Nhức nhối nạn xâm hại trẻ em

Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng đã và đang là một vấn nạn trên toàn thế giới. Cùng với số lượng nạn nhân gia tăng, các hành vi xâm hại thể chất, tâm lý hoặc bạo hành đối với trẻ em ngày càng biến tướng phức tạp. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả, đồng thời nghiêm trị và ngăn chặn sớm những kẻ thực hiện hành vi ấu dâm.

Thủ phạm ấu dâm Kyle James Henk Daniels bị bắt giữ. Ảnh: DAILY TELEGRAPH
Thủ phạm ấu dâm Kyle James Henk Daniels bị bắt giữ. Ảnh: DAILY TELEGRAPH

Những số liệu đáng báo động

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa hành vi xâm hại tình dục và ngược đãi trẻ em bao gồm tất cả các hình thức đối xử gây tổn hại về thể chất và tinh thần của trẻ dưới tuổi vị thành niên (dưới 10 tuổi). Ngoài ra, sự vô trách nhiệm, việc bỏ rơi của những người liên quan hoặc hành động mua bán, khai thác lao động trẻ em, dẫn tới đe dọa tính mạng, sức khỏe hay sự phát triển của trẻ nhỏ cũng được coi là những hành vi ngược đãi và xâm hại trẻ em. Trong khi các hành vi ngược đãi, bạo hành khác có thể phát hiện thông qua vết tích trên cơ thể, thì nạn xâm hại tình dục trẻ em ngày càng tăng vì khó phát hiện và biến tướng phức tạp hơn. Những hành động quấy rối tình dục trẻ nhỏ chưa đủ nhận thức hoặc không có khả năng phản kháng thường bị thủ phạm đe dọa, dụ dỗ để giữ kín hành động xấu; hoặc do e ngại, sợ điều tiếng mà chính nạn nhân hoặc gia đình không lên tiếng tố cáo.

Thực tế này phản ánh rất rõ thông qua các dữ liệu toàn cầu về số lượng lớn các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Từ năm 2002, WHO ước tính có tới 150 triệu bé gái và 73 triệu bé trai bị xâm hại tình dục. Một phân tích tổng hợp của WHO từ 65 nghiên cứu tại 22 quốc gia năm 2014 cho thấy, tỷ lệ xâm hại tình dục cao nhất xảy ra ở châu Phi (34,4%) và châu Á (23,9%), trong khi ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 10,1% và 9,2%. Nam Phi là quốc gia có tỷ lệ xâm hại tình dục ở cả bé gái (43,7%) và bé trai (60,9%) cao nhất thế giới. Đối với các bé trai, tỷ lệ xâm hại tình dục trẻ em xếp sau Nam Phi là các quốc gia như Jordan (27%), Tanzania (25%), Israel (15,7%), Tây Ban Nha (13,4%), Australia (13%), Costa Rica (12,8%)… Trong khi đó, các nước xếp thứ hai về tỷ lệ xâm hại tình dục đối với bé gái là Australia (37,8%), Costa Rica (32,2%), Tanzania (31,0%), Israel (30,7%), Thụy Điển (28,1%), Mỹ (25,3%), Thụy Sĩ (24,2%)…

Số liệu thống kê các vụ bị phát hiện ở trên chỉ là “bề nổi của tảng băng” khi mà phần lớn hành vi xâm hại trẻ em chủ yếu xảy ra ở những nơi kín đáo hoặc ít ngờ tới, như trong nhà, ở trường học, thang máy… Thí dụ trường hợp của Kyle James Henk Daniels, 20 tuổi, một giáo viên dạy bơi bị buộc tội xâm hại tình dục hai bé gái 6 tuổi và 8 tuổi trong giờ học tại bể bơi Mosman, phía bắc TP Sydney (Australia). Ngoài ra, các bậc phụ huynh thường lo ngại con em mình có thể bị xâm hại do những kẻ lạ mặt, trong khi thực tế người thân quen hoặc thường xuyên gần gũi các em cũng có khả năng trở thành thủ phạm. Có không ít trường hợp đáng tiếc đã xảy ra như vụ việc mới đây do cặp đôi Justin David Garfield (39 tuổi) và Rosa Fabiola Garfield (36 tuổi), sống tại bang Iowa (Mỹ) bị buộc tội xâm hại tình dục với một bé gái 13 tuổi, là thành viên trong gia đình của chính thủ phạm.

