng góp vĩ đại của V.I.Lenin

Nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I. Lenin (22-4-1870 - 22-4-2020), giới chuyên gia tiếp tục đề cao những đóng góp của vị lãnh tụ giai cấp vô sản thế giới, nhà tư tưởng, nhà lý luận chính trị kiệt xuất. Dưới đây là những phân tích của TS Khoa học lịch sử V.Ya. Grosul, đăng trên trang mạng của Đảng Cộng sản Liên bang Nga.

Lãnh tụ V.I.Lenin. Ảnh: BRITANNICA
Lãnh tụ V.I.Lenin. Ảnh: BRITANNICA

Từ dấu ấn của Hồng quân Liên Xô…

Trước hết, V.I.Lenin là người có công lớn trong việc thành lập Hồng quân của nước Nga Xô-viết, lực lượng quân đội góp phần giành chiến thắng vẻ vang trước chủ nghĩa phát-xít. Sự khởi đầu của Hồng quân không phải là từ tháng 1-1918, khi sắc lệnh về việc thành lập lực lượng này được ký kết, cũng không phải từ tháng 10-1917, khi Cách mạng Tháng Mười Nga diễn ra, mà trước đó khá lâu. Năm 1905, V.I.Lenin đã thúc đẩy thành lập Hồng quân từ lực lượng Bolshevik. Một trong các bước chuẩn bị quan trọng trong quá trình thành lập lực lượng này là hội nghị các tổ chức quân sự Bolshevik, diễn ra từ ngày 16 đến 23-6-1917, với sự tham gia tích cực của V.I. Lenin.

Dày công nghiên cứu lịch sử Cách mạng Tháng Mười Nga, chuyên gia lịch sử Nga P.A.Golub nhấn mạnh, hội nghị kể trên đã trở thành một khóa chính trị thật sự cho cán bộ lãnh đạo các tổ chức quân sự, giúp các đại biểu hiểu rõ về vai trò của đảng trong quân đội. Đây là một bước quan trọng trong việc chuẩn bị cho cuộc cách mạng mới của Nga và việc thành lập Hồng quân. Tổ chức quân sự của Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga đã tham gia tích cực vào việc thành lập Ủy ban Cách mạng quân sự Petrograd (St.Petersburg ngày nay), cũng như các ủy ban cách mạng quân sự ở cả miền trung và các tỉnh khác của đất nước. Vai trò của lực lượng này trong Cách mạng Tháng Mười Nga là không thể phủ nhận.

Khoảng 150 cuộc cách mạng khác nhau đã nổ ra trên toàn thế giới trong 500 năm qua. Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, dưới sự lãnh đạo của V.I. Lenin, vẫn là một trong những cuộc cách mạng vĩ đại nhất về quy mô và tầm quan trọng quốc tế. Từ chiến thắng này, V.I. Lenin đã nhìn được sự phát triển cũng như vai trò quốc tế của nước Nga. Đây là một trong các quan điểm địa chiến lược quan trọng nhất của V.I Lenin, áp dụng lên con đường độc lập của Nga, vốn từ chối bắt chước, tôn thờ các quốc gia khác. Ngay sau Cách mạng Tháng Mười Nga, các cuộc cách mạng khác đã diễn ra ở Áo, Hungary, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Cộng hòa Xô-viết Bavaria, Cộng hòa Xô-viết Hungary, Cộng hòa Xô-viết Bremen và Cộng hòa Xô-viết Slovakia được công bố. Các hội đồng Xô-viết được thành lập ở Ireland cũng như ở miền bắc Italia. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng tham gia cách mạng nước này cũng bày tỏ vui mừng trước tin thắng trận của Hồng quân.

... đến sự thiết lập địa chiến lược

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đánh dấu sự ra đời của nước Nga Xô-viết. Quan điểm địa chiến lược của V.I. Lenin thể hiện rõ trong việc tập trung xây dựng chính quyền Xô-viết non trẻ, đồng thời nhấn mạnh, Đảng và nhân dân phải hết sức cảnh giác, tăng cường hệ thống phòng thủ đất nước, sẵn sàng bảo vệ nhà nước đầu tiên trên thế giới chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa. V.I. Lenin cũng đề cao hòa bình với các nước khác. Theo V.I. Lenin, không có hòa bình thì không thể khôi phục nền kinh tế của đất nước, không thể tạo ra cơ sở công nghiệp và khó có thể bảo đảm sự phát triển của nông nghiệp trong nước.

V.I. Lenin liên tục giải quyết các vấn đề nhức nhối về tình hình kinh tế của nước Nga, trong đó có nợ nước ngoài và sự phụ thuộc tài chính khổng lồ vào các nước phương Tây. Từ năm 1914, V.I. Lenin đã nhấn mạnh không chỉ các quốc gia nhỏ, mà cả Nga, hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế của các nước tư bản giàu có. Tuy nhiên, V.I. Lenin cũng lưu ý đến khả năng loại bỏ sự phụ thuộc của Nga vào các nước phương Tây. Không những vậy, V.I. Lenin còn phản đối một cách rõ ràng sự cai trị của Nga đối với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Tầm quan trọng về địa - chính trị là cách giải thích của V.I. Lenin về một loại chiến tranh đặc biệt, như chiến tranh kinh tế. Các trận chiến kinh tế là đặc trưng của lịch sử xã hội loài người.