Theo nghiên cứu của WHO, việc xâm hại tình dục là nguyên nhân gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tâm lý của trẻ em. Về sức khỏe, xâm hại tình dục có thể làm tổn thương cơ quan sinh dục, gây rối loạn tiêu hóa, gây một số bệnh phụ khoa, thậm chí lây bệnh qua đường sinh dục, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển cơ thể của các em trong tương lai. Xét trên phương diện tâm lý, trẻ bị xâm hại có thể mắc các triệu chứng trầm cảm, thường xuyên có thái độ lo sợ, tự ti từ đó làm suy giảm nhận thức và mất năng lực giao tiếp xã hội. Theo thời gian, các tổn thương tâm lý này có thể dẫn tới sự lạm dụng chất kích thích như rượu, bia và nặng hơn là các chất ma túy...

Nhức nhối nạn xâm hại trẻ em ảnh 1

Trẻ em bị xâm hại sẽ phải chịu nhiều tổn thương về thể chất lẫn tinh thần. Ảnh: THE SPECTATOR

Cần những bản án nghiêm khắc

Hậu quả lâu dài và nghiêm trọng của việc xâm hại tình dục đối với tâm sinh lý trẻ em là không thể phủ nhận, bởi vậy rất nhiều quốc gia áp dụng hình phạt cao nhất dành cho những kẻ ấu dâm. Năm 2018, nước thuộc nhóm dẫn đầu thế giới về tình trạng xâm hại trẻ em là Nam Phi đã thông qua điều luật không giới hạn thời gian khởi tố hình sự đối với bất kỳ hành vi xâm hại tình dục nào, bất kể thời gian xảy ra vụ việc và độ tuổi nạn nhân. “Quyết định này phù hợp những quy định của Ủy ban châu Phi về quyền con người và quyền công dân, góp phần chống lại tình trạng xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của nó ở châu Phi”, ông Sanja Bornman, Giám đốc Chương trình Bình đẳng giới thuộc tổ chức Luật sư vì nhân quyền (LHR) phát biểu.

Trong khi đó, Ấn Độ đã trở thành một trong số quốc gia có tỷ lệ xâm hại tình dục trẻ em cao ở châu Á, khi chỉ tính riêng trong năm 2016 đã phát hiện tới 19.000 trường hợp. Đầu tháng 4-2018, nhiều cuộc diễu hành đã diễn ra sau khi cảnh sát công bố chi tiết vụ xâm hại tàn khốc một bé gái Hồi giáo 8 tuổi và thủ phạm là một số người đàn ông tại thị trấn Kathua, bang Kashmir vào tháng 1-2018. Sự phẫn nộ của cộng đồng cũng gia tăng sau khi một nghị sĩ bị cáo buộc xâm hại một bé gái 16 tuổi ở bang Uttar Pradesh. Sau những sự kiện trên, Thủ tướng Narendra Modi đã chủ trì cuộc họp chính phủ để phê chuẩn việc kết án tử hình đối với những kẻ xâm hại tình dục trẻ em dưới 12 tuổi. Mức án tù tối thiểu đối với tội xâm hại tình dục trẻ em dưới 16 tuổi và phụ nữ cũng đã được tăng thêm.

Pháp luật Mỹ cũng rất mạnh tay đối với tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt nếu nạn nhân là trẻ vị thành niên. Tại một số bang như Colorado, Louisiana, Oklahoma..., những đối tượng bị kết án xâm hại trẻ em và tái phạm nhiều lần sẽ nhận án tử hình. Tội phạm nhận án phạt tiền hoặc phạt tù, sau khi mãn hạn còn phải chịu sự giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý địa phương. Đối với một số quốc gia Nam Mỹ như Peru, Chile…, tòa án thường áp dụng khung phạt cao nhất đối với kẻ ấu dâm là án chung thân. Thậm chí ở Argentina, chính phủ nước này có thể sử dụng biện pháp triệt sản nếu thủ phạm gây ra nhiều vụ xâm hại đối với một hoặc nhiều nạn nhân.

Tại Việt Nam, khung hình phạt đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em dưới 18 tuổi là từ 5 - 15 năm tù. Mức hình phạt sẽ nâng cao dần khi người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, như làm nạn nhân có thai, biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội… Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. So các nước, những khung hình phạt như trên của nước ta dường như chưa đủ thích đáng so những hậu quả nghiêm trọng mà tội phạm ấu dâm gây ra.

Hiện nay, nạn xâm hại tình dục trẻ em đã biến tướng thêm hai hình thái mới là buôn bán tình dục trẻ em và phát tán văn hóa phẩm độc hại liên quan ấu dâm thông qua internet. Bởi vậy, việc ngăn chặn loại tội phạm này ngoài thực tế và trên mạng xã hội cần có những khung hình phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe hơn, song song các biện pháp quản lý, quan tâm sát sao từ phía gia đình và nhà trường của các em.