Tính đúng đắn trong chiến lược của V.I. Lenin cũng được khẳng định bởi quá trình hình thành và xây dựng Liên Xô. Trong thời gian ngắn nhất, một quốc gia vĩ đại được tái tạo với một hệ thống kinh tế mới, khoa học và văn hóa phát triển, quân đội mạnh và uy tín quốc tế cao. Việc tạo ra một nền kinh tế theo kế hoạch đã được thực hiện ở Liên Xô, giúp bảo đảm năng lực sản xuất mạnh mẽ.

Lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng quan điểm của V.I. Lenin về việc không thể tránh khỏi các cuộc chiến tranh với chủ nghĩa tư bản, có đặc tính thậm chí còn khốc liệt hơn ở giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Giới lãnh đạo Liên Xô đã hành động quyết liệt, với tất cả sự nghiêm túc lắng nghe những dự đoán của V.I Lenin. Một năm rưỡi sau khi V.I. Lenin qua đời, Đại hội Đảng khóa 14 của Đảng Cộng sản Nga đã được tổ chức, trong đó đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy công nghiệp hóa đất nước để chuẩn bị cho cuộc chiến mới sẽ là cuộc chiến của máy móc. Với những nỗ lực đáng kinh ngạc, một lực lượng quân đội được trang bị cơ sở vật chất tiên tiến đã được hình thành.

Các tác phẩm cuối đời của V.I. Lenin nhận được sự quan tâm đặc biệt. Chiến đấu với bạo bệnh, V.I. Lenin vẫn luôn nghĩ về vận mệnh đất nước. Một trong những bài viết của V.I. Lenin đăng trên báo Sự thật nêu rõ nhiệm vụ đấu tranh chống nạn mù chữ, sau đó được phổ biến rộng rãi toàn quốc. Các biện pháp cụ thể mau chóng được triển khai để thực hiện các yêu cầu của V.I. Lenin. Vai trò của trường học lớn mạnh từ đó. Trong điều kiện khó khăn của chiến tranh, các tổ chức khoa học liên tiếp được thành lập. Liên Xô là một trong hai trung tâm khoa học lớn nhất toàn cầu được ra đời vào thế kỷ 20.

Đóng góp cho phong trào cộng sản thế giới

V.I. Lenin đóng vai trò lớn trong sự phát triển của phong trào cộng sản thế giới. Ngay từ ngày 1-11-1914, V.I. Lenin đã công khai kêu gọi thành lập Quốc tế Cộng sản mới, nơi không có chỗ cho chủ nghĩa cơ hội. Tháng 4-1917, V.I. Lenin cho rằng Đảng Bolshevik nên được gọi là Đảng Cộng sản. Theo gương của nước Nga Xô-viết, đảng cộng sản bắt đầu được thành lập ở nhiều quốc gia.

Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản vào tháng 3-1919, 35 đảng và nhóm đảng từ 30 quốc gia đã được giới thiệu. Tại Đại hội lần thứ 5, được tổ chức vào năm mất của V.I. Lenin (1924), có sự tham gia của 46 Đảng Cộng sản, bốn đảng công nhân và 10 tổ chức quốc tế đại diện 49 quốc gia. Sau đó, đến năm 1935, Đại hội Cộng sản có 76 đảng và nhóm cộng sản tham dự. Quốc tế Cộng sản tuyên bố vận dụng chủ nghĩa Marx, đồng thời nhận trọng trách tiếp tục và hoàn thành sự nghiệp vĩ đại mà Quốc tế Cộng sản trước đó khởi xướng.

Phong trào cộng sản quốc tế phát triển mạnh mẽ đã đóng vai trò lớn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát-xít và sự thất bại của phát-xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Việc tạo ra một hệ thống các đảng cộng sản và cuộc đấu tranh có tổ chức chống lại chủ nghĩa phát-xít là bằng chứng thuyết phục về sức sống của các giá trị chiến lược mà V.I. Lenin đã chỉ ra. Dưới ngọn cờ của V.I. Lenin, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới được hình thành. Các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, khiến hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã.

Trong di chúc của V.I. Lenin để lại có nhiều câu hỏi quan trọng về xây dựng Liên Xô, gồm thái độ đối với nông thôn, vai trò của giai cấp công nhân, cuộc đấu tranh chống quan liêu... Tác phẩm cũng chứa đựng những cảnh báo về sự vội vàng trong chiến thắng của chủ nghĩa xã hội, và những cách tiếp cận mới để xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp điều kiện thực tế. Nhiều yêu cầu của V.I. Lenin đã được hiện thực hóa, nhưng một số vẫn chỉ nằm trên trang giấy